Trực Ninh nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho công nhân lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp công đoàn huyện Trực Ninh. Thông qua công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề các nội dung về pháp luật đã giúp người lao động nhận biết, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho công nhân lao động huyện Trực Ninh.

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho công nhân lao động huyện Trực Ninh.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Trực Ninh có 130 công đoàn cơ sở (CĐCS) với hơn 23 nghìn đoàn viên, chiếm 99,8% tổng số CNVCLĐ trong huyện; trong đó đoàn viên nữ 18.188 người, chiếm 78,8%. Để giúp người lao động nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, LĐLĐ huyện đã tập trung chỉ đạo các tổ chức CĐCS phối hợp với chính quyền, chuyên môn, các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhất là những chính sách liên quan đến lao động nữ. Đồng chí Trương Quốc Khánh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Trực Ninh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TLĐ ngày 27/12/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”, hàng năm các cấp công đoàn trên địa bàn huyện đã tổ chức tư vấn pháp luật cho hàng nghìn lượt CNVCLĐ về ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, về thực hiện thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ thai sản, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.

Hàng năm, LĐLĐ huyện chỉ đạo các tổ chức CĐCS chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Công an huyện, chủ doanh nghiệp… xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL cho công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cụ thể tham mưu phối hợp với chủ doanh nghiệp triển khai tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện; thành lập, kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh viên; đầu tư, bổ sung hệ thống biển báo, phương tiện phòng, chống cháy nổ tại nơi sản xuất; tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% công nhân lao động. Phối hợp với Công an huyện và các cơ quan liên quan, kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao (chủ yếu là doanh nghiệp dệt may); triển khai xây dựng mô hình “Cụm doanh nghiệp liên kết tự quản về an ninh trật tự tại thị trấn Cổ Lễ”; nhân rộng mô hình “Cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự” tại Cụm công nghiệp thị trấn Cát Thành, Trực Hùng. Phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức tọa đàm về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, về bình đẳng giới, buôn bán người. Phối hợp với Ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh tổ chức các hội nghị tư vấn pháp luật về công đoàn, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, ATVSLĐ, chế độ tiền lương, thưởng, phụ cấp, nuôi con nhỏ, thai sản, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với Phòng Tư pháp huyện soạn thảo các văn bản pháp luật về lao động, BHXH, BHYT… giúp người lao động nắm chắc các chính sách, pháp luật, tuân thủ tốt các nội quy lao động trong quá trình làm việc, cũng như biết tự bảo vệ bản thân khi chủ doanh nghiệp vi phạm các quy định liên quan đến chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện tích cực nắm bắt việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chế độ lương, phụ cấp của người lao động làm các công việc có tính đặc thù; phối hợp với các ban chuyên đề của LĐLĐ tỉnh kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại các cơ sở. Năm 2024 LĐLĐ huyện đã tham gia cùng đoàn giám sát liên ngành về thực hiện pháp luật lao động, BHXH và quy chế dân chủ ở cơ sở tại 2 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Tân Thành (thị trấn Ninh Cường) và Công ty Cổ phần Champtailor (xã Trung Đông). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp công đoàn trên địa bàn huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng trăm hội nghị, tọa đàm có lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật và phát tờ rơi, tờ gấp, sách nhỏ cho hàng nghìn lượt công nhân lao động. Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền pháp luật cho CNVCLĐ là LĐLĐ huyện đã chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức CĐCS chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chuyên đề gắn với các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ"…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ, thời gian qua, trên địa bàn huyện Trực Ninh không có các vụ vi phạm pháp luật trong công nhân lao động, tình hình an ninh trật tự trong các doanh nghiệp ổn định. Thời gian tới, các cấp công đoàn trên địa bàn huyện tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, PBGDPL, tăng cường tuyên truyền theo hướng tương tác, chủ động tiếp nhận của CNVCLĐ. Động viên đội ngũ cán bộ CĐCS tham gia vào quá trình tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ CĐCS là một tuyên truyền viên năng động, sáng tạo nhằm làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202408/truc-ninhnang-cao-nhan-thuc-phap-luat-cho-cong-nhan-lao-dong-a3b22e4/