Trục sông Hồng - biểu tượng mới của Hà Nội

Hà Nội hướng tới mô hình đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, với quy hoạch hài hòa, tận dụng tối đa không gian và cảnh quan sông nước

Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Chia thành 3 đoạn chính

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lồng ghép những quy định thuận lợi và vượt trội của Luật Thủ đô vào các văn bản luật, nghị quyết liên quan việc phát triển TP Hà Nội hai bên sông Hồng. Việc này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tối ưu hóa các chính sách khi điều chỉnh những vấn đề liên quan.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong các quy hoạch chuyên ngành. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai phát triển trục sông Hồng - biểu tượng phát triển mới của thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, với đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa và lịch sử. Đây sẽ là trục cơ sở để phát triển đồng bộ, đồng đều cả phía Nam và phía Bắc sông Hồng.

Sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của TP Hà Nội. Ảnh: MINH PHONG

Sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của TP Hà Nội. Ảnh: MINH PHONG

Quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030 cũng đã xác định khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông và bãi giữa sông này.

Trục sông Hồng được chia thành 3 đoạn chính, mỗi đoạn có đặc điểm và định hướng phát triển riêng. Cụ thể, đoạn 1 từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90 km, được xác định là khu vực phát triển không gian sinh thái. Đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40 km, được định hướng phát triển thành khu vực trung tâm đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa, thương mại, dịch vụ. Đoạn 3 từ cầu Mễ Sở đến khu vực Phú Xuyên dài 30 km, được định hướng phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái và nông nghiệp.

Tận dụng quỹ đất hai bên sông

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có hàng loạt cây cầu vượt sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị, các vùng, địa phương và đô thị vệ tinh. Mới đây, ngày 19-5, TP Hà Nội đã khởi công xây dựng cầu Tứ Liên qua sông Hồng. Đây là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trục sông Hồng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị và văn hóa đánh giá sông Hồng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Định hướng phát triển sẽ gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Do đó, quy hoạch phát triển trục sông Hồng đã nêu rõ tổ chức không gian sống "nhìn sông, tựa núi" để khu vực này tiếp tục được định hướng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và không gian văn hóa di sản.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh sông Hồng mang đậm giá trị văn hóa, gắn liền với Thăng Long - Hà Nội. Theo ông, việc xây dựng, phát triển sông Hồng thành trục không gian cảnh quan trung tâm là một bước tiến chiến lược.

"Định hướng phát triển này không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của dòng sông mà còn góp phần định vị sông Hồng như một biểu tượng phát triển mới, khẳng định tầm vóc của thủ đô Hà Nội trong kỷ nguyên hiện đại" - ông Nghiêm nhìn nhận.

Theo bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để hiện thực hóa các định hướng phát triển trục sông Hồng, cần có các giải pháp đột phá về hành lang pháp lý và cơ chế tổ chức thực hiện. Hà Nội cần ưu tiên phát triển trục không gian sông Hồng, tận dụng quỹ đất quý giá hai bên sông để kiến tạo hình ảnh đô thị hiện đại với dòng sông làm trung tâm, bảo đảm phát triển cân bằng giữa hai bờ.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhận định sông Hồng là không gian cảnh quan chủ đạo, kết nối bờ Bắc và bờ Nam, đóng vai trò trung tâm trong các tuyến phát triển không gian đô thị. Với vai trò này, sông Hồng không chỉ là trục giao thoa giữa không gian lịch sử với hiện đại mà còn có nhiều tiềm năng để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo và kinh tế - xã hội.

Ông Chính cho rằng các khu vực bãi nổi giữa sông và bãi ven sông Hồng có thể được quy hoạch thành không gian kiến trúc cảnh quan độc đáo, kết hợp các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế. Hiện nay, khu vực bãi giữa chủ yếu trồng rau màu, thậm chí nhiều diện tích bị bỏ hoang, gây lãng phí. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh quy hoạch đồng bộ, biến sông Hồng thành trục cảnh quan hiện đại, hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển bền vững, góp phần định hình diện mạo thành phố trong tương lai.

Xây dựng đại lộ, cảnh quan ven sông

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận cho liên danh Đèo Cả - Văn Phú nghiên cứu dự án "Xây dựng đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng", đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đại lộ ven sông Hồng gồm 22 km cầu cạn, 7,6 km đường song hành, 2,3 km hầm chui với quy mô mặt cắt ngang 4 - 6 làn xe. Dọc bờ sông có các cụm công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, công trình mang tính biểu tượng là điểm nhấn của thủ đô, được tổ chức các hoạt động văn hóa, làng nghề truyền thống đa dạng.

Theo đơn vị nghiên cứu, dự án này sẽ góp phần giải quyết vấn đề "thành phố quay lưng vào sông", đồng thời tăng cường kết nối giao thông và phát triển không gian đô thị đa chức năng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh và giải trí của người dân.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truc-song-hong-bieu-tuong-moi-cua-ha-noi-196250710182016879.htm