Không để lãng phí trụ sở dôi dư
Sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, TP Hà Nội đang đối mặt thách thức trong việc quản lý tài sản công
Đó là việc phải xử lý gần 300 trụ sở, cơ sở nhà đất dôi dư. Nếu không có giải pháp đồng bộ, hợp lý và kịp thời, khối tài sản này có thể rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí.
Trước thời điểm sắp xếp, Hà Nội quản lý hơn 5.200 trụ sở và cơ sở hoạt động sự nghiệp, với tổng diện tích gần 27 triệu m2. Sau khi giảm 400 đơn vị hành chính cấp xã, thành phố tiếp tục sử dụng hơn 4.900 trụ sở, điều chuyển 6 trụ sở; 291 trụ sở, cơ sở còn lại được xác định là dôi dư. Đây là khối công sản lớn, đòi hỏi phải được khẩn trương rà soát, phân loại và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả.
Nhằm giải quyết vấn đề này, UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các xã, phường khẩn trương hoàn thành việc rà soát, bố trí và xử lý tài sản công trong tháng 7-2025. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính sẽ chủ trì xây dựng phương án tổng thể xử lý trụ sở, cơ sở dôi dư, bao gồm phương án bố trí lại cho cơ quan trung ương và địa phương, chuyển đổi công năng phục vụ các mục tiêu giáo dục, y tế hoặc đưa vào khai thác có hiệu quả.
Dù vậy, quá trình triển khai thực tế không hề đơn giản. Việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công hiện gặp không ít vướng mắc. Điều này khiến việc xác định nhu cầu sử dụng và bố trí lại trụ sở cho các đơn vị hành chính mới chỉ mang tính tương đối, khó bảo đảm hiệu quả lâu dài nếu không có hướng dẫn thống nhất.
Tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội - nơi có quỹ đất lớn, nhu cầu về trường học, trạm y tế, công trình công cộng đã được đáp ứng, dẫn đến tình trạng "khó tiêu thụ" trụ sở, cơ sở dôi dư nếu chỉ giới hạn trong việc chuyển đổi công năng phục vụ dân sinh. Trong khi đó, việc giao cho tổ chức kinh doanh khai thác hoặc đấu giá cũng đối mặt thách thức: số trụ sở, cơ sở dôi dư nhiều, phân bố rải rác, gây áp lực lớn cho khâu quản lý, bảo vệ và chuẩn bị đấu giá.
Trước tình hình đó, việc Bộ Tài chính thành lập tổ công tác để điều phối, giám sát, đồng thời hỗ trợ rà soát, xử lý tài sản công sau sắp xếp là bước đi cần thiết. Hà Nội cũng kiến nghị sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức mới về tài sản công để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý dứt điểm các trụ sở dôi dư; đồng thời đề xuất các bộ, ngành rà soát lại nhà đất không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn để chuyển giao cho địa phương quản lý.
Tài sản công là tài sản của nhân dân, do đó không thể để rơi vào tình trạng lãng phí, bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Hà Nội, với vai trò là thủ đô, cần thể hiện tinh thần tiên phong trong việc xử lý, khai thác hiệu quả trụ sở, cơ sở dôi dư, làm hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo, làm theo.
Không để trụ sở dôi dư trở thành "gánh nặng" mà ngược lại, phải biến đây thành cơ hội phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh, nâng cao chất lượng quản lý và cải thiện bộ mặt đô thị. Đó là trách nhiệm, cũng là thước đo năng lực quản lý và tư duy phát triển của chính quyền đô thị hiện đại.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-de-lang-phi-tru-so-doi-du-196250710181822275.htm