Trực thuộc Sở Y tế khiến trường CĐ phải trình, xin phép nhiều bước, nhiều khâu
Trường cao đẳng y tế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm từ xây dựng chính sách, cơ sở vật chất, thu hút nguồn đầu tư cho trường,...
Thực tế cho thấy, hiện nay có một số trường cao đẳng y tế vẫn thuộc Sở Y tế quản lý. Điều này dường như đang đi ngược lại với quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5 của Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội về điều lệ trường cao đẳng là "cơ quan chủ quản của trường cao đẳng công lập là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương". Theo nhiều trường đánh giá việc trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố tạo nhiều thuận lợi cho cơ sở giáo dục trong tổ chức cũng như triển khai các nhiệm vụ được giao.
Trước thực trạng trên, có ý kiến lo lắng rằng, việc trường cao đẳng y tế vẫn trực thuộc Sở Y tế sẽ sinh ra nhiều bất cập như phải thêm nhiều bước, nhiều khâu trong các thủ tục hành chính, khi xảy ra vấn đề gì lại phải qua nhiều cấp bậc khiến việc giải quyết bị chậm và dễ phát sinh ra nhiều khó khăn hơn.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, mỗi địa phương có những đặc thù riêng nên sẽ có cách làm, phân cấp cơ quan quản lý các trường cao đẳng công lập cho phù hợp, đảm bảo hạn chế được tối đa nhất có thể những khó khăn mà trường cao đẳng đã, đang và có thể gặp phải trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, từ khi thành lập thành trường cao đẳng đến nay, trường đều trực thuộc cơ quan quản lý trực tiếp là Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nên gặp được nhiều thuận lợi.
Trước hết, trường là đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh nên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của tỉnh nhà từ việc truyền tải, đưa ra các chủ trương đến việc dễ dàng thu hút được nhiều nguồn đầu tư về cho nhà trường.
Bên cạnh đó, về mặt quản lý, do trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nên trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng được thuận lợi hơn.
Như trong công tác phân bổ nhân sự cho trường, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phân quyền cho Sở Nội vụ để sắp xếp, bố trí nhân sự cho trường. Nhờ vậy, trường gặp ít khó khăn hơn nhiều trong các vấn đề tuyển dụng, bổ sung hay tinh giản nhân sự cho phù hợp.
Cũng theo thầy Tuấn, nếu trường cao đẳng y tế nào trực thuộc Sở Y tế, mà không phải do Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan chủ quản sẽ lúng túng, vất vả và dễ nảy sinh vướng mắc trong việc triển khai một vấn đề do phải trình, xin phép nhiều bước, nhiều khâu.
Hơn nữa, theo thầy Tuấn, nếu trường cao đẳng y tế trực thuộc Sở Y tế vừa phải thêm một cơ quan quản lý, trong khi đó, Sở y tế chủ yếu quản lý về chuyên ngành, nhưng về mặt giáo dục đào tạo, xây dựng các dự án, sắp xếp đội ngũ nhân sự,... lại có ít kinh nghiệm nên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Cũng bàn về vấn đề trên, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam cho hay, trước kia khi là trường trung cấp, trường trực thuộc Sở Y tế quản lý. Nhưng từ khi nâng cấp lên cao đẳng, theo quy định hiện hành, trường phải trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.
Tuy nhiên, để quá trình quản lý được sâu sát hơn, hiện Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao quyền cho Sở Y tế quản lý trực tiếp nhà trường (Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn quản lý nhưng phân cấp qua Sở Y tế).
Do vậy, theo thầy Cường, từ trước khi nâng cấp lên trường cao đẳng cho đến hiện tại, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam đều do Sở Y tế Hà Nam quản lý từ việc tổ chức, sắp xếp biên chế, tài chính,...đều không gặp khó khăn gì.
Bởi lẽ, từ trước đến nay, trường đều chỉ làm việc qua một đầu mối nên khi có vấn đề gì, trường sẽ báo cho Sở Y tế và Sở phải có trách nhiệm báo lại lên Ủy ban để giải quyết các vấn đề đó.
Thầy Cường cũng cho rằng, nếu trường cao đẳng y tế được Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý trực tiếp cũng tốt hơn bởi sẽ giúp nâng cao vị thế của trường, đặc biệt là khi trường đi làm việc tại các địa phương khác.
Mặt khác, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam hiện nay trường vẫn đang gặp một số khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu khóa, minh chứng cụ thể là năm vừa qua trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu cần tuyển.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, thầy Cường cho hay, khác với đối tượng tuyển sinh của các trường nghề là từ tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, đối tượng tuyển sinh của trường cao đẳng y tế là phải tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, hầu như những thí sinh thuộc nhóm đối tượng này thường sẽ chọn vào đại học thay vì vào trường cao đẳng có thể do lo lắng vì sợ không có đầu ra tốt như mình mong muốn.
Nhận thấy những khó khăn đó, Sở Y tế Hà Nam cũng đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục như giới thiệu cho người học sau khi tốt nghiệp đi làm tại nhiều bệnh viện (chủ yếu là bệnh viện tư nhân) hoặc đi xuất khẩu lao động tại những nước phát triển về y tế với mức thu nhập cao để vừa thu hút đầu vào, vừa đảm bảo đầu ra cho các em.