Trực tiếp đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, hải quan
Hơn 30 câu hỏi của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Tài chính trả lời trực tiếp tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024.
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Tài chính đã giới thiệu những nội dung, kết quả chủ yếu về công tác trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian qua. Các quy định mới trong lĩnh vực Thuế và Hải quan cũng đã được trình bày khái quát tại Hội nghị để các doanh nghiệp lắng nghe, trao đổi trực tiếp để hiểu sâu hơn, phục vụ tốt hơn trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Ngay tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu hơn 30 câu hỏi tập trung vào những vướng mắc liên quan đến nội dung như: hoàn thuế VAT, hạch toán thuế, hóa đơn điện tử; kê khai thuế qua các sàn thương mại điện tử, thực thi thuế tối thiểu toàn cầu… Những vướng mắc của doanh nghiệp đã được Lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và đại diện các đơn vị của Bộ Tài chính trực tiếp trả lời.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính đã tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan. Qua đó, Bộ Tài chính đã nắm bắt được những tâm tư, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục thuế, hải quan của doanh nghiệp, từ đó có phương án xử lý một cách kịp thời, nhanh chóng.
Tại Hội nghị này năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 88 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế và 37 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan. Các vướng mắc đều được trả lời trực tiếp tại Hội nghị hoặc trả lời bằng văn bản đến VCCI và đều được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để các tổ chức, cá nhân liên quan được biết.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay, tính từ Hội nghị đối thoại trong năm 2023, VCCI đã tập hợp ý kiến cùng với Bộ Tài chính giải quyết trên 450 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp theo các quy mô khác nhau bao gồm các hội nghị đối thoại quy mô toàn quốc, vùng, địa phương, bao gồm cả các vướng mắc mang tính cá biệt và các vướng mắc phát sinh trong các văn bản luật, qua đó giúp các đơn vị chức năng của Bộ xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị này và các hội nghị theo các quy mô, hình thức khác nhau, VCCI đã nhận được nhiều ý kiến, đánh giá tích cực của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về ngành thuế và hải quan khi áp dụng các quy định mới phù hợp với doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh hơn, thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn.
“Tuy vậy, chúng tôi cũng ghi nhận gần 100 ý kiến gửi đến VCCI qua Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2024 và phiếu thông tin của các doanh nghiệp quy định về hoàn thuế, mức tính thuế, tính thống nhất trong áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế, một số vướng mắc phát sinh từ sự thay đổi chính sách của quốc gia mà doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Các ý kiến, kiến nghị này đã được VCCI chuyển tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xem xét, giải đáp, sửa đổi các quy định, quy trình, quy định liên quan đối với doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan”, ông Phạm Tấn Công nêu rõ.
Bà Thùy Hương, Trưởng phòng Kế toán, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản VQB cho biết, công ty có vướng mắc về hoàn thuế VAT đối với mặt hàng khoáng sản. Tuy nhiên, cơ quan thuế, đặc biệt Cục Thuế Hà Nội đã hỗ trợ, tháo gỡ giúp công ty hoàn thuế VAT thuận lợi. Số tiền 3 – 4 tỷ đồng/tháng từ hoàn thuế VAT đã giúp doanh nghiệp có dòng tiền quay vòng vốn, tiếp tục sản xuất kinh doanh.