TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô
Chiều 18/5, tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023.
Hội nghị do UBND Thành phố và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời cũng là hoạt động thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo Thành phố, LĐLĐ Thành phố luôn quan tâm, chăm lo, bảo vệ, sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
14h30: Khai mạc chương trình đối thoại
Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội; Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội; Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; Bùi Duy Cường - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn; Phạm Quang Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lê Quang Long - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các ban Xây dựng Đảng Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND Thành phố; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; lãnh đạo các quận, huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn; đại diện các phòng, ban thuộc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; lãnh đạo, cán bộ các ban của LĐLĐ Thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đại diện một số doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở và gần 1.000 công nhân lao động (CNLĐ).
14h32: Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng báo cáo tóm tắt về tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm; tổng hợp kiến nghị, đề xuất của CNLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia; là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số CNLĐ đông. Hiện nay, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động.
Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn CNLĐ tiếp tục gặp những khó khăn. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, người lao động và cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của CNLĐ dần đi vào ổn định.
Đồng chí Lê Đình Hùng cũng cho biết, về tiền lương, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn Thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... và còn khó khăn hơn đối với CNLĐ đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất.
Về vấn đề đề nhà ở cho CNLĐ, hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân; do vậy khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao,...
Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các Khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường phổ thông trung học công lập, điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường phổ thông trung học dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của CNLĐ.
Về chính sách lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội, hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội của Thành phố là 2.218.675 người; tăng 160.898 người, tăng 7,8% so với năm 2022; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động: Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội toàn Thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động; trong đó: Riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ.
“Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng,… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
14h45: Lãnh đạo UBND Thành phố và LĐLĐ Thành phố chủ trì chương trình đối thoại
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, bên cạnh những vấn đề báo cáo LĐLĐ Thành phố đã nêu, lãnh đạo Thành phố rất muốn lắng nghe thêm các ý kiến sát sườn, vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của CNLĐ. Trên cơ sở giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn để cùng nhau xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo các chính sách về tiền lương và các vấn đề khác cho CNLĐ.
* Giải đáp câu hỏi này, đồng chí Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề được Trung ương, Thành phố, Thành ủy, các cấp, các ngành vô cùng quan tâm. Trong những năm qua, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ngày mai (19/5), Bộ Xây dựng sẽ triển khai kế hoạch này.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, Thành phố cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, dành quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Thời gian tới, Thành phố sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.
Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Khu công nghiệp Nội Bài có cổng nằm trên đường tỉnh lộ 131, huyện Sóc Sơn, từ lý trình Km4+100 đến Km5+00, vị trí cổng hiện tại ở lý trình Km4+250. Đường 131 có bề rộng 8m, lề đường mỗi bên 1m, mặt đường êm thuận được lắp đặt đầy đủ hệ thống vạch sơn, biển báo. Ngoài ra còn tiếp giáp với các đường: Đường ngoài hàng rào và đường nối QL3 cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn - tuyến số 1 từ Km2+800 - Km3+940; đường cho khu dân cư và các cụm công nghiệp xã Mai Đình từ Km0+00 - Km0+700.
Lưu lượng người và phương tiện thường đông vào tầm 14h00 - 15h00, kèm theo bán hàng rong tự phát tập trung hai bên đường gây mất an toàn giao thông.
Về các đề xuất nhằm đảm bảo an toàn giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cho biết:
- Sở Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải bố trí lực lượng xử lý tình trạng bán hàng rong và hướng dẫn phân luồng giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng Khu công nghiệp Nội Bài trên đường 131.
- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố, chính quyền địa phương bố trí lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng bán hàng rong và bố trí lực lượng phối hợp hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với việc đề xuất mở thêm cổng: Sở Giao thông vận tải thống nhất với đề xuất, tuy nhiên Ban Quản lý Khu công nghiệp Nội Bài cần phải căn cứ vào quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt hoặc báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc xem xét điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp chưa có quy hoạch để nghiên cứu phương án và phải có các phương án thiết kế đấu nối giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây ùn tắc giao thông tại khu vực.
Giải đáp ý kiến của chị Thu, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết: Tại khoản 10 Điều 27 Nghị định 146/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, chúng tôi đã tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố hàng năm đều có văn bản chỉ đạo giao Sở Y tế phối hợp với BHXH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện khám chữa bệnh kể cả vào ngày nghỉ lễ, Tết, Chủ Nhật.
Trong quy định này giao trách nhiệm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh; thông báo bằng văn bản cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.
Các cơ sở khám chữa bệnh đã nghiêm túc thực hiện nội dung này. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 29 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ cho người bệnh và được thanh toán đúng theo quy định của Bộ Y tế. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khám chữa bệnh BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu người bệnh.
Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Qua khảo sát đây là vị trí nút giao ngã ba giữa đường vào Khu công nghiệp với đường tỉnh lộ 419 (đường 80 cũ) tại Km14+100. Đường tỉnh 419 có mặt cắt rộng 15m, đường vào Khu công nghiệp Thạch Thất có mặt cắt rộng 11m. Nút giao ngã ba được lắp đặt đầy đủ hệ thống vạch sơn, biển báo, mặt đường đảm bảo êm thuận.
Đối với đề xuất lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, chúng tôi xin tiếp thu kiến nghị, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp Công an thành phố và các đơn vị liên quan khảo sát hạ tầng, phương án tổ chức giao thông để nghiên cứu báo cáo UBND Thành phố đưa vào kế hoạch đầu tư công thực hiện lắp đặt đèn tín hiệu giao thông hoặc điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động. Nếu được, sẽ được triển khai ngay trong năm nay.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường: Liên quan đến an toàn giao thông, chúng tôi đã tiến hành khảo sát. Qua khảo sát, chúng tôi đã thống nhất với Công an Thành phố sẽ xây dựng giải phân cách. Phía bên kia đường là khu vực nhà ở công nhân, cho nên mọi người thường xuyên đi qua, dẫn đến tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, cho nên cần đóng giải phân cách.
Cùng đó, chúng tôi cũng thực hiện điều chỉnh giảm tốc độ toàn bộ khu vực từ cổng B. Ngay từ ngày mai (19/5), chúng tôi chính thức thực hiện phương án này. Hiện tại, toàn bộ cơ sở hạ tầng để thực hiện cơ bản đã xong.
Giải đáp nội dung này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương - cho biết: Sở cùng với Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước nguồn vốn này. CNLĐ thuộc LĐLĐ Thành phố quản lý, nhưng nguồn vốn chính sách ủy thác thông qua các đoàn thể chứ không thông qua LĐLĐ.
Được biết, Công đoàn có nguồn vốn riêng dành cho đoàn viên, CNLĐ vay, do vậy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến nghị CNLĐ có thể tiếp cận nguồn vốn này.
15h30: Lãnh đạo Thành phố và đại diện các Sở, ngành giải đáp kiến nghị của CNLĐ
* Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương giải đáp các kiến nghị của CNLĐ.
Giải đáp những kiến nghị của CNLĐ nêu doanh nghiệp có tình trạng doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ pháp luật lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương tiếp thu thông tin; đồng thời nhấn mạnh người sử dụng lao động và bản thân người lao động cũng phải có tự ý thức chấp hành Luật Lao động, đảm bảo thực hiện cam kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động trong quá trình lao động; tổ chức Công đoàn cũng là đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho người sử dụng lao động và người lao động chấp hành lao động, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể…
“Hôm nay có rất nhiều đồng chí cán bộ Công đoàn tại đây, rất mong các đồng chí cùng với cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ để nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị.
Liên quan đến, đề nghị bổ sung chi phí bồi thường bằng hiện vật cho người lao động vào quyết định của UBND Thành phố của chị Hoàng Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Môi trường đô thị Hà Nội nêu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, nội dung này thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính, các đơn vị sẽ tiếp thu và xem xét bổ sung hợp lý. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng làm rõ, điều kiện để được bổ sung còn phải thực hiện theo Thông tư hướng dẫn và quyết định của các cơ quan Trung ương.
Liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính rất chậm so với quy định, đặc biệt là khâu lấy ý kiến các Sở, ngành liên quan, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh nội dung cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phó. Trong năm qua Thành phố đã có hơn 1.900 thủ tục cắt giảm; phân cấp ủy quyền hơn 600 thủ tục hành chính từ Chủ tịch UBND Thành phố đến các Sở, ban, ngành; quận huyện thị xã… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai nhiệm vụ này, tuy nhiên với số lượng thủ tục hành chính hiện Sở đang đảm nhận 175 thủ tục, không tránh khỏi có lúc chậm trễ.
Riêng đối với việc xin xác nhận số lượng lao động để làm căn cứ xin miễn giảm thuế thuê đất phi nông nghiệp, từ năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không thực hiện việc xác nhận doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữa. Lý do không xác nhận là do Bộ luật Lao động sau khi sửa đổi bổ sung đã điều chỉnh bỏ bớt một số thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, trong đó bãi bỏ thủ tục xác nhận doanh nghiệp sử dụng đông lao động. Vì vậy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không có căn cứ pháp lý để thực hiện thủ tục xác nhận này.
Về chính sách hỗ trợ lao động đào tạo nghề, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội có rất nhiều chính sách, đặc biệt là cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng sau khi thụ án. Với CNLĐ, năm 2021, Chính phủ có ban hành Nghị quyết về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nêu 1 chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề cho CNLĐ thời gian không quá 6 tháng, nhưng trên cơ sở doanh nghiệp xây dựng đề án được Sở Lao động - Thương binh Xã hội phê duyệt và phối hợp với trường nghề. Thành phố đã có 7 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động với số lượng công nhân lao động là hơn 1.300 người khinh phí trên 6,5 tỷ đồng... Tuy nhiên, Nghị quyết đã dừng từ tháng 6/2022.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, với CNLĐ việc được đào tạo nghề là nhu cầu chính đáng, và chủ sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo người lao động. Chính vì vậy, đề nghị người sử dụng lao động trên cơ sở ngành nghề của mình, đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu công việc.
Đối với kiến nghị giải pháp gì để thu hút lực lượng CNLĐ đến làm việc tại các Khu công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các các tỉnh, thành phố khác, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay giải pháp đầu tiên là thu hút doanh nghiệp, nhiều dự án lớn đầu tư nước ngoài vào Thủ đô để tạo ra việc làm. Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã khảo sát có hàng trăm ngàn lao động có nhu cầu tìm việc làm. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, gắn kết thị trường lao động, hơn 200 nghìn lao động đã tìm được việc làm. Như vậy, nhu cầu và khả năng đáp ứng đã tiệm cận được việc nhau.
Riêng về lợi thế cạnh tranh của nguồn lao động, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng, Thành phố đã có nhiều giải pháp, ban hành văn bản về vấn đề này và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 06 về phát triển lao động ổn định bền vững đảm bảo an ninh xã hội… Trong đó có nhấn mạnh sự gắn kết nhu cầu đào tạo giữa nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Trong 3 tháng gần đây, Thành phố đã làm rất tốt và có trên 1.150 doanh nghiệp đăng ký gắn với trên 300 cơ sở đào tạo nghề để hỗ trợ sinh viên, khi lao động được đào tạo nghề thì doanh nghiệp tuyển dụng ngay. Hằng năm, có trên 135 ngàn sinh viên sau khi được đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng…
* Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến giải đáp các kiến nghị
Liên quan đến kiến nghị của chị Ngô Thị Hồng Hà (Công ty TNHH Đồ chơi CHEE WAH Việt Nam) về chính sách BHXH, BHYT, BHTN chưa thật sự thiết thực với người lao động, đề nghị Thành phố kiến nghị với Quốc hội sửa đổi Luật BHXH theo hướng, tăng thêm quyền lợi thụ hưởng của người lao động và hạn chế rút BHXH một lần, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện từ năm 1/1/2007 và thay thế năm 2016 đến nay đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến trình Quốc hội đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia BHXH để hưởng hưu, hạn chế rút BHXH một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách BHXH tự nguyện. Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.
Về tình trạng nợ đọng BHXH, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Phan Văn Mến cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, BHXH thành phố quản lý thu của 115 nghìn doanh nghiệp, số thu năm 2021 gần 55 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 61 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH cũng rất nhiều. Trước tình trạng này, thời gian qua, Thành phố đã rất quan tâm, có nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ban, ngành liên quan vào cuộc nên nợ BHXH có chiều hướng giảm.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng có nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH và phối hợp với cơ quan điều tra chuyển hồ sơ nợ đọng BHXH sang cơ quan điều tra thụ lý, xử lý các đơn vị vi phạm. Ngoài ra, BHXH cũng tăng cường tuyên truyền phối hợp với liên ngành như LĐLĐ thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tăng cường truyền thông về BHXH, thông báo số nợ của đơn vị và đăng các đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên đến các cơ quan thông tin đại chúng do đó giúp số nợ ngày càng giảm dần.
Về việc ứng dụng BHXH số trong khám chữa bệnh, BHXH Thành phố đã triển khai cài đặt VssID lên tới 4,5 triệu người giúp tra cứu được tất cả các thông tin đến quyền lợi của người tham gia BHXH. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám chữa bệnh thông qua BHXH số, tuy nhiên có một số cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai được là do đầu đọc chưa phù hợp, chúng tôi đã yêu cầu trang bị đầu đọc cho tốt để thực hiện số hóa quá trình khám chữa bệnh BHYT cho người lao động.
* Giải đáp về việc úng ngập cục bộ tại một số điểm trong Khu công nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết: Theo phản ánh, kiến nghị của một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai về việc thường úng ngập cục bộ tại một số điểm trong Khu công nghiệp khi có mưa lớn: Năm 2019, đại diện Ban Quản lý đã kiểm tra thực tế hạ tầng thoát nước của Khu công nghiệp, sau đó, Ban Quản lý đã có văn bản gửi Công ty Hà Tây về việc khắc phục, xử lý hệ thống thoát nước của khu công nghiệp theo đề nghị của một số doanh nghiệp.
Tại các hội nghị giao ban hàng quý giữa Ban Quản lý và các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, Ban Quản lý đã có thông báo kết luận của đồng chí Trưởng ban về thực hiện, triển khai các nội dung tại hội nghị giao ban, trong đó yêu cầu Công ty Hà Tây có kế hoạch, thực hiện xử lý thoát nước, vệ sinh môi trường Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Về việc nâng cấp, duy tu, bảo trì hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống thoát nước của Khu công nghiệp, Ban Quản lý đã nhiều lần có văn bản đôn đốc Công ty Hà Tây thực hiện.
Ngày 22/4/2021, Công ty Hà Tây đã có văn bản số 17/CV-HT về việc kiến nghị UBND huyện Quốc Oai về việc khơi thông, nạo vét kênh tiêu Yên Sơn và nâng cửa file thoát nước kênh tiêu Yên Sơn ra sông Đáy trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, Công ty Hà Tây đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cam kết triển khai, thực hiện cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chung của Khu công nghiệp, trong đó có thực hiện cải tạo, nạo vét các tuyết thoát nước trong Khu công nghiệp trong thời gian tới.
* Giải đáp vấn đề liên quan đến chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết: Theo báo cáo của LĐLĐ Thành phố, trên địa bàn Thành phố đã triển khai thực hiện chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, tại Hội nghị đối thoại hôm nay có một công nhân phản ánh là ở một địa bàn chưa nhận được. Tôi đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra lại vấn đề này. Tôi cho rằng, có thể trong quá trình triển khai, chúng ta thực hiện còn sót, chứ không phải thành phố Hà Nội chưa thực hiện.
* Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin thêm: Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, đều đã triển khai thực hiện chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện Nghị định này. Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị rà soát lại.
17h00: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu Kết luận tại Hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảm ơn và ghi nhận những góp ý, kiến nghị rất xác đáng của CNLĐ. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp to lớn của đội ngũ CNLĐ trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Đặc biệt, trong những năm gần đây Thành phố đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cơ bản đồng tình và đánh giá cao những giải đáp của các sở, ngành tại Hội nghị đối thoại. Đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền, UBND Thành phố sẽ có chỉ đạo và giao các đơn vị xử lý kịp thời; những vấn đề không thuộc thẩm quyền, UBND Thành phố sẽ báo cáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng.
Làm rõ một số vấn đề, Chủ tịch UBND Thành phố đã nêu quan điểm phát triển của Thành phố trong thời gian tới. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, thành phố Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.
“Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
“Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Thành phố sẽ làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Chia sẻ về chính sách tiền lương, chế độ, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết hiện nay chúng ta đã có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất có thể quyền lợi của người lao động, đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.
Nhà nước đã luôn luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn tổ chức Công đoàn chia sẻ, hoạt động có hiệu quả hơn nữa vì đoàn viên, người lao động.
Về những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tư pháp… Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh Thành phố cùng các Sở, ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc anh chị em công nhân không phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công; tháng 7 UBND Thành phố sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Thành phố với điều kiện làm trực tuyến. Để CNLĐ dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.
Đối với những kiến nghị về khám chữa bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định sẽ cùng các Sở ngành tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi cho công nhân.
Về vấn đề giáo dục cho con em CNLĐ, Chủ tịch UBND Thành phố đồng tình với ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời nhấn mạnh cần có lộ trình, phương pháp tiếp cận để công bằng và hài hòa. Cũng trong tháng 7 này, UBND Thành phố hy vọng sẽ hoàn thành đề án nghiên cứu định mức đơn giá tối thiểu trong giáo dục và y tế, trước mắt là giáo dục… đảm bảo quyền lợi hài hòa cho các em học sinh, con em CNLĐ…
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị sau Hội nghị hôm nay, Văn phòng UBND Thành phố và LĐLĐ Thành phố sẽ tổng hợp và có trả lời bằng văn bản từng nhóm vấn đề cho anh chị em CNLĐ, các đơn vị.
17h30: Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và thành phố Hà Nội trao quà hỗ trợ cho CNLĐ
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội bày tỏ: Thay mặt người lao động Thủ đô tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch UBND Thành phố cũng như lãnh đạo các sở, ban, ngành Thủ đô đã lắng nghe, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động; các câu trả lời đều thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận cao của công nhân lao động.
"Sau buổi ngày hôm nay, tổ chức Công đoàn và công nhân lao động rất mong tiếp tục được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan quan tâm giải quyết để công nhân lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước", Chủ tịch LĐLĐ Thành phố bày tỏ.