Sáng 14/7, tại hội trường Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng (30 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Quy định mới của Bộ Luật Lao động về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021'.
* 8h30: Khai mạc buổi giao lưu
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu.
Dự buổi giao lưu có các đại biểu: Bà Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng.
Buổi giao lưu còn có sự tham dự của hơn 200 cán bộ công đoàn và người lao động trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó có Liên đoàn Lao động quận Hai bà Trưng để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của buổi giao lưu trực tuyến “Quy định mới của Bộ Luật Lao động về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021”, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho rằng đoàn viên, người lao động sẽ có rất nhiều tâm tư, thắc mắc khi đến tham gia buổi giao lưu này.
Khai mạc buổi giao lưu, bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Bộ Luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều có rất nhiều điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo hướng có lợi hơn Luật hiện hành. Hiểu luật cặn kẽ là mong muốn của tất cả người lao động, người sử dụng lao động để giúp thực hiện đúng luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Với từ 6 - 10 cuộc đối thoại, giao lưu trực tiếp, trực tuyến được tổ chức mỗi năm, báo Lao động Thủ đô đang dần hình thành một kênh phổ biến kiến thức pháp luật rất hiệu quả, hữu ích.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung cho hay: Đến với buổi giao lưu trực tuyến, cán bộ công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động có thêm cơ hội được giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia có kinh nghiệm, giải đáp kịp thời các câu hỏi, vướng mắc từ cơ sở về lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Hai Bà Trưng lần thứ XXVI, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội, báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng tặng hoa các chuyên gia.
* 9h00: Công nhân lao động đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia (xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu tại đây)
Với sự tham gia giao lưu, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, buổi giao lưu hướng tới mục đích trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật về lao động cho đoàn viên, người lao động và chủ sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Các chuyên gia trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân viên chức lao động cũng như bạn đọc trực tuyến gồm: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Chị Lê Thị Ngọc Anh (Công ty Thoát nước Hà Nội) đặt câu hỏi: Hợp đồng thử việc có phải là hợp đồng lao động không? Khi ký hợp đồng thử việc trên 1 tháng có phải đóng bảo hiểm không? Có một nhân viên tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020 thì nhân viên đó mang thai và nghỉ không lương. Đến tháng 6/2020 thì bác sĩ cho nghỉ dưỡng thai. Nếu nhân viên đó nghỉ đến lúc sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không?
Anh Đỗ Văn Hùng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đặt câu hỏi: Theo Luật sửa đổi, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do. Xin chuyên gia cho biết, nếu đơn vị không muốn cho người lao động nghỉ thì có giải pháp nào không? Hiện Luật đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu, vậy với những nghề đặc thù như nghề diễn viên xiếc thì có liệu có Luật nào quy định được giảm tuổi nghỉ hưu không?
Một bạn đọc đặt câu hỏi qua hệ thống trực tuyến: Tôi là giáo viên, được biết từ 1/7/2020 bỏ biên chế suốt đời. Việc bỏ biên chế như vậy sẽ thay bằng hình thức hợp đồng nào, chế độ có gì thay đổi?
Chị Phạm Thanh Dung (Trường Mầm non Trương Định) đặt câu hỏi: Được biết từ 1/7, bên cạnh việc thi nâng ngạch, sẽ có xét nâng ngạch có đúng không? Đối tượng nào được xét nâng ngạch?
Chị Trần Thị Thanh Hương (Trường Mầm non 8/3) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết cách tính lương cho giáo viên đã được xét thăng hạng giáo viên mầm non hạng III lên II, giáo viên mầm non hạng IV lên III? Nếu chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì tính lương như thế nào? Cách tính lương nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ? Nếu tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ngạch cũ lớn hơn bậc cuối trong ngạch mới sẽ được tính lương như thế nào? Ngoài ra, đối với giáo viên mầm non, quy định thời gian thử việc như thế nào đối với từng trình độ chuyên môn khi tuyển dụng vào trường và mức lương?
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Công ty TNHH KCC Hà Nội Plaza) đặt câu hỏi: Theo điều 42 của Bộ Luật Lao động, khi thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này. Xin hỏi: “Nhiều người lao động” ở đây Luật xác định là bao nhiêu? Từ 2 người trở lên bị ảnh hưởng hay có 1 con số cụ thể nào khác không?“Phương án sử dụng lao động” bao gồm biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án, kể cả phương án chấm dứt hơp đồng lao động với 1 số người lao động trong công ty. Tuy nhiên quỹ dùng cho việc thanh toán chế độ khi chấm dứt Hợp đồng lao động cho các năm thực tế là khác nhau nếu thay đổi cơ cấu, thay đổi công nghệ, hoặc vì lý do kinh kế xảy ra liên tiếp năm này sang năm kia. Trong trường hợp người lao động đòi hỏi quyền lợi ít nhất là bằng hoặc cao hơn so với thực tiễn doanh nghiệp có thể đáp ứng, hoặc khi người lao động biết rằng gói thanh toán của mình không bằng những năm trước, người lao động có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản lợi ích khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Giả thiết rằng Tổ chức công đoàn đứng về phía người lao động. Vậy trong trường hợp này người sử dụng lao động sẽ cần làm gì để thực hiện được việc cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động?
* 9h40: Giao lưu với công nhân viên chức lao động
Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa tặng quà cho công nhân viên chức lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tặng quà cho công nhân viên chức lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung tặng quà cho công nhân viên chức lao động.
* 9h50: Công nhân viên chức lao động tiếp tục đặt câu hỏi với các chuyên gia
Chị Đinh Kim Thu (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đoàn Kết) đặt câu hỏi: Theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về ban hành chính sách cải cách tiền lương thì từ năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Vậy đối với những giáo viên đã làm lâu năm trong ngành thì khi cắt thâm niên và trả lương theo vị trí việc làm như vậy thì lương có bị thay đổi nhiều không và giáo viên có được hưởng phụ cấp nữa không?
Chị Hoàng Thị Hằng (Chủ tịch Công đoàn trường Mẫu giáo Bạch Mai) đặt câu hỏi: Ngành giáo dục Mầm non, giáo viên trong môi trường làm việc 8 đến 9 tiếng một ngày, độ ầm lớn, đặc thù công việc vừa chăm sóc, vừa giáo dục trẻ, tốc độ làm việc cao. Khi tăng tuổi nghỉ hưu các cô giáo sẽ không đảm bảo được sức khỏe, độ trẻ trung để đáp ứng các yêu cầu như độ nhí nhảnh để hát múa cũng như không còn nhanh nhẹn trong việc cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy trẻ. Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có khảo sát ý kiến của đoàn viên công đoàn về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với công chức, viên chức, người lao động nói chung và giáo viên nầm non nói riêng. Công đoàn các trường đã lấy ý kiến của đoàn viên và đã có số liệu cụ thể về vấn đề này. Vậy xin hỏi có tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non hay không?
Một bạn đọc đặt câu hỏi qua hệ thống trực tuyến: Tôi đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có được hưởng chế độ thai sản hay không? Và tôi phải tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu năm thì sẽ được hưởng lương hưu?
Chị Trần Thị Hương (Công ty Thoát nước Hà Nội) đặt câu hỏi: Người lao động đi làm ngày lễ, Tết thì có được nghỉ bù không?
Chị Nguyễn Thị Xuân (Công ty TNHH Trần Thành) đặt câu hỏi: Công ty tôi có sử dụng lao động là người dân tộc. Họ đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Xin hỏi, công ty có phải đóng bảo hiểm cho người lao động không?
Một bạn đọc đặt câu hỏi qua hệ thống trực tuyến: Từ 1/7/2020 phải công khai kết quả đáng giá cán bộ công chức. Vậy việc công khai này được thực hiện như thế nào? Con tôi hết 6 tuổi hưởng bảo hiểm y tế trẻ em thì có được tính là bảo hiểm 5 năm liên tục không?
* 10h20: Tiếp tục giao lưu với công nhân viên chức lao động
Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Bá Châu tặng quà cho công nhân viên chức lao động.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho công nhân viên chức lao động tham gia phần giao lưu.
* 10h25: Công nhân viên chức lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia
Chị Đỗ Thị Thúy Liên (Công ty TNHH ESOFT Vietnam) đặt câu hỏi: Luật Lao động 2019 quy định các nội dung về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Xin chuyên gia cho biết, làm thế nào để phát hiện và xử lý các hành vi quấy rối tình dục tại doanh nghiệp? Theo Luật Lao động 2019, hợp đồng lao động không được bổ sung thêm thời hạn. xin chuyên gia cho biết rõ về điểm này?