Trục vớt tàu kéo và sà lan bị chìm ở vùng biển Lý Sơn bằng cách nào?

Xác tàu kéo LA-066.95, sà lan và máy đào bị chìm ở vùng biển Lý Sơn sẽ được trục vớt trong vài ngày tới để phục vụ công tác điều tra và chống gây ô nhiễm.

Dùng phao cao su khủng bơm nổi tàu kéo ở độ sâu 47,5m lên mặt biển

Ngày 1/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã ký công văn phê duyệt phương án trục vớt tàu kéo LA-066.95 cùng sà lan LA-068.83 và máy đào bánh xích bị chìm ở vùng biển Lý Sơn vào tháng 4 vừa qua.

Tàu kéo LA-066.95 bị chìm ở độ sâu 47,5m sẽ được trục vớt trong vài ngày tới bằng cách dùng phao cao su để nâng tàu lên.

Tàu kéo LA-066.95 bị chìm ở độ sâu 47,5m sẽ được trục vớt trong vài ngày tới bằng cách dùng phao cao su để nâng tàu lên.

Theo đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Hoa có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là đơn vị được phía chủ tàu là Công ty TNHH MTV Minh Linh thuê trục vớt tàu kéo, sà lan cùng máy đào.

Trong phương án trục vớt, Công ty Ngọc Hoa cho biết, qua khảo sát, đánh giá thì tàu kéo LA-066.95 bị chìm ở độ sâu 47,5m nằm ở vùng biển Lý Sơn. Khu vực này dòng chảy tầng đáy biển gần như bằng 0.

Địa hình khu vực tàu kéo chìm bằng phẳng, chất đáy chủ yếu là cát, cát pha bùn và không có đá ngầm.

Để trục vớt tàu kéo, phía Công ty Ngọc Hoa cho biết, sẽ chuẩn bị 1 tàu kéo có công suất tối thiểu 600 CV và sà lan mặt boong có trọng tài khoảng 1.500 - 2.000 tấn; 4 phao trục vớt loại 20 tấn/phao; máy nén khí; máy phát điện; máy bơm nước… Về nhân sự 12 người gồm chỉ huy trưởng công trường, công nhân, thợ lặn và thuyền viên.

Trong phương án trục vớt được phía nhà thầu Ngọc Hoa xây dựng cho thấy tổng chi phí trục vớt tàu kéo, sà lan và máy đào là 460 triệu đồng. Trong đó, chi phí trục vớt tàu kéo, sà lan là 400 triệu đồng.

Theo đó, sau khi đưa sà lan, tàu kéo đến khu vực tàu LA-066.95 bị chìm tiến hành neo cố định. Đội thợ lặn mang phao loại 20 tấn lặn xuống vị trí tàu chìm và cố định 4 phao vào 4 góc của tàu kéo.

Sau đó tiến hành bơm khí vào các phao cao su để tàu kéo dần dần nổi lên mặt nước. Khi tàu kéo nằm trên mặt biển sẽ tổ chức bơm nước ra khỏi tàu kéo để đảm bảo tàu nổi ổn định trên mặt nước và tiến hành các bước xử lý tiếp theo. Khi hoàn tất sẽ kéo tàu vào vị trí mà cơ quan chức năng yêu cầu.

Sà lan bị chìm lật úp sẽ được kéo ra khỏi vùng biển cảng Lý Sơn để tiến hành lật ngược tàu lại.

Sà lan bị chìm lật úp sẽ được kéo ra khỏi vùng biển cảng Lý Sơn để tiến hành lật ngược tàu lại.

Đối với sà lan bị chìm được neo tại vùng biển cảng Lý Sơn trong tình trạng lật úp sẽ được kéo ra khu vực thi công ở phía Đông Bắc đảo Lý Sơn neo giữ cẩn thận.

Sau đó, thợ lặn lắp đặt các đường ống vào các khoang két của sà lan để bơm rút không khí ra nhằm tạo chênh lệch áp suất giúp nước biển tự động tràn vào các khoang két.

Đại diện đơn vị thi công cho biết, việc này giúp sà lan từ từ dựng đứng tạo góc nghiêng cho đến lúc 2/3 thân sà lan chìm xuống mặt nước và 1/3 thân nổi lên thì ngừng bơm hút không khí và dùng tời cáp để lật sà lan về trạng thái ổn định. Đồng thời, bơm hết nước biển ra ngoài.

Riêng máy đào bánh xích, đại diện Công ty Ngọc Hoa cho biết, bị chìm ở độ sâu khoảng 64m, nằm trên đống đá hộc, cách vị trí tàu kéo LA-066.95 khoảng 1,6 hải lý về phía Nam và cách cảng Lý Sơn khoảng 3,6 hải lý về hướng Tây Bắc.

Khác với tàu kéo, đơn vị trục vớt sẽ đấu nối cáp vào máy đào và dùng ròng rọc cùng pa - lăng trợ lực trên sàn boong sà lan cứu hộ tiến hành tời đưa lên mặt nước. Sau đó, cố định vào sà lan để lai dắt về cảng Kỳ Hà và cẩu đưa lên bờ.

Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết, hiện phương án trục vớt đã được phê duyệt và phía chủ tàu, nhà thầu tham gia trục vớt đã liên hệ với cơ quan chức năng để tiến hành trục vớt tàu kéo, sà lan và máy đào.

Tuyệt đối đảm bảo an toàn trong quá trình trục vớt tàu chìm

Ngoài chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực để thực hiện công tác trục vớt tàu kéo, sà lan và máy đào, phía Công ty Ngọc Hoa còn xây dựng nhiều phương án đảm bảo an toàn về hàng hải, an toàn lao động và chống tràn dầu, ô nhiễm môi trường.

Trước đó, vào ngày 24/4, tàu kéo LA-066.95 kéo theo sà lan chở bên trong hơn 1.000 tấn đá gặp sự cố dẫn đến chìm nên nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc tìm kiếm các thuyền viên trên tàu và công tác cứu nạn cứu hộ.

Trước đó, vào ngày 24/4, tàu kéo LA-066.95 kéo theo sà lan chở bên trong hơn 1.000 tấn đá gặp sự cố dẫn đến chìm nên nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc tìm kiếm các thuyền viên trên tàu và công tác cứu nạn cứu hộ.

Được biết, trong phương án trục vớt phía Công ty Ngọc Hoa xây dựng được tỉnh Quảng Ngãi thông qua cho thấy, ngoài đội nhân lực, máy móc chuyên tâm trục vớt tàu thì đơn vị này sẽ bố trí thuyền viên trực 24/24 ở khu vực thi công để cảnh giới tàu thuyền qua lại; sử dụng loa cầm tay, đèn tín hiệu, còi tàu, gọi VHF để phát đi thông báo để tàu bè thường xuyên qua lại trên tuyến nhận biết né tránh…

Công ty này cũng cam kết tất cả nhân lực tham gia trục vớt tàu chùm đều được huấn luyện về công tác an toàn lao động, an toàn hàng hải và an toàn giao thông đường thủy. Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các thợ lặn và cảnh báo an toàn hàng hải cho các tàu thuyền khác hành trình gần khu vực thi công.

"Quá trình trục vớt tàu kéo và sà lan bị chìm ở vùng biển Lý Sơn dự kiến diễn ra trong 15 ngày tùy vào diễn biến thực tế thời tiết cũng như điều kiện làm việc. Cụ thể, tổ chức trục vớt trong điều kiện gió không qua cấp 5, chiều cao sóng không quá 2 mét. Nếu xảy ra thời tiết xấu sẽ thông báo cho cơ quan chức năng cũng như ngừng hoạt động trục vớt", đại diện công ty Ngọc Hoa cho hay.

Riêng công tác bảo vệ môi trường, theo đánh giá của đơn vị thi công, qua khảo sát, tàu kéo LA-066.95 không còn dầu nhiên liệu nên loại trừ khả năng ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đơn vị trục vớt vẫn xây dựng phương án xử lý như giấy thấm dầu và chất phân tán để xử lý triệt để váng dầu trong trường hợp có rò rỉ dầu.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình trục vớt tàu kéo bị chìm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu đơn vị trục vớt, chủ tàu, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi… phải giám sát chặt hoạt động trục vớt, đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn an ninh hàng hải, ATGT và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

"Đề nghị Cảng vụ Hàng hải, UBND huyện Lý Sơn và các sở ngành liên quan giám sát chặt chẽ hoạt động trục vớt. Xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình trục vớt nằm ngoài phương án được phê duyệt", ông Hiền chỉ đạo.

Như tin đã đưa, khoảng 4h sáng 24/4, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 chở hơn 1.000m3 đá nhổ neo từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trong quá trình di chuyển cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì bất ngờ gặp sự cố khiến tàu kéo bị chìm, sà lan bị lật úp.

Ngay sau đó, lực lượng cứu nạn cứu hộ và ngư dân địa phương tổ chức tìm kiếm, phát hiện 4 thi thể tử vong. Nhưng bất ngờ là cả 4 người này không có tên trong danh sách đăng ký đi tàu. Riêng 5 người trong danh sách đăng ký đi tàu hiện vẫn mất tích.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/truc-vot-tau-keo-va-sa-lan-bi-chim-o-vung-bien-ly-son-bang-cach-nao-192240801140533959.htm