Trùm mafia bỗng dưng nổi tiếng nhờ loạt video 'bóc phốt'
Sedat Peker, một trùm tội phạm Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội sau khi tung ra các video nói xấu một loạt thành viên đảng cầm quyền.
Hãng AP đưa tin, Peker, 49 tuổi, từng công khai ủng hộ đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã đưa ra một loạt “video kể hết” dài 90 phút từ căn cứ ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Những cáo buộc nhỏ giọt, chưa được chứng minh của Peker là một nỗ lực rõ ràng nhằm tính sổ với các nhân vật chính trị.
Các video được đăng tải trên YouTube hàng tuần, đã thu hút hơn 75 triệu lượt xem và gây náo động, làm gia tăng lo ngại về tình trạng tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ và khiến các quan chức phải vào thế phòng thủ.
Các video này cũng phơi bày những rạn nứt được cho là đang tồn tại giữa các phe phái đối lập trong nội bộ đảng cầm quyền và làm tăng thêm rắc rối cho Tổng thống Edorgan khi ông phải đối mặt với suy thoái kinh tế và đại dịch Covid-19.
Sáng 6/6, một cặp đôi ở Istanbul đã say sưa xem video mới nhất của Peker. Cặp đôi này nằm trong số hàng triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi các video của trùm mafia trên.
“Tôi đã thêm các video của Peker vào danh mục chương trình truyền hình mà tôi xem mỗi tuần”, Gulistan Atas nói. "Giống như một tập phim truyền hình, tôi háo hức chờ đợi và mỗi chủ nhật hàng tuần, chúng tôi chuẩn bị bữa sáng rồi vừa xem vừa ăn”.
Mặc một chiếc áo gile hoặc áo sơ mi cài một nửa, Peker chế nhạo đối thủ từ sau một chiếc bàn làm việc gồm giấy nhớ, sách, chuỗi hạt được sắp xếp gọn gàng. Peker hứa hẹn hạ gục đối thủ chỉ bằng một máy quay và giá ba chân”.
Các video đầu tiên của Peker nhằm vào cựu Bộ trưởng Nội vụ Mehmet Agar và con trai ông này – một nghị sĩ đảng cầm quyền. Tiếp đó, Peker tung ra các video cáo buộc các nhân vật truyền thông gần gũi với chính phủ, cũng như con trai cựu Thủ tướng Binali Yildirim.
Tuy nhiên, mục tiêu mà Peker tấn công dữ dội nhất là Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, buộc tội quan chức này lạm dụng quyền lực và tham nhũng trong khi nhắm tới ghế tổng thống.
Tất cả những người bị Peker cáo buộc đều bác bỏ các thông tin không đúng sự thật trên.