Trùm xã hội đen xuống đường biểu tình phản đối vụ ám sát Tổng thống Haiti
Một trong những trùm băng đảng quyền lực nhất Haiti hôm 10.7 cho biết sẽ cùng đàn em xuống đường biểu tình để phản đối vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise.
Theo Reuters, Jimmy Cherizier, thủ lĩnh nhóm xã hội đen G9 gồm 9 băng đảng tại Haiti đã cáo buộc cảnh sát và các chính trị gia đối lập thông đồng với "giai cấp tư sản hôi hám" để biến tổng thống Moise "thành vật hy sinh".
"Đó là một âm mưu mang tầm quốc gia và quốc tế chống lại người dân Haiti. Chúng tôi nói điều này để vận động mọi người xuống đường nhằm làm sáng tỏ về vụ ám sát tổng thống", Cherizier nói trong một video được đăng tải ngày 10.7.
Cherizier cho biết đàn em của ông sẽ thực hiện "bạo lực hợp pháp", đồng thời nhấn mạnh rằng đã đến lúc "những ông chủ" - những ông trùm kinh doanh người gốc Syria và Lebanon đang thống trị nền kinh tế - phải "trả lại" cho đất nước những gì họ đã tước đoạt.
Tổng thống Moise bị ám sát vào rạng sáng 7.7 tại tư dinh ở thủ đô Port-au-Prince. Chính quyền Haiti cho biết sát thủ là nhóm lính đánh thuê gồm 26 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ khi gia đình của hai nghi phạm người Colombia cho biết họ đã được thuê đến Haiti làm vệ sĩ trước đó.
Người Haiti tập trung trước cổng đại sứ quán Mỹ sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise ở thủ đô Port-au-Prince - Ảnh: Reuters
Sau cái chết của ông Moise đã dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ tồi tệ hơn khiến người dân ở Port-au-Prince và trên toàn Haiti bị đe dọa. Thành phố này đã bị tàn phá bởi bạo lực trong nhiều tuần khi các thành viên băng đảng chiến đấu với cảnh sát để giành quyền kiểm soát đường phố.
“Thành phố không có đủ cảnh sát và thực sự họ không đủ năng lực để xử lý an ninh”, cư dân Port-au-Prince Benoit Jean nói với Reuters.
Có nhiều nghi ngờ rằng vụ ám sát tổng thống có liên quan đến các nhà tài phiệt Haiti bởi họ đã bày tỏ tức giận sau khi ông Moise tìm cách chấm dứt tình trạng các công ty độc quyền cung cấp hợp đồng béo bở cho giới thượng lưu.
Đệ nhất phu nhân Martine Moise hôm 10.7 cũng đã cáo buộc những "kẻ thù trong bóng tối" đã tổ chức vụ ám sát ông Moise vì không muốn có thay đổi dân chủ, khi cuộc tranh giành quyền lực diễn ra ngày càng gay gắt ở quốc gia nghèo nhất châu Mỹ này.
“Họ đã cử lính đánh thuê đến giết tổng thống cùng các thành viên trong gia đình để ngăn các cuộc trưng cầu dân ý, bầu cử”, bà nói.
Trước đó, chính cố Tổng thống Jovenel Moise cũng từng đề cập đến các thế lực đen tối đứng sau giật dây nhiều vấn đề sau nhiều năm đất nước bất ổn dưới sự cầm quyền của ông. Ông cho rằng các chính trị gia đối thủ và các nhà tài phiệt tức giận về những gì ông gọi là nỗ lực "làm sạch" các hợp đồng chính phủ và chính trường, đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi hiến pháp Haiti.
Được biết, cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến diễn ra ngày 26.9 cùng các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp, có thể bãi bỏ vị trí thủ tướng, định hình lại nhánh lập pháp và tăng quyền lực cho tổng thống. Tuy nhiên, việc ông Moise bị ám sát đã làm lu mờ những kế hoạch đó và gây ra bất ổn chính trị ở Haiti, vốn đang đối mặt với khó khăn kéo dài, khiến chính phủ nước này phải kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Phía Mỹ cho biết họ cũng không có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự cho Haiti vào lúc này.
Kể từ sau vụ ám sát tổng thống Haiti, cuộc tranh giành quyền lực ngày càng trở nên gay gắt ở quốc gia vùng Caribe. Haiti hiện không có tổng thống hay quốc hội, trong khi lại có tới hai thủ tướng. Người được ông Moise bổ nhiệm làm thủ tướng trước khi vụ ám sát xảy ra là ông Ariel Henry đã tuyên bố quyền lãnh đạo Haiti vào hôm 9.7 và chống lại Thủ tướng lâm thời Claude Joseph. Trong khi, Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre cho biết Thủ tướng lâm thời Joseph vẫn sẽ tiếp tục vị trí của mình cho đến khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vào ngày 26.9 sắp tới.