Trung - Ấn: Khi kinh tế vực ngoại giao

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quan hệ kinh tế giữa các quốc gia không chỉ là vấn đề thương mại và đầu tư mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quan hệ chính trị và chiến lược. Việc Ấn Độ tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chiến lược với Mỹ đặt ra nhiều câu hỏi và thách thức đối với cả 3 quốc gia này.

Kinh tế trở thành lực đẩy

Quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có từ lâu đời, bắt đầu từ con đường tơ lụa cổ đại, nơi hai quốc gia này đã trao đổi hàng hóa và văn hóa. Tuy nhiên, sau khi giành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã trải qua một giai đoạn căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Quan hệ giữa hai nước chỉ thực sự cải thiện vào cuối thập niên 1980, khi cả hai bên bắt đầu tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế.

Ấn Độ đứng giữa cuộc cạnh tranh căng thẳng Mỹ - Trung.

Ấn Độ đứng giữa cuộc cạnh tranh căng thẳng Mỹ - Trung.

Trong những thập kỷ gần đây, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên đáng kể, đạt khoảng 125 tỷ USD vào năm 2023. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ cũng là một thị trường quan trọng đối với các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc.

Một trong những lợi ích rõ rệt nhất của Ấn Độ từ việc tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc là sự gia tăng về xuất nhập khẩu. Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm như hóa chất, kim loại và nông sản sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu hàng điện tử, máy móc và sản phẩm tiêu dùng từ Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong 3 thập kỷ qua đem lại một nguồn lực to lớn cho đất nước này và trở thành lục đẩy tiềm năng cho bất cứ đối tác nào. Trung Quốc đang là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn vào Ấn Độ, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ và hạ tầng. Các công ty công nghệ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei và Alibaba đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Ấn Độ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển công nghệ. Hợp tác giữa các công ty công nghệ của hai nước đã dẫn đến sự phát triển của nhiều dự án công nghệ và sáng tạo. Điều này không chỉ giúp Ấn Độ tiếp cận với công nghệ tiên tiến mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại nước này.

Biểu đồ cho thấy xu hướng nhập siêu ngày càng tăng của Ấn Độ với Trung Quốc.

Biểu đồ cho thấy xu hướng nhập siêu ngày càng tăng của Ấn Độ với Trung Quốc.

Để tiếp tục thúc đẩy xu hướng hợp tác này, ngày 25/7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman đã thông qua đề xuất mới về việc mở cửa cho đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, một động thái vốn đã bị đóng băng kể từ cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn năm 2020. Đây được coi là nước đi mới nhất, mạnh mẽ nhất để kết nối hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này vượt qua những lo ngại về căng thẳng biên giới trước đây. Cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ, ông Anantha Nageswaran cho biết: “Đề xuất là bước kiên quyết để thúc đẩy xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ. New Delhi có thể hội nhập vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc”.

Đôi bên cùng có lợi

Hiệp định đầu tư mới giữa hai nước chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả hai. Với những nhà đầu tư Trung Quốc đó chính là thị trường 1,4 tỷ dân đang phát triển nhanh đủ sức bù đắp cho sự bão hòa của thị trường nội địa cũng như khi cánh cửa hướng tới phương Tây đang hẹp lại. Còn với Ấn Độ, lợi ích rất rõ rệt chính là tiền, thứ mà họ đang thực sự thiếu.

Mặc dù dân số của hai nước tương đương nhau, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ chỉ bằng khoảng 1/6 của Trung Quốc. Ấn Độ phải đối mặt với khoản thâm hụt 1,7 nghìn tỷ USD về cơ sở hạ tầng cơ bản, bao gồm đường bộ, đường sắt, nước sinh hoạt và băng thông rộng. Một báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính: "Ấn Độ sẽ cần đầu tư 840 tỷ USD trong 15 năm tới - hoặc trung bình 55 tỷ USD/mỗi năm - vào cơ sở hạ tầng đô thị nếu muốn đáp ứng hiệu quả nhu cầu của dân số đô thị đang tăng nhanh của nước này". Trong khi đó chính phủ hiện tại chỉ chi 16 tỷ USD/mỗi năm cho cơ sở hạ tầng đô thị. Sự thiếu hụt này là quá lớn trong khi Trung Quốc là chuyên gia về cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới.

Xu hướng hợp tác kinh tế đang kéo Ấn Độ và Trung Quốc gần nhau hơn.

Xu hướng hợp tác kinh tế đang kéo Ấn Độ và Trung Quốc gần nhau hơn.

Ấn Độ cũng bị hạn chế bởi cả vốn con người. Trung Quốc và Ấn Độ có quy mô dân số gần như nhau nhưng tỷ lệ giáo dục đại học của Trung Quốc đạt 72% vào năm 2022, so với 31% ở Ấn Độ, theo nghiên cứu của WB. Hơn nữa, các trường đại học của Trung Quốc đều đứng cao hơn trên các bảng xếp hạng đào tạo của Ấn Độ. Ấn Độ đã không tham gia các bài kiểm tra năng lực học sinh (PISA) kể từ năm 2009, khi nước này xếp thứ 72 trong số 73 quốc gia. Còn hiện tại, điểm PISA của Trung Quốc xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Singapore. Do đó, điều Ấn Độ cần là đầu tư và chuyển giao công nghệ, thứ mà rất hiếm đối tác sẵn sàng đáp ứng trừ Trung Quốc.

Việc tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng giúp Ấn Độ có thêm lợi thế trong việc đối phó với các thách thức khu vực. Quan hệ kinh tế mạnh mẽ có thể giúp giảm bớt căng thẳng biên giới và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề khu vực như biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Việc duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ (hai cường quốc đang cạnh tranh vị trí đứng đầu thế giới hiện nay) giúp Ấn Độ có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Điều này cho phép Ấn Độ đóng vai trò như một cầu nối giữa hai siêu cường và thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu.

Những rủi ro và thách thức

Một trong những rủi ro lớn đối với Ấn Độ là sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn. Điều này có thể làm tăng sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp nội địa. Nếu đầu những năm 2000, Ấn Độ chỉ nhập siêu vài tỉ USD thì đến năm 2022, con số nhập siêu đã lên tới hơn 50 tỷ USD. Hiệp định đầu tư mới sẽ càng mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc và tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài. Cùng với đó là nguy cơ về việc phụ thuộc vào công nghệ và các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột, sự phụ thuộc này có thể trở thành điểm yếu chiến lược đối với Ấn Độ.

Giữa Ấn Độ và Mỹ tồn tại mối quan hệ gần gũi lâu dài.

Giữa Ấn Độ và Mỹ tồn tại mối quan hệ gần gũi lâu dài.

Mặc dù quan hệ kinh tế phát triển, nhưng tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Các vụ đụng độ biên giới gần đây, như ở thung lũng Galwan năm 2020, cho thấy căng thẳng có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế song phương. Nguy cơ xung đột quân sự luôn tiềm ẩn, đặc biệt trong bối cảnh cả hai quốc gia đều đang tăng cường sức mạnh quân sự. Sự bất ổn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế và đầu tư.

Nhưng, rủi ro lớn nhất có thể chính là mối quan hệ “đồng minh” với Mỹ. Mỹ luôn coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt dưới thời các tổng thống gần đây, đã thúc đẩy quan hệ quân sự và kinh tế với Ấn Độ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các lãnh đạo Mỹ thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ độc lập và mạnh mẽ để làm đối trọng với Trung Quốc. Họ cũng bày tỏ lo ngại về việc Ấn Độ quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược.

Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường hợp tác quân sự thông qua các hiệp định như COMCASA và BECA, cho phép chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ quân sự. Tuy nhiên, việc Ấn Độ tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc có thể làm phức tạp thêm các thỏa thuận này. Quan hệ kinh tế, công nghệ giữa Mỹ và Ấn Độ cũng rất mạnh mẽ, với nhiều công ty công nghệ Mỹ đầu tư vào Ấn Độ. Mỹ có thể lo ngại rằng việc Ấn Độ hợp tác quá nhiều với Trung Quốc sẽ làm giảm cơ hội cho các công ty Mỹ và ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ trong khu vực. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, hiệp định đầu tư mới có thể coi là “thách thức” đối với Mỹ khi họ đã dành nhiều tâm huyết xây dựng mối quan hệ với Ấn Độ trong những năm qua.

Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia kinh tế cho rằng việc Ấn Độ tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Điều quan trọng nhất, việc Ấn Độ có thể phát triển đủ nhanh và đủ mạnh để làm đối trọng với chính Trung Quốc trong khu vực cũng là điều mà Mỹ cần thúc đẩy. Cuối cùng, sự lựa chọn vẫn là của những nhà lãnh đạo Ấn Độ, vì lợi ích của chính đất nước. Một hiệp định với bất cứ đối tác nào đều sẽ là cơ hội và thách thức, nếu tất cả cùng nghĩ theo hướng tích cực, một kết quả cùng thắng (win - win) sẽ luôn là điều được lựa chọn.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/trung-an-khi-kinh-te-vuc-ngoai-giao-i739106/