Trưng bày chuyên đề 'Văn hóa Hùng Vương trong dòng chảy văn minh sông Hồng'

Từ ngày 24/3 đến 20/4, tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Hùng Vương trong dòng chảy văn minh sông Hồng”.

Các đại biểu, du khách và học sinh tham quan trưng bày.

Các đại biểu, du khách và học sinh tham quan trưng bày.

Tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc là vùng đất cổ, nơi phát tích và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa có từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước và sự hình thành của nền văn minh sông Hồng. Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc đã lựa chọn hơn 300 hiện vật đặc trưng, tiêu biểu, độc đáo về thời kỳ bình minh của lịch sử dân tộc để trưng bày. Các hiện vật được trưng bày rất đa dạng về chất liệu như: Đồ đá, đồ gốm, xương, sừng, đồ đồng; đồng thời, cũng rất phong phú với các bộ sưu tập về: Vũ khí, đồ dùng trong lao động sản xuất, đồ trang sức… Bên cạnh đó, chuyên đề còn trưng bày về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát xoan Phú Thọ” với hành trình sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của khán giả.

Cũng trong dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ tổ chức chiếu thử nghiệm bộ phim tài liệu Thời đại Hùng Vương với chất lượng hình ảnh full HD, ứng dụng kỹ xảo 3D phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Hùng Vương.

Lễ hội Làng Sen năm 2025 dự kiến diễn ra trong 10 ngày

Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Từ Làng Sen đến Thành phố Hồ Chí Minh” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức.

Lễ hội Làng Sen năm 2025 dự kiến khai mạc vào lúc 20h ngày 9/5 tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và bế mạc đêm 19/5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh) nhằm thể hiện lòng biết ơn, thành kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, các hoạt động chính của Lễ hội Làng Sen năm 2025 bao gồm: Lễ dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Đền Chung Sơn; Lễ rước ảnh Bác từ Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên ra Sân vận động Làng Sen; khánh thành Tượng “Bác Hồ về thăm quê”.

Về phần hội sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc gồm: Cuộc thi Hoa hậu du lịch “Sen”, Hội thi thể thao Lễ hội Làng Sen năm 2025; Tổ chức không gian ẩm thực du lịch Sen, các gian trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP.

Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và hội trại; không gian Sen, phiên chợ quê do UBND huyện Nam Đàn tổ chức. Khánh thành công trình Thác 9 tầng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan (huyện Nam Đàn).

Trình UNESCO đưa “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Tại Văn bản số 2589/VPCP-KGVX, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đồng ý trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể “Võ cổ truyền Bình Định” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Võ cổ truyền Bình Định ra đời, phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

PV

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/trung-bay-chuyen-de-van-hoa-hung-vuong-trong-dong-chay-van-minh-song-hong-3002ed5/