Trưng bày gần 100 bức ảnh chân dung phụ nữ Tây Bắc trên giấy dó

Chiếm hầu hết trong 100 bức chân dung mà Nguyễn Thanh Tuấn trưng bày tại triển lãm 'Tây Park' là những người phụ nữ vùng cao Tây Bắc.

Tối 26/11/2024, tại Area 75 Art & Auction (75 Hàng Bồ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm thị giác Tây Park. Triển lãm được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh tại Tây Bắc của đạo diễn Nguyễn Thanh Tuấn.

Tại triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng 100 bức chân dung được in trên chất liệu giấy dó, chủ yếu là phụ nữ vùng cao của 6 tỉnh Tây Bắc - những người mà Nguyễn Thanh Tuấn gặp trong những chuyến làm phim, sản xuất các chương trình nghệ thuật. Đó có thể là những người phụ nữ thầm lặng nghiên cứu, sưu tầm hàng ngàn vốn quý của Tây Bắc thành những áng văn chương, sách vở; có thể là những người phụ nữ khiếm thính, bị câm nhưng nuôi nấng 5-7 người con nên người…

Đạo diễn Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ tại khai mạc triển lãm

Đạo diễn Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ tại khai mạc triển lãm

Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, cảm hứng của chất liệu giấy dó đến với anh từ khoảng năm 2014 cho đến năm 2019, trong quá trình được gặp gỡ và làm việc với các họa sĩ chuyên sâu thực hiện các tác phẩm hội họa với chất liệu này. Theo anh, điểm khó khăn nhất khi thực hiện in ảnh trên chất liệu giấy dó là việc xử lý bề mặt giấy để có thể phù hợp với công nghệ in ấn hiện đại, do giấy dó có độ sần và các mép không hoàn chỉnh dẫn đến việc dễ bị dắt giấy hoặc kẹt giấy.

Cảm hứng với chất liệu giấy dó của Nguyễn Thanh Tuấn còn bắt nguồn từ việc anh khám phá ra nhiều loại giấy dó của đồng bào các dân tộc Tây Bắc luôn có nhiều gốc khác nhau: Từ vỏ cây dướng, cây giang, rơm và đặc biệt là cây leo mọc trên núi đá ở Điện Biên. Phần lớn giấy dó được bà con dùng trong các nghi thức tâm linh như làm vàng mã, dán ở ban thờ và ít khi được ứng dụng với các loại hình khác. "Khi in ảnh trên giấy dó, nét hoài cổ và độ xuyên sáng trên mỗi tác phẩm đem đến một cảm nhận thú vị, tạo ra những hiệu ứng về thị giác nhất định", Nguyễn Thanh Tuấn cho biết.

Phát triển từ chất liệu này, Nguyễn Thanh Tuấn đã đa dạng cách sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh tại triển lãm - từ việc đặt ảnh trên mặt mâm mây đan lát của người Thái, kết hợp với chiếc điếu bằng tre, gắn trên thổ cẩm…

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm "Tây Park"

Lý giải về cách chơi chữ Á - Âu của tên gọi triển lãm - TâyPark, Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng hai chữ Tây Bắc đã quá quen thuộc với những người ưa xê dịch tại Việt Nam và những người bạn quốc tế. Tuy nhiên chữ Bắc trong cách phát âm có dấu đôi khi đem lại chút trở ngại nho nhỏ đã gây cảm hứng cho Tuấn biến đổi sang chữ Park trong tiếng Anh, có nghĩa là vùng đất rộng hoặc công viên. Park cũng là một thành tố không thể thiếu khi nhắc đến những địa danh đã trở thành thành viên nằm trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network).

Triển lãm Tây Park mở cửa từ ngày 26/11 đến 1/12/2024. Trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ còn có show trình diễn thị giác Ngàn với 4 buổi diễn, từ ngày 28/11 đến 1/12. Show diễn lấy cảm hứng từ chính những tác phẩm nhiếp ảnh tại triển lãm Tây Park, do Nguyễn Thanh Tuấn kết hợp thực hiện cùng nghệ sĩ điêu khắc Lò An Chương, biên đạo múa Nùng Văn Minh, nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền, nghệ nhân Trường Giang, cố vấn âm nhạc Việt Hùng, kỹ sư âm thanh Tùng Lâm cùng các nghệ nhân dân gian và đồng bào người Thái tại Hà Nội.

Nguyễn Thanh Tuấn là một gương mặt khá quen thuộc trên sóng truyền hình với các series truyền hình thực tế như Đi là đến (VTVCab), Hành trình 1735+ (QPVN), Giờ kết nối (QPVN), Nét ẩm thực Việt (VTV3), Hành trình vẻ đẹp (VTV1)... trong vai trò MC, nhân vật trải nghiệm. Anh còn biết đến với vai trò tổ chức sản xuất, biên kịch, đạo diễn…

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trung-bay-gan-100-buc-anh-chan-dung-phu-nu-tay-bac-tren-giay-do-20241127105416323.htm