Trưng bày hàng trăm hiện vật quý dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo Ban tổ chức, trưng bày gồm các hình ảnh về Lễ hội Đền Hùng xưa và nay, các di tích thờ cúng Vua Hùng và nhân vật thời Hùng Vương.

Hai trưng bày song hành diễn ra tại Bảo tàng Hùng Vương nhân dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024.

Hai trưng bày song hành diễn ra tại Bảo tàng Hùng Vương nhân dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024.

Nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội Đền Hùng, hướng tới đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, hai trưng bày được tổ chức song hành về các hiện vật Quốc hiệu cũng như di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ngày 11/4, Bảo tàng Hà Nội cho biết, đơn vị phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức trưng bày “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”.

Trưng bày được tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024, thể hiện đạo lý và sự tri ân của con cháu Lạc Hồng với lịch sử dân tộc, với tổ tiên bằng tất cả tấm lòng biết ơn và niềm tự hào.

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại của mỗi quốc gia, biểu thị quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô cũng luôn được các triều đại, Nhà nước Việt Nam coi trọng.

Lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam được mở đầu từ thời đại các Vua Hùng, trải qua nhiều lần thay đổi kinh đô và quốc hiệu, năm 1010 vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long.

“Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương, thời gian mở cửa từ 7 giờ đến 16 giờ hàng ngày.

Cũng tại Bảo tàng Hùng Vương dịp lễ Giỗ Tổ còn song hành tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa vùng Đất Tổ” - lựa chọn 140 hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc giới thiệu đến công chúng về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ”.

Theo Ban tổ chức, trưng bày gồm các hình ảnh về Lễ hội Đền Hùng xưa và nay, các di tích thờ cúng Vua Hùng và nhân vật thời Hùng Vương. Bên cạnh đó là một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ; di tích gắn với di sản hát Xoan, trình tự diễn xướng, những tục lệ trong hát Xoan. Trình chiếu các video, phim tư liệu về quá trình xây dựng hồ sơ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ.

Trưng bày nhằm thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức của các Vua Hùng và tiền nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Thông qua các trưng bày này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa vùng đất Tổ đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch của tỉnh.

Trần Kiệt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trung-bay-hang-tram-hien-vat-quy-dip-gio-to-hung-vuong-post679052.html