Trưng bày hiện vật vô giá về 'Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử'

Hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng trong đó có nhiều bảo vật quốc gia, nhiều hiện vật vô giá đã được giới thiệu trong trưng bày 'Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử' tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện những biểu tượng, tư liệu mang giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và niềm tự hào về lịch sử dân tộc do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Ninh Bình, Bảo tàng Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ tổ chức.

Mộc bản Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn (1010)

Mộc bản Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn (1010)

Hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay. Các hiện vật, dấu tích kiến trúc là kết quả nghiên cứu khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt Nam. Ngoài ra còn có các tư liệu mộc bản triều Nguyễn, đặc biệt có hai hiện vật là trống đồng Cảnh Thịnh và ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” - là hai trong số 20 Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

“Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” được giới thiệu theo ba chủ đề chính: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập và Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

Các hiện vật trong chủ đề Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên là khuôn đúc mũi tên, hiện vật đá 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay, được khai quật tại thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

 Đầu phượng bằng đất nung từ thế kỷ XI - XII, là vật liệu trang trí trong kiến trúc được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Đầu phượng bằng đất nung từ thế kỷ XI - XII, là vật liệu trang trí trong kiến trúc được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Ấn "Mệnh đức chi bảo" bằng vàng, niên hiệu Gia Long (1802 - 1819)

Ấn "Mệnh đức chi bảo" bằng vàng, niên hiệu Gia Long (1802 - 1819)

Đặc biệt phong phú là những hiện vật chủ đề Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập, phản ánh sự nối tiếp của các quốc hiệu và kinh đô. Quốc hiệu Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư dưới các triều Đinh, Tiền Lê, đầu triều Lý; Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Thăng Long dưới các triều Lý, Trần; Quốc hiệu Đại Ngu với Kinh đô An Tôn dưới triều Hồ; Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Đông Đô dưới các triều Hậu Lê (Lê Sơ), Mạc, Lê Trung Hưng; Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Phú Xuân dưới triều Tây Sơn; Quốc hiệu Việt Nam, Đại Nam và Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn. Các hiện vật thể hiện đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, những tinh hoa, óc thẩm mỹ của người Việt qua các triều đại.

Bảo vật quốc gia: Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”

Bảo vật quốc gia: Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”

Ấn “ Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847). Đây là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn, không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hằng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, và được coi là bảo tỷ truyền quốc.

Mũ thượng triều bằng vàng, đá quý, san hô vào thế kỷ XIX - XX. Mũ được nhà vua sử dụng mỗi khi thiết triều, giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, thực hiện các nghi lễ, yết kiến sứ giả các nước bang giao...

Mũ thượng triều bằng vàng, đá quý, san hô vào thế kỷ XIX - XX. Mũ được nhà vua sử dụng mỗi khi thiết triều, giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, thực hiện các nghi lễ, yết kiến sứ giả các nước bang giao...

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ đề Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, công chúng cũng có cơ hội được xem nhiều hình ảnh, hiện vật lịch sử đặc biệt giá trị như: hình ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hình ảnh “Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, ngày 2/7/1976 quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đặt thủ đô tại Hà Nội.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, ngày 2-7-1976 quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đặt Thủ đô tại Hà Nội.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, ngày 2-7-1976 quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đặt Thủ đô tại Hà Nội.

Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Cường, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay Chính phủ của mỗi quốc gia. Quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, Kinh đô (Thủ đô) luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng. Việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu một trưng bày đầy đủ và hệ thống về “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” ngoài ý nghĩa khẳng định chủ quyền, lịch sử đất nước qua các thời kỳ còn là dịp đem đến cho công chúng một cái nhìn toàn diện, có hệ thống về lịch sử đất nước dân tộc, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu đối với đất nước.

Trưng bày chuyên đề "Quốc hiệu và kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử" được diễn ra, phục vụ công chúng đến hết tháng 10/2019 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-bay-hien-vat-vo-gia-ve-quoc-hieu-va-kinh-do-dai-viet-qua-cac-thoi-ky-lich-su-540503.html