Trưng bày 'Nhật ký hòa bình': Gợi ký ức để hướng đến tương lai
Gần 45 năm cuộc chiến tranh đã lùi xa, trả lại hòa bình cho người dân Việt Nam. Ngày 2/7, trên chính mảnh đất của những con người đã hy sinh xương máu vì hòa bình, nhân chứng của 2 chiến tuyến một thời: Lính Mỹ, lính Việt… cùng tụ hội trong triển lãm 'Nhật ký hòa bình' để ôn lại những ký ức buồn đau, và chung tay hành động vì một nền hòa bình trong tương lai.
Nỗi ám ảnh của chiến tranh
Sức hấp dẫn của “Nhật ký hòa bình” không chỉ nằm trong các hiện vật mà còn ở sự xuất hiện của các khách mời, các nhân chứng sống của một thời mưa bom bão đạn. Lần thứ 3 trở lại Hỏa Lò, Robert Preston Chenoweth, Hạ sĩ Lục quân Hoa Kỳ, một trong những phi công Mỹ từng bị giam trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có trại giam Hỏa Lò (1968 - 1973) gặp lại những kỷ vật của chính mình, đó là một chiếc túi xách đựng đồ cá nhân và một lá cờ Việt Nam, Robert nhận được trong lần trao trả tù binh Mỹ.
“Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, là một niềm tự hào, một sự ghi nhận của quốc tế về bản chất đúng đắn và truyền thống yêu chuộng hòa bình của Nhân dân Việt Nam. Có thể nói, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội là một quá trình rất vẻ vang, qua nhiều năm chiến tranh, đã có nhiều hy sinh, mất mát nhưng cuối cùng Nhân dân ta đã chiến thắng. Chính vì vậy, Hà Nội là Thành phố hòa bình, Thành phố anh hùng với sự đóng góp của Nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của Nhân dân tiến bộ thế giới” – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam Campuchia Vũ Mão.
“Những kỷ vật này tôi vẫn luôn giữ để nhớ về trận chiến. Sau năm 2017, tôi trao tặng cho Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò để thế hệ sau hiểu được những gì tôi đã trải qua. Tôi nghĩ việc trưng bày chúng ở bảo tàng là có ích cho mọi người hơn là giữ cho mình” - Robert Preston Chenoweth chia sẻ. Đặc biệt, trở lại Việt Nam lần này, Robert còn đưa cả người con trai - Sean - sinh viên tại Đại học bang Idaho, để cùng con nhớ về lịch sử và hướng đến thông điệp hòa bình, nhắc nhở thế hệ trẻ tránh lặp lại các sự việc đau lòng trong quá khứ.
Không có những ký ức trực tiếp như Robert Preston Chenoweth, hành trình nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh từ Thomas Eugene Wilber được nhìn từ một hướng khác. Năm 2014, lần đầu tiên tới di tích Nhà tù Hỏa Lò như một du khách bình thường, Thomas Eugene Wilber bắt gặp hình ảnh cha mình (cố Trung tá hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber, một quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam, cựu tù nhân của cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam) ở đó. Kỷ vật trưng bày tại Hỏa Lò mà Thomas nhìn thấy là bức ảnh về cha anh trong dịp Giáng sinh nhận được món quà từ gia đình: Một gói kẹo cao su, hình người thân ở Mỹ và các vật dụng cá nhân. Nhìn vào bức ảnh, Thomas vô cùng xúc động, bởi vì đó là những kỷ vật mà chính anh và mẹ chuẩn bị gửi cho cha khi đang tham chiến tại Việt Nam. 5 năm qua, Thomas đã có tới 30 lần quay trở lại Việt Nam để có những hành động cùng hàn gắn vết thương chiến tranh cho Việt Nam.
Khát vọng không ngừng
20 năm - một chặng đường, Hà Nội nỗ lực chuyển mình, không chỉ còn là TP năng động sau chiến tranh, mà còn tạo dựng nên môi trường sống yên bình, cởi mở, phát triển. Ngày hôm nay, danh hiệu “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng như một minh chứng rõ nét, để những người cựu binh Mỹ cùng với người dân Việt Nam chung tay góp sức xoa dịu chiến tranh và xây dựng hòa bình.
Đến với triển lãm lần này những vị khách từ nước Mỹ xa xôi - Hạ sĩ Lục quân Robert P. Chenoweth, ông Thomas… cùng nhiều đơn vị DN khác đã có những món quà ý nghĩa, trao tận tay các nạn nhân chất độc da cam ở Làng Hữu nghị Việt Nam (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Thomas đã trao tặng Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều hiện vật là kỷ vật của cha mình và nhiều nhân chứng lịch sử khác. Ngoài ra, ông đã ủng hộ số tiền 20 triệu đồng cho Làng Hữu Nghị Vân Canh. Ông Thomas cho rằng, đó là những việc phải làm, để góp thêm một vòng tay chia sẻ, giúp Nhân dân Việt Nam vơi đi nỗi buồn thời chiến.
Hướng đến hòa bình còn thể hiện sự bắt tay của các cựu tù binh Mỹ và quân dân Việt Nam cùng hành động để hàn gắn những vết thương chiến tranh. “Sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân Việt Nam trong nhiều năm vào việc tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ mất tích (MIA) ngay khi bao người mẹ, người cha còn trông ngóng tin tức của những người con của mình đã hy sinh, là biểu tượng cho lòng cao thượng và nhân đạo của truyền thống văn hóa Việt Nam, và đã nhận được sự cảm ơn cao nhất từ phía Mỹ. Những cuộc gặp mặt đầy lòng vị tha, “gác lại quá khứ hướng tới tương lai” của các cựu phi công người Việt đối với các cựu đối thủ - phi công Mỹ hồi nào trên bầu trời Việt Nam, hay những cái bắt tay nhân ái của các con em những người đã mất trong chiến tranh từ hai phía, đang giúp hai bên hòa giải càng sâu sắc hơn...” - Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến chia sẻ.
Chủ tịch Hội Việt - Mỹ cũng khẳng định, trưng bày “Nhật ký hòa bình” là một minh chứng nữa của khát vọng hòa bình của Nhân dân Việt Nam, được truyền đi từ một địa danh linh thiêng - Nhà tù Hỏa Lò.