Trúng đậm nhờ trồng dừa hữu cơ
Với việc mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng dừa hữu cơ gắn với tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều nông hộ ở tỉnh Vĩnh Long đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Trong hành trình ấy, vai trò của HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho người nông dân.
Tính đến giữa năm 2025, xã Tân An Luông (nay thuộc xã Trung Hiệp mới) có khoảng 350ha dừa, chiếm hơn 60% diện tích vườn canh tác. Trong đó, khoảng 300ha đã cho trái ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho hơn 1000 hộ dân.
Ổn định thu nhập
Ông Trần Trung Hiệp (ấp Nước Xoáy), người có hơn 7 năm gắn bó với cây dừa, đang canh tác 9 công dừa theo hướng hữu cơ, cho hay dừa là cây dễ trồng, công chăm sóc không nhiều, hiệu quả kinh tế cũng tương đối ổn định.
“Mỗi đợt thu hoạch tôi hái được gần 4.000 trái, giá hiện tại là 100.000 đồng/chục, tính ra mỗi đợt cũng vài chục triệu. Đáng chú ý, những năm qua, nhờ chuyển đổi sang trồng theo hướng hữu cơ, cây dừa khỏe mạnh, trái cũng sai và đều hơn”, ông Hiệp chia sẻ.

Dừa hữu cơ mang lại thu nhập cao cho HTX, nông dân (Ảnh: Song Thảo).
Dễ thấy, dừa hữu cơ giúp tiết giảm chi phí, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà tận dụng phân chuồng, bùn, tàu lá dừa. Nhờ vậy, người trồng dừa vừa bảo vệ môi trường vừa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Trung Quốc…
Đáng chú ý, không chỉ hoạt động riêng lẻ, nhiều hộ trồng dừa ở Vĩnh Long đã chủ động bắt tay nhau thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất. Đơn cử, cuối năm 2024, HTX Dừa hữu cơ Tân An Luông ra đời, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy sản xuất của thành viên, nông dân liên kết.
HTX Dừa hữu cơ Tân An Luông hiện có 27 thành viên chính thức và 247 thành viên liên kết từ các xã lân cận, quản lý vùng trồng trên 549ha dừa. Mỗi đợt thu hoạch, toàn HTX cung ứng ra thị trường từ 220.000 đến hơn 300.000 trái dừa.
Ông Trần Vĩnh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: “Chúng tôi không chỉ tập trung bao tiêu sản phẩm mà còn hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết với doanh nghiệp ở Bến Tre để kiểm định và chứng nhận hữu cơ. Dừa đạt chuẩn được thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5-10% và xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc”.
Đáng chú ý, HTX không chỉ giúp nông dân bán dừa tươi mà còn ký hợp đồng tiêu thụ dừa khô, sơ chế phụ phẩm như gáo dừa, xơ dừa thành vật dụng mỹ nghệ, góp phần tăng thêm nguồn thu và tạo công ăn việc làm tại chỗ.
Chìa khóa làm giàu
Nhằm mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ, trước khi sắp xếp lại địa giới hành chính, UBND xã Tân An Luông liên tục phối hợp cùng ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ghi chép nhật ký sản xuất, nhân nuôi thiên địch như bọ đuôi kìm... Từ đó, ý thức canh tác an toàn của người dân được nâng cao.
Theo thống kê, ở Tân An Luông có 6 mã số vùng trồng với 150ha đủ điều kiện xuất khẩu (số liệu trước ngày 1/7). Xã đã đẩy mạnh vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang dừa hữu cơ để ổn định thu nhập và hướng đến phát triển nông nghiệp sạch.
Trong lộ trình chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả cây dừa, vai trò của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long luôn nổi bật qua việc hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới, kết nối doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ, hướng dẫn thủ tục chứng nhận sản phẩm, đồng thời hỗ trợ đào tạo nhân lực, vốn vay, máy móc chế biến.
Nhờ có sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, các HTX như Tân An Luông mới có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp, đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần nhân rộng trồng dừa hữu cơ, thúc đẩy vai trò HTX để nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: Song Thảo).
Thực tế cho thấy, mô hình trồng dừa hữu cơ đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (mới, sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre).
Ông Nguyễn Thanh Thế (xã Bình Phú mới) là ví dụ điển hình. Sau ba năm chuyển đổi 1ha dừa sang hữu cơ, năng suất vườn dừa của ông tăng hơn 30%, mỗi tháng đạt 40-50 triệu đồng nhờ sản lượng ổn định và giá bán cao hơn 10-15% so với dừa thường.
Tương tự, bà Lê Thị Bền (xã Tân Hòa mới) cho biết: “Nếu như trước kia mỗi đợt tôi chỉ thu 1.200-1.500 trái thì nay đạt tới 2.000 trái. Dừa sạch, không lo đầu ra. Bán giá cao hơn 10.000-15.000 đồng/chục. Thu nhập mỗi tháng từ 30-40 triệu là chuyện bình thường”.
Cần thêm sự liên kết và hỗ trợ
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hàng chục nghìn ha dừa đang canh tác hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như EU, USDA, Canada, Trung Quốc. Tuy nhiên, mới chỉ 20% diện tích được doanh nghiệp bao tiêu, nguyên nhân chính vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh hoàn thiện sản xuất, tiến hành cấp mã số vùng trồng, trong đó thúc đẩy các thị trường chủ lực như Trung Quốc, EU, Canada... Tỉnh cũng đang ưu tiên mở rộng vùng dừa hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị khép kín với sự tham gia của HTX, doanh nghiệp chế biến sâu, mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu chính ngạch.
Theo các chuyên gia, để cây dừa phát huy tối đa hiệu quả xóa đói giảm nghèo và làm giàu, cần tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX kiểu mới, tăng cường sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh, đặc biệt là trong việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và đàm phán với các thị trường quốc tế.
Với hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, dễ canh tác, thân thiện môi trường và phù hợp với điều kiện địa phương, cây dừa đang trở thành cây “thoát nghèo” của hàng ngàn hộ dân tại Vĩnh Long.
Mô hình trồng dừa hữu cơ, dưới sự đồng hành của HTX, cùng các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long đang chứng minh rằng nông dân hoàn toàn có thể thoát nghèo, làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương.
Khi từng cây dừa xanh hóa những vùng đất trũng, khi từng vườn dừa trở thành điểm đến của các doanh nghiệp xuất khẩu, và khi từng HTX bắt tay liên kết cùng nông dân, cây dừa không chỉ là nông sản – mà là biểu tượng của khát vọng vươn lên, của một nông thôn mới giàu mạnh từ chính bàn tay người nông dân.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/trung-dam-nho-trong-dua-huu-co-1108151.html