Mô hình OCOP mở không gian hợp tác mới về nông nghiệp bền vững
Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP đồng tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Ảnh: Hằng Trần
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đồng tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) diễn ra từ ngày 15-16/7, các đối thoại xoay quanh các mô hình OCOP đã mở không gian hợp tác mới về nông nghiệp bền vững. Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết: Đến nay, Việt Nam đã có hơn 16.000 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 1 - 4 sao. Chính phủ đang nỗ lực nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa để các sản phẩm đạt 5 sao, đủ điều kiện xuất khẩu, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia. Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2035; trong đó, OCOP tiếp tục là trụ cột quan trọng. Quyết định 919/QĐ-TTg năm 2022 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng đã đặt nền móng và định hướng mới tập trung vào ba nội dung chính. Trước hết, phát huy lợi thế tài nguyên nông nghiệp, tri thức và văn hóa bản địa, gắn OCOP với du lịch nông thôn. "Chúng tôi muốn sản phẩm OCOP đi kèm giá trị văn hóa như câu hò, điệu múa của các vùng miền, biến chúng thành vật phẩm văn hóa có giá trị gia tăng cao", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ. Tại diễn đàn, ông Ramnath Adhikari, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi Nepal đánh giá cao mô hình OCOP của Việt Nam, không chỉ truyền cảm hứng mà hoàn toàn có thể áp dụng thực tiễn tại Nepal. Theo ông, Việt Nam đã tích hợp OCOP với giáo dục, du lịch và chính sách môi trường - đây là hướng đi Nepal mong muốn học hỏi.
Ngoài ra, Nepal muốn được chia sẻ về phương thức kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân và thúc đẩy hiệu quả hợp tác Nam-Nam với các quốc gia Nam bán cầu. Việc hợp tác chặt chẽ với Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng hệ thống OCOP hiệu quả hơn, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm bản địa có giá trị cao. Tại Nepal đã lựa chọn thảo quả đen - cây trồng có giá trị cao, gắn bó với cộng đồng vùng cao - làm sản phẩm OCOP chủ lực quốc gia. Với tầm nhìn kế hoạch 20 năm, Nepal chú trọng đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói, hướng đến xuất khẩu và y học cổ truyền.
Tại diễn đàn, các quốc gia như Cameroon, Kawali, Bhutan… chia sẻ về những thách thức cũng như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực chế biến, tổn thất sau thu hoạch… hay những khó khăn trong phát triển các thương hiệu nông sản có khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Trước những thách thức đó, các lãnh đạo nông nghiệp bày tỏ niềm tin rằng OCOP sẽ trở thành nền tảng kết nối, kết hợp với kinh nghiệm của Việt Nam cùng nhau tìm ra các giải pháp khả thi, giúp các quốc gia chuyển đổi nông nghiệp theo hướng bền vững, tận dụng tiềm năng của địa phương.
Tại Diễn đàn các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP Việt Nam. Ảnh: Hằng Trần
Ông Sam Dalitso Kawale - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malawi chia sẻ, diện tích trồng chuối của Malawi đã giảm đáng kể, gần 20.000 ha, do mất mùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân. OCOP không chỉ giúp giải quyết những thiếu hụt trong sản xuất mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển bền vững của nông sản chủ lực này.
Malawi đã triển khai nhiều chiến lược khác nhau nhằm hỗ trợ người trồng chuối, từ việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, xây dựng các trang trại trình diễn, đến học tập các mô hình thành công từ các quốc gia khác; trong đó, có Việt Nam. Giai đoạn 2026-2030, Malawi đặt mục tiêu phát triển ngành chuối gắn với cộng đồng, lấy cảm hứng từ Việt Nam về phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, có sự tham gia của phụ nữ, thanh thiếu niên. Malawi cam kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là nhân giống cấy mô và các công nghệ mùa vụ tiên tiến. "OCOP không chỉ là thay đổi nguồn lực mà còn là nền tảng cho hợp tác quốc tế. Malawi kỳ vọng trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu tại khu vực châu Phi trong triển khai OCOP", người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Malawi khẳng định. Ông Younten Phuntsho, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Bhutan chia sẻ về tầm nhìn OCOP Bhutan với phát triển bền vững chuỗi giá trị và sinh kế người dân. Đối với một quốc gia nhỏ, có địa hình đồi núi như Bhutan, nông nghiệp không chỉ là sinh kế mà còn là nền tảng bảo tồn lối sống truyền thống và là sợi dây gắn kết cộng đồng. Sáng kiến OCOP có sự đồng điệu rõ nét với các chương trình phát triển nông nghiệp và sinh kế của Bhutan. Điển hình là cây diêm mạch - loại cây có khả năng thích nghi với cả 6 vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau tại Bhutan. Bhutan đã đặt tên riêng cho loại hạt này và hướng đến phát triển sinh kế nông thôn và khuyến khích khởi nghiệp do chính cộng đồng địa phương lãnh đạo. Bhutan đã triển khai phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị toàn diện: từ nâng cao nhận thức, mở rộng thị trường đến hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Trong vòng 1 năm, diện tích trồng diêm mạch đã tăng 270%. Đồng thời, 850 nông dân và 140 cán bộ nông nghiệp được đào tạo về kỹ thuật canh tác, thu hoạch và sử dụng sản phẩm sau thu hoạch. Diêm mạch cũng được thí điểm đưa vào khẩu phần ăn trong hệ thống giáo dục và bệnh viện. Bhutan đang xúc tiến các bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, sản lượng đã tăng đến 200% chỉ trong một năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai OCOP cũng bộc lộ một số thách thức và đang chủ động ứng phó thông qua thử nghiệm mô hình tại nhiều địa phương, áp dụng cơ giới hóa khâu sau thu hoạch, ứng dụng công cụ số và thu hút thanh niên tham gia vào hệ sinh thái diêm mạch. Với triết lý phát triển - quốc gia hạnh phúc, Bhutan khẳng định cam kết mạnh mẽ với tầm nhìn OCOP và chia sẻ khát vọng chung về “ Bốn tốt hơn” gắn với phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân. Theo ông Hussein Abdelbagi Ayii - Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nam Sudan, nước này đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển thể chế cho chương trình OCOP vì thiếu kiến thức kỹ thuật về giống, canh tác phù hợp với hệ sinh thái đa dạng và hạn chế tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại phiên họp chung các lãnh đạo cấp cao ngành nông nghiệp, ông kêu gọi thiết lập cơ chế thể chế, tài chính và kỹ thuật vững mạnh để hỗ trợ nông dân, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và thúc đẩy công nghiệp hóa sản xuất nông sản. Các đối tác như FAO tạo môi trường thuận lợi nhằm nâng cao năng lực của hợp tác xã, nhóm nông dân và các tổ chức liên quan. Nam Sudan sẽ tập trung vào việc chuẩn hóa giống, kiểm soát chất lượng và xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật bền vững trong thời gian tới.