Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4): Giúp chiến sĩ mới tự tin với môi trường mới
Năm 2025, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tiếp nhận, quản lý, huấn luyện các chiến sĩ mới thuộc 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhằm tạo sự tự tin, giúp chiến sĩ hòa nhập nhanh với môi trường quân ngũ, yên tâm công tác tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, Trung đoàn 19 đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
Chúng tôi có mặt tại Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19 vào chiều thứ 7. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa đơn vị kết nghĩa và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn diễn ra rất sôi nổi. Tại các khu vực vui chơi, giải trí, cán bộ, chiến sĩ hăng say với những hoạt động như: Đánh bóng chuyền, cầu lông, chơi cờ tướng…

Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 19 tặng hoa, động viên chiến sĩ mới.
Trong phòng giao ban tiểu đoàn, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đang gặp gỡ, đối thoại với thân nhân chiến sĩ mới. Tìm hiểu tôi được biết, đó là cách làm mới của đơn vị trong đợt huấn luyện này. Khi chiến sĩ về đơn vị, cùng với việc gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh gia đình và giới thiệu về truyền thống, nhiệm vụ đơn vị thì hàng tuần vào ngày thứ 7, lãnh đạo, chỉ huy tiểu đoàn, đại đội dành thời gian để đối thoại trực tiếp với người nhà chiến sĩ. Nội dung đối thoại xoay quanh một số vấn đề như: Các chế độ, tiêu chuẩn, nơi ăn nghỉ của chiến sĩ mới… Việc thông qua đối thoại, chỉ huy đơn vị nắm chắc được hoàn cảnh gia đình, tâm tư chiến sĩ và cùng với gia đình phối hợp giáo dục, quản lý bộ đội.

Giáo dục truyền thống đơn vị cho chiến sĩ mới.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và có kế hoạch từ đầu nên Tiểu đoàn 6 đã tổ chức được nhiều hoạt động như: Giáo dục truyền thống đơn vị; tổ chức đối thoại, gặp gỡ nắm tình hình chiến sĩ mới… Trò chuyện với chúng tôi, chiến sĩ Hồ Văn Huyết, Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, người dân tộc Vân Kiều quê ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nói: “Sống trong môi trường Quân đội, được sự hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ bảo của chỉ huy đơn vị và các anh đi trước nên sau hơn một tuần nhập ngũ em đã tự tin với cuộc sống mới”.

Các chiến sĩ mới đọc sách báo trong giờ nghỉ.
Đối với Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19 thì ngoài việc thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng chiến sĩ thì đội ngũ cán bộ các cấp ở đây còn bằng những việc làm ý nghĩa để tạo cho bộ đội yên tâm và yêu mến đơn vị ngay từ ngày đầu. Sau khi nghiên cứu lý lịch hồ sơ đơn vị phân ra từng đối tượng để có phương pháp quản lý, huấn luyện phù hợp. Những đồng chí hoàn cảnh gia đình khó khăn và đã lập gia đình, hằng tuần đơn vị trực tiếp liên lạc thăm hỏi gia đình và ngày nghỉ, giờ nghỉ cho bộ đội mượn điện thoại gọi về cho gia đình.
Chiến sĩ Xồng Bá Dìa, Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, dân tộc Mông quê ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Những ngày đầu vào đơn vị em rất nhớ vợ con, nhưng nhờ có sự quan tâm, động viên của cán bộ các cấp đã vơi đi phần nào. Không những vậy, trong sinh hoạt hằng ngày các anh còn hướng dẫn chỉ bảo tận tình, giúp em quen dần với môi trường mới”.

Hướng dẫn bộ đội sắp xếp nội vụ vệ sinh.
Trung tá Trần Văn Tư, Chính ủy Trung đoàn 19 cho biết: “Rút kinh nghiệm những lần huấn luyện trước, năm nay đơn vị quản lý chiến sĩ bằng “Cơ chế mềm”. Mệnh lệnh “rắn” của cán bộ các cấp được thay thế bằng cử chỉ ân cần, bằng động tác mẫu cho bộ đội làm theo. Cán bộ đại đội, trung đội hằng ngày cùng ăn, cùng sinh hoạt với bộ đội, kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ những vấn đề chiến sĩ chưa hiểu”.

Chiến sĩ mới hào hứng với 4 bài thể dục.
Được biết, các đại đội, trung đội thuộc Trung đoàn 19 huấn luyện chiến sĩ mới còn có cách làm thực sự hiệu quả như: Sau khi bộ đội vào đơn vị, các đại đội đã nhanh chóng xây dựng các mô hình như đôi bạn cùng tiến, tổ ba người, tiểu đội chiến sĩ nhập ngũ trước giúp đỡ tiểu đội chiến sĩ mới… Lập nhóm Zalo kết nối thân nhân chiến sĩ và cán bộ Trung đội để kịp thời trao đổi tình hình; tổ chức các hoạt động sinh nhật đồng đội, giao lưu văn hóa, văn nghệ với chi đoàn kết nghĩa…
Với những cách làm trên, các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 đã từng bước nắm chắc được tâm tư, hoàn cảnh, nguyện vọng của từng người để đề ra biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp bộ đội nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.