Trung Đông lại 'dậy sóng' sau tuyên bố của ông Trump 'Mỹ muốn tiếp quản Dải Gaza'
Đứng cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đề xuất táo bạo rằng ông muốn Mỹ tiếp quản Dải Gaza thời hậu chiến sự và tái định cư người Palestine trên lãnh thổ các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, ý tưởng này lập tức bị nhiều bên ở Trung Đông phản đối.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 5/2 (giờ Hà Nội) đến Nhà Trắng và có cuộc hội đàm lịch sử cùng ông Donald Trump, với tư cách là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống thứ 47 của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2025. Theo New York Times, nội dung thảo luận của hai ông chủ yếu xoay quanh tình hình Trung Đông, trọng tâm là Dải Gaza.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Trump đã gây bất ngờ với tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi cũng sẽ có nhiều việc để làm với vùng đất này. Chúng tôi sẽ sở hữu và chịu trách nhiệm tháo dỡ tất cả các bom mìn chưa nổ, cũng như các loại vũ khí nguy hiểm tại vùng lãnh thổ đó. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ làm điều đó, chúng tôi sẽ tiếp quản phần đất đó, chúng tôi sẽ phát triển nó, tạo ra hàng nghìn việc làm và đó sẽ là điều mà toàn bộ Trung Đông có thể rất tự hào”.
![Người Palestine tìm đường trở về nhà của họ ở Dải Gaza sau khi Israel và Hamas ngừng bắn. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_5_51410107/6da0645d5c13b54dec02.jpg)
Người Palestine tìm đường trở về nhà của họ ở Dải Gaza sau khi Israel và Hamas ngừng bắn. Ảnh: Reuters.
Khi đề cập đến khoảng hai triệu người Palestine sinh sống ở Dải Gaza, ông Trump cho rằng, họ nên được định cư ở các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan. “Tôi không nghĩ mọi người nên quay trở lại Dải Gaza”, ông Trump nói.
“Tôi biết Dải Gaza rất không may mắn với họ. Họ sống như thể trong địa ngục. Dải Gaza không phải là nơi để mọi người sinh sống, và lý do duy nhất khiến họ muốn quay trở lại, và tôi tin chắc điều này, là vì họ không có lựa chọn nào khác”. Tổng thống Mỹ cũng mô tả ông muốn thúc đẩy một kế hoạch tái thiết đặc biệt tại Dải Gaza để biến vùng đất này thành “Riviera của Trung Đông”, ám chỉ vùng bờ biển du lịch nổi tiếng tiếp giáp Địa Trung Hải của châu Âu.
Mỹ đang bảo trợ lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza. Lệnh ngừng bắn giai đoạn một bắt đầu từ ngày 19/1, kéo dài 6 tuần, đã giúp hạ nhiệt 15 tháng xung đột, vốn cướp đi sinh mạng của gần 47.000 người Palestine, làm bị thương hàng chục ngàn người khác và phá hủy gần như toàn bộ nhà cửa, hạ tầng ở Dải Gaza.
Trong giai đoạn ngừng bắn đầu tiên, Hamas và Israel đã bắt đầu trao đổi con tin bị giam giữ ở Dải Gaza lấy tù nhân người Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel. Hamas được cho là cũng đang tái thiết lập kiểm soát tại các khu vực mà Israel rút khỏi tại Dải Gaza. Theo Reuters, Hamas và Israel từ ngày 4/2 bắt đầu đàm phán về giai đoạn ngừng bắn thứ hai lâu dài hơn, mà theo đó sẽ mở đường để các bên khởi động tiến trình tái thiết vùng lãnh thổ.
Ông Trump chưa nêu cơ sở, cách thức và lộ trình để Mỹ có thể kiểm soát Dải Gaza. Giới chuyên gia mô tả đây là ý tưởng táo bạo nhất mà một Tổng thống Mỹ từng nêu về tình hình Trung Đông trong nhiều thập kỉ qua và có thể tác động đến các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel-Hamas; cũng như về tương lai Trung Đông.
Phát biểu tiếp lời ông Trump tại họp báo ở Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Netanyuahu ca ngợi Tổng thống Mỹ là “người bạn tuyệt vời nhất của Israel tại Nhà Trắng” và rằng, ông là người “nhìn thấy những thứ người khác không muốn thấy”, “nói những điều mà người khác không muốn nói”. Thủ tướng Netanyahu cũng đánh giá, những ý tưởng của Tổng thống Trump “sẽ định hình lại Trung Đông và mang lại hòa bình”.
Tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Trump lập tức vấp phải sự phản đối của Hamas và nhiều quốc gia. New York Times dẫn lời ông Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao của Hamas, khẳng định đề xuất di dời người Palestine khỏi Dải Gaza là “một công thức gây hỗn loạn và căng thẳng trong khu vực”. “Người dân của chúng tôi ở Gaza sẽ không cho phép những kế hoạch này xảy ra”, quan chức Hamas nói. “Điều cần thiết là chấm dứt sự chiếm đóng trái phép chứ không phải trục xuất người dân của chúng tôi khỏi vùng lãnh thổ của họ”.
Cùng ngày, đặc phái viên của chính quyền Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour kêu gọi lãnh đạo các nước “tôn trọng” mong muốn ở lại Dải Gaza của người Palestine. “Quê hương của chúng tôi sẽ luôn là quê hương. Và nếu một phần của nó bị phá hủy, người Palestine vẫn lựa chọn quay về đó”, ông nói.
Từ phía các nước Trung Đông, Ai Cập và Jordan đều bác bỏ ý tưởng tiếp nhận một lượng lớn người Palestine do các vấn đề phức tạp từ lịch sử, gánh nặng tài chính và khả năng xảy ra bất ổn. Arab Saudi, quốc gia có ảnh hưởng lớn với thế giới Arab, tuyên bố “phản đối mọi nỗ lực nhằm di dời người Palestine khỏi đất đai của họ” và cam kết không thiết lập quan hệ với Israel tới khi một nhà nước Palestine được thành lập. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cùng ngày tuyên bố, giải pháp trục xuất người Palestine khỏi Dải Gaza sẽ không được Ankara và toàn khu vực chấp thuận.
Trong khi đó, Anadolu dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến ngày 5/2 cũng khẳng định, Bắc Kinh “luôn tin rằng người Palestine quản lý Palestine là nguyên tắc cơ bản cho việc quản lý Dải Gaza sau chiến tranh”. “Chúng tôi phản đối việc cưỡng bức di dời và tái định cư người dân ở Dải Gaza”, ông Lâm Kiến phát biểu. Từ Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nêu rõ, Nga luôn kiên định với giải pháp hai nhà nước để giải quyết xung đột Israel-Palestine.