Truyền thông Trung Quốc: Tai nạn máy bay F-35 Mỹ cho thấy hiệu quả của lệnh cấm vận đất hiếm
Gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố đối với F-35, chiến đấu cơ tàng hình hiện đại và đắt tiền nhất của Mỹ. Truyền thông Trung Quốc cho rằng điều này có liên quan đến hiệu quả của biện pháp cấm vận đất hiếm của Trung Quốc đối với Mỹ.
![Máy bay F-35 hạ cánh thẳng đứng trên boong tàu. Ảnh: Opensky.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_309_51466979/64195af06bbe82e0dbaf.jpg)
Máy bay F-35 hạ cánh thẳng đứng trên boong tàu. Ảnh: Opensky.
Tai nạn thường xuyên, bóng đen dai dẳng phủ lên máy bay F-35
Ngày 28/1, một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ đã bị rơi do trục trặc trong quá trình huấn luyện tại Căn cứ Không quân Eielson ở Alaska. Mặc dù phi công đã phóng ra ngoài thành công và sống sót, sự cố này vẫn thu hút sự quan tâm rộng rãi và thảo luận sôi nổi trên toàn thế giới.
Trong những năm gần đây, các vụ tai nạn liên quan đến máy bay chiến đấu F-35 xảy ra thường xuyên, thực sự gây sốc. Vào tháng 5/2024, một chiếc F-35 của Mỹ đã bị rơi và bốc cháy gần Sân bay quốc tế Albuquerque ở bang New Mexico; vào tháng 9/2023, một máy bay chiến đấu F-35 của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã bị rơi gần North Charleston, South Carolina.
![Hình ảnh chiếc F-35 gặp nạn ở Alaska hôm 28/1. Ảnh: NetEasy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_309_51466979/10ad5144600a8954d01b.jpg)
Hình ảnh chiếc F-35 gặp nạn ở Alaska hôm 28/1. Ảnh: NetEasy.
Trước đó, tháng 3/2021, hai máy bay chiến đấu F-35A tại Căn cứ Không quân Misawa ở Nhật Bản đã phải hạ cánh khẩn cấp vì đèn cảnh báo bất thường trên máy bay bật sáng; vào tháng 5/2020, một chiếc F-35A đã bị rơi ở Florida khi bay đêm và phi công đã phóng ghế thoát hiểm thành công. Vụ tai nạn ở Alaska hôm 28/1 vừa qua một lần nữa làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của F-35.
Máy bay chiến đấu F-35 - nổi tiếng và đắt tiền
F-35 “Lightning II” là một máy bay phản lực chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm cực kỳ tham vọng của Mỹ do Công ty Lockheed Martin phát triển. Dựa trên công nghệ của máy bay phản lực chiến đấu F-22 “Raptor”, nó được thiết kế để trở thành một máy bay phản lực chiến đấu mọi thời tiết, đa chức năng để sử dụng cho nhiều nhiệm vụ. F-35 rất đắt, với đơn giá trung bình một chiếc là 82,5 triệu USD.
![Một chiếc F-35 bị bốc cháy và rơi. Ảnh: NetEasy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_309_51466979/9b15d8fce9b200ec59a3.jpg)
Một chiếc F-35 bị bốc cháy và rơi. Ảnh: NetEasy.
Theo tính toán vào tháng 5/2024, Dự án phát triển F-35 có thể tiêu tốn tới 2.000 tỷ USD. Với số tiền tương đương với GDP của cả nước Nga năm 2023, đây là dự án phát triển chiến đấu cơ tốn kém nhất lịch sử. So với ước tính từ năm 2018, dự toán chi phí cho F-35 đã tăng 44%. Lầu Năm Góc có kế hoạch chi tới 1.700 tỷ USD cho dự án, bao gồm mua 2.500 máy bay trong những thập kỷ tới. Khoản đầu tư lớn như vậy khiến F-35 trở thành dự án quốc phòng tốn kém nhất ở Mỹ.
Dự án F-35 của Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước phương Tây, bao gồm Vương quốc Anh, Italy, Hà Lan, Đan Mạch, Canada...F-35 có ba phiên bản: F-35A cất cánh và hạ cánh thông thường, F-35B cất cánh và hạ cánh thẳng đứng đường băng ngắn và F-35C cất hạ cánh trên hạm. Nó được coi là nút tiên tiến nhất của chiến tranh mạng thế kỷ 21 của quân đội Mỹ. Nó có khả năng chiến đấu đa mục đích trong các lĩnh vực chiến đấu, thu thập thông tin thông qua khả năng hợp nhất cảm biến và chia sẻ dữ liệu, đặt cơ sở cho phi công đưa ra quyết định nhanh chóng và giành chiến thắng trong các trận chiến.
![F-35 gặp sự cố ở Nhật. Ảnh: NetEasy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_309_51466979/8076c29ff3d11a8f43c0.jpg)
F-35 gặp sự cố ở Nhật. Ảnh: NetEasy.
Sự cố liên tiếp của F-35 là do lệnh cấm vận đất hiếm?
Vụ rơi máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ gần đây một lần nữa thu hút sự chú ý của toàn cầu vào những sai sót trong sản xuất và nghiên cứu thiết bị quân sự của họ.
Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có mức độ hiện đại hóa cao, F-35 dường như phải gánh vác quá nhiều kỳ vọng từ quân đội Mỹ và cũng bộc lộ nhiều vấn đề.
Trước hết, F-35 có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến nhất, công nghệ tàng hình và khả năng sử dụng đa mục đích. Tuy nhiên, hàm lượng công nghệ cao của nó cũng mang lại những vấn đề phức tạp tương ứng về thiết kế và chế tạo. Nếu một hệ thống nào đó có lỗi, toàn bộ máy bay chiến đấu có thể gặp vấn đề trong khi đang thực hiện nhiệm vụ.
![Lệnh cấm đất hiếm của Trung Quốc khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc bảo trì máy bay F-35. Ảnh: QQnews.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_309_51466979/128e576766298f77d638.jpg)
Lệnh cấm đất hiếm của Trung Quốc khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc bảo trì máy bay F-35. Ảnh: QQnews.
Cụ thể, hệ thống phần mềm của F-35 rõ ràng là một điểm yếu lớn. Nó có hàng triệu dòng mã. Cấu trúc phần mềm khổng lồ này không chỉ dễ bị tấn công mà còn có thể gây ra lỗi vận hành hoặc sự cố hệ thống do phải cập nhật liên tục.
Theo truyền thông Trung Quốc, do Mỹ liên tục khiêu khích, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu tài nguyên đất hiếm. Lầu Năm Góc bất lực và chuỗi sản xuất F-35 đã bị siết một “vòng kim cô”. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng căng thẳng, sự bất ổn của chuỗi cung ứng vật liệu này đã trở nên nổi bật hơn.
Các nguyên tố đất hiếm như Neodymium (Nd) và Dysprosi (Dy) là các nguyên liệu thô không thể thiếu để sản xuất nam châm hiệu suất cao, linh kiện điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác, được sử dụng rộng rãi trong động cơ máy bay, hệ thống dẫn đường tên lửa và các lĩnh vực khác.
Điều này trực tiếp dẫn đến một đợt tăng đột biến khác trong ngân sách cao ngất ngưởng của dự án F-35 của Mỹ. Sự eo hẹp về tài chính này có thể có tác động không thể đảo ngược đến chất lượng nghiên cứu, phát triển và bảo trì, từ đó dẫn đến các vụ tai nạn thường xuyên của loại máy bay chiến đấu át chủ bài của quân đội Mỹ.
Ngược lại, Trung Quốc đã có những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Kết quả là, khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang dần thu hẹp.
![Đất hiếm trở thành "vũ khí" chủ bài của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Mỹ. Ảnh: QQnews](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_309_51466979/d696927fa3314a6f1320.jpg)
Đất hiếm trở thành "vũ khí" chủ bài của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Mỹ. Ảnh: QQnews
Sự tự chủ, đổi mới của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ then chốt không chỉ nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của nước này mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Sự thay đổi này đã nâng cao tính tự chủ và có thể kiểm soát của của chuỗi công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để Trung Quốc có được nhiều biện pháp ứng phó hơn trên đấu trường quốc tế.
Đồng thời, với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thậm chí trên toàn thế giới, ưu thế truyền thống của Mỹ đang dần bị thách thức, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Trung Đông và các khu vực khác. Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ đang dần chuyển từ hậu trường ra sân khấu chính, và một trật tự quốc tế đa nguyên đang bắt đầu xuất hiện.
Trong quá trình này, Trung Quốc có thể lợi dụng tình hình hiện tại để kéo dài thời cơ chiến lược và giành thêm nhiều quyền chủ động hơn trong các vấn đề quốc tế thông qua các biện pháp như lệnh cấm đất hiếm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể lợi dụng ưu thế về tài nguyên để thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp liên quan và thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất cao cấp trong nước, không chỉ tăng cường sức mạnh kinh tế của nước này mà còn cung cấp động lực cho sự phát triển lâu dài.
Bài viết trên QQnews ngày 13/2 kết luận: Tóm lại, các vụ tai nạn máy bay F-35 của quân đội Mỹ phản ánh nhiều vấn đề trong nghiên cứu sản xuất thiết bị quân sự của nước này, và lệnh cấm đất hiếm của Trung Quốc ngày càng làm bộc lộ điểm yếu của Mỹ trong chuỗi cung ứng các vật liệu quan trọng.