Trùng Khánh – Miền cổ tích nơi biên ải phía Đông Bắc

Rừng non xanh mây núi điệp trùng, những rừng hoa lê trắng, đồi dẻ xanh bát ngát, những ngôi làng cổ cùng nếp nhà đậm dấu ấn thời gian, những cánh đồng đầy lúa vàng óng trĩu nặng như trong tranh bên dòng sông như dải lụa mềm.

Một vùng đất lộng lẫy vô cùng quyến rũ

Vừa có chuyến du lịch Cao Bằng vào dịp nghỉ lễ 1/5 vừa qua, gia đình chị Trần Thu Huyền ở Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội dường như vẫn chưa hết phấn khích sau chuyến du lịch đầu tiên đến với Trùng Khánh. “Quá tuyệt vời, phong cảnh ở đây đẹp như tranh, nơi nào cũng thấy đẹp, khiến mình có bộ ảnh rất ưng ý để khoe dần. Chồng thì thích khám phá động Ngườm Ngao còn ba đứa con thì cứ trầm trồ với những thác nước Bản Giốc cùng những món ăn đặc sản của bà con dân tộc. Chắc chắn mỗi năm nhà mình sẽ có chuyến du lịch đến Trùng Khánh để khám phá và trải nghiệm nét đẹp và bản sắc ở đây”, chị Huyền cười rất tươi, dường như vẫn chưa thoát ra được vùng đất cổ tích này.

Không chỉ gia đình chị Huyền mà có lẽ những ai đã đặt chân đến vùng đất này sẽ tột cùng yêu mến vùng đất tuyệt đẹp miền biên ải phía Đông Bắc của Tổ quốc. Đến Trùng Khánh vào mỗi mùa, du khách đều có thể chiêm ngưỡng khung cảnh rất riêng và vô cùng thơ mộng. Do đó, tuyệt tác thiên nhiên giữa đại ngàn biên viễn chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách lựa chọn khi đến với miền non nước Cao Bằng.

Huyện Trùng Khánh có diện tích gần 700km², cách TP Cao Bằng 58km và cách TP Hà Nội 310km về phía Tây Nam. Trùng Khánh có đến hai cửa khẩu quốc gia với nước bạn Trung Quốc là Trà Lĩnh và Pò Peo. Trùng Khánh được du khách trong nước và quốc tế biết đến với nhiều điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, đặc biệt là danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 134/QĐ-TTG ngày 17 tháng 8 năm 2007 và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch Thác Bản Giốc tại Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2017.

Thác Bản Giốc luôn thu hút du khách đến thăm quan trải nghiệm.

Thác Bản Giốc luôn thu hút du khách đến thăm quan trải nghiệm.

Trùng Khánh là nơi tọa lạc của Thác Bản Giốc – ngọn thác đẹp nhất Đông Nam Á. Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, cách trung tâm thành phố Trùng Khánh khoảng 20 km. Nằm trên đường biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới. Một nửa thác chính thuộc về Việt Nam và một nửa còn lại thuộc về Trung Quốc có tên Đức Thiên, còn thác phụ thì thuộc hoàn toàn về Việt Nam.

Là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới - Thác Bản Giốc Việt Nam luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hút hồn, sẽ đưa bạn đến với tuyệt tác của thiên nhiên giữa đất trời Cao Bằng.

Là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới - Thác Bản Giốc Việt Nam luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hút hồn, sẽ đưa bạn đến với tuyệt tác của thiên nhiên giữa đất trời Cao Bằng.

Khi đặt chân đến thác Bản Giốc, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh giữa núi rừng với những dải lụa trắng mềm mại tinh khôi giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, mờ ảo qua núi đá vôi, xuyên qua những cánh đồng lúa chín trĩu vàng thoảng hương dịu ngọt. Thác Bản Giốc được coi là nơi có cảnh sắc hùng vĩ, như tiên cảnh ở dòng Quây Sơn, Cao Bằng. Dòng thác không chỉ mang vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được đắm mình trong câu chuyện tình yêu đậm màu sắc huyền thoại của đôi trai gái miền sơn cước.

Du khách rất thích thú chụp hình lưu niệm với trang phục dân tộc H’Mông giữa phong cảnh thiên nhiên ở thác Bản Giốc.

Du khách rất thích thú chụp hình lưu niệm với trang phục dân tộc H’Mông giữa phong cảnh thiên nhiên ở thác Bản Giốc.

Đến thăm Thác Bản Giốc, du khách sẽ có dịp chiêm bái Chùa Phật Tích Trúc Lâm được khánh thành vào ngày 15/12/2014 và là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở mảnh đất biên cương phía bắc nước ta. Được xây dựng tựa vào núi Phia Nhằm, từ đây ta có thể nhìn ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc.

Hình ảnh dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy xuống thác Bản Giốc.

Hình ảnh dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy xuống thác Bản Giốc.

UBND tỉnh Cao Bằng đã có Dự thảo Kế hoạch tổng thể triển khai đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên vào vận hành thí điểm. Theo đó, phạm vi vận hành thí điểm khu cảnh quan tại phía Việt Nam: Trạm kiểm tra trên lối qua lại khu cảnh quan - khu vực chân thác - khách sạn Sài Gòn Bản Giốc - chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc - khu dịch vụ, ẩm thực; phía Trung Quốc: Trạm kiểm tra trên lối qua lại khu cảnh quan - điểm thác Đức Thiên - phố mua sắm - đường đi xe tham quan du lịch trong khu cảnh quan - đường đi bộ men theo cảnh quan ven sông trong khu cảnh quan.

Hồ Bản Viết có địa điểm ở xóm Bản Viết, Tân Phong, Xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh là một hồ nước ngọt luôn hấp dẫn du khách đến thăm.

Hồ Bản Viết có địa điểm ở xóm Bản Viết, Tân Phong, Xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh là một hồ nước ngọt luôn hấp dẫn du khách đến thăm.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, phương án vận hành thí điểm đã cơ bản thống nhất từ năm 2019, đến nay, tình hình thực địa có nhiều thay đổi, một số nội dung cần bổ sung, điều chỉnh để vận hành thí điểm khu du lịch, hai bên đang rà soát, thống nhất lại một số vấn đề cụ thể như: trao đổi với phía Trung Quốc tiến hành khảo sát thực địa hai bên, đánh giá công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, điều kiện đáp ứng của mỗi bên đối với việc vận hành thí điểm; vấn đề hoàn thiện thủ tục mở lối mở biên giới Bản Giốc - Đức Thiên…. Thời gian tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan hai bên và Lễ công bố mở lối mở Bản Giốc - Đức Thiên dự kiến trong tháng 10/2023. Du khách đến thăm Thác Bản Giốc sẽ có những trải nghiệm mới khi được ngắm trọn vẹn thác nước nổi tiếng này.

Hiện nay trên địa bàn huyện Trùng Khánh có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia gồmThác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao (xã Đàm Thủy); Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiên (1966-1978) (thị trấn Trùng Khánh) và Mắt thần núi (xã Cao Chương).

Rời Thác Bản Giốc, bạn đừng quên ghé thăm Động Ngườm Ngao huyền bí cũng ở xã Đàm Thủy. Được phát hiện năm 1921 và khai thác du lịch năm 1996, Ngườm Ngao là động lớn nhất miền Bắc, có chiều dài khoảng 2.114 km, được chia thành ba cửa chính. Ngay từ khi bước chân đến đây, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh đẹp được tạo nên bởi một khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng tuyệt đẹp để du khách thỏa sức khám phá.

Động Ngườm Ngao – nơi được coi như kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, luôn hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Động Ngườm Ngao – nơi được coi như kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, luôn hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Các bạn trẻ khi đến Trùng Khánh thì mê mẩn với danh lam thắng cảnh Mắt Thần núi độc đáo thuộc xóm Thăng Sặp, xã Cao Chương. Mắt Thần núi theo tiếng Tày là Phja Píot (nghĩa là núi thủng), trên núi có một lỗ thủng đường kính hơn 50 mét, xuyên từ mặt bên này sang mặt bên kia của ngọn núi. Theo các nhà khoa học, núi Mắt Thần thực chất là một hang khô, hang hóa thạch hình thành cách ngày nay hơn 300 triệu năm. Đây được coi là ngọn núi độc nhất vô nhị của Việt Nam. Nằm xen kẽ với những ngọn núi đá trập trùng là những đám mây lấp lửng, bầu trời xanh ngắt ôm trọn cả mảnh đất xinh đẹp, ngọn núi Mắt Thần nổi bật lên giữa khung cảnh nên thơ, bình yên như một thảo nguyên du mục.

Mỗi mùa, núi Mắt Thần có vẻ đẹp riêng, tuy nhiên đẹp nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Theo người dân nơi đây kể lại, vào thời gian này, du khách sẽ có cơ hội được chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, hồ nước Nặm Trá bị rút cạn nước trong vài giờ. Cảnh sắc thiên nhiên mở ra với thảm cỏ xanh bạt ngàn đầy thơ mộng.

Núi Mắt Thần hay còn được gọi là núi Thủng là một ngọn núi có hình dáng độc nhất vô nhị, nằm sâu trong khu vực núi rừng tại xóm Thăng Sặp, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh.

Núi Mắt Thần hay còn được gọi là núi Thủng là một ngọn núi có hình dáng độc nhất vô nhị, nằm sâu trong khu vực núi rừng tại xóm Thăng Sặp, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh.

Cũng như bao du khách khác, gia đình chị Trần Thu Huyền cũng mê mẩn không muốn rời ngôi làng đá cổ nổi tiếng Khuổi Kỵ có tuổi đời hơn 400 năm. Trên diện tích khoảng 1ha, làng có 14 căn nhà sàn cổ xây bằng đá có nét kiến trúc độc đáo. Nhà ở đây có thể chỉ có 1 tầng hoặc có thể có nhiều tầng gác bên trong với sàn được lát bằng ván gỗ, cột trụ và gác mái làm bằng cây gỗ trong rừng. Mái ngói âm dương mang dáng dấp cổ kính, xung quanh mở nhiều cửa sổ rộng. Trong nhà, cũng như đa phần nhà của người dân khác, là bàn thờ có những lá bùa theo truyền thống, bếp đun nấu, nơi chứa đựng nông sản sau thu hoạch và hạt giống cho các mùa sau được bảo quản bằng cách treo trên các thanh gỗ áp sát mái nhà.

Ngày nay, làng đá Khuổi Kỵ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách từ mọi miền. Cách đây 7 năm người dân làng đá đã tham gia mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Có những hộ gia đình tham gia đón khách lưu trú, các hộ không tham gia đón khách thì cung cấp các dịch vụ phụ trợ như cung cấp nông sản đặc sản địa phương, vận chuyển hành khách.

Trùng Khánh còn có rất nhiều phong cảnh đẹp như: sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, hồ Bản Viết, cảnh quan Phong Nặm, thác Phja Siểm, thác Cò Là, những cánh đồng lúa trĩu hạt ven sông Quây Sơn… và nhiều địa danh nổi tiếng khác. Vùng đất này còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể như: các làn điệu dân ca Dá Hai, Sli Giang, Hà Lều, Phong Slư, hát Then, hát Lượn…Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn bảo lưu nhiều lễ hội truyền thống đậm đã bản sắc văn hóa bà con các dân tộc như: Lễ hội Thác Bản Giốc, lễ hội đền Hoàng Lục (xã Đình Phong), lễ hội Co Sầu (thị trấn Trùng Khánh), lễ hội Cầu mùa (xã Trung Phúc), lễ hội Lồng tồng (xã Cao Chương, xã Tri Phương), lễ hội Thanh Minh (xã Quang Trung), Lễ hội Miếu Long Vương, xã Đoài Dương)... Hàng năm, các lễ hội này thu hút đông đảo du khách thập phương đến thưởng ngoạn cảnh đẹp, khám phá phong tục tập quán của bà con các dân tộc.

Phát triển du lịch bền vững là đích đến

Từ tiềm năng thế mạnh của địa phương, thời gian qua, Trùng Khánh đã tập trung đầu tư phát triển du lịch đúng với tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 01 tháng 03 năm 2021 về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó huyện xây dựng các giai đoạn cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi thu hút đầu tư du lịch đồng bộ; phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm giá trị văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường; đưa Trùng Khánh phát triển, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Lan’s Homestay đạt sản phẩm OCOP 4 sao là điểm đến của du khách khi đến Trùng Khánh để trải nghiệm, là mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.

Lan’s Homestay đạt sản phẩm OCOP 4 sao là điểm đến của du khách khi đến Trùng Khánh để trải nghiệm, là mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.

Theo đánh giá của ông Nông Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, nhìn chung, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tích cực, chủ động triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị, tạo được sự lan tỏa và đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, đến nay, hạ tầng du lịch được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao.

Ông Nông Văn Bộ cho biết thêm, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, huyện đã chỉ đạo, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học; chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, tập hợp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức hội thảo, gặp mặt, lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc hữu như: hạt dẻ, gạo nếp ong, nếp Pì Pất, tương mẹc cảng, vịt cỏ, thạch trắng mác púp, bánh khảo Thông Huề… Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường…

Khách du lịch thưởng thức đàn tính tại Lan’s Homestay, làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Khách du lịch thưởng thức đàn tính tại Lan’s Homestay, làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Ông Trần Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết: Chúng tôi đang định hướng cho bà con phát triển du lịch cộng đồng dân cư và có 15 homestay tập trung ở làng Khuổi Ky. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở homestay đạt sản phẩm OCOP 2-4 sao là Lan homestay, Yến Nhi homestay. Và lập các đội văn nghệ hát then, hát lượn, đàn tính, dân ca… phục vụ du khách. Tạo công ăn việc làm cho bà con. Để đảm bảo về vệ sinh môi trường, xã đã thực hiện công tác thu gom rác trong khu du lịch cũng như trong khu dân cư địa bàn xã Đàm Thủy, xử lý rác theo quy định. Hàng năm, Đàm Thủy phát động chương trình trồng cây xanh trong khuôn viên du lịch Thác Bản Giốc. Do lượng khách đến thăm quan khu du lịch thác Bản Giốc ngày càng đông, nhu cầu ăn uống của khách ngày càng lớn, chúng tôi luôn nêu cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng như các nhà hàng khách sạn trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trùng Khánh có 51 cơ sở lưu trú du lịch (nhà nghỉ, khách sạn, homestay) với trên 614 phòng nghỉ. Có rất nhiều mô hình lưu trú đã níu giữ du khách lưu luyến không muốn về khi đến xứ sở thần tiên này.

Có dịp nghỉ tại Lan's Homestay (làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy) anh James Smith - du khách đến từ Mỹ rất thích thú với mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng. Hiện tại, đây là homestay duy nhất của tỉnh đạt 4 sao OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn. Trong thời gian lưu trú tại Lan's Homestay, anh James Smith được hòa mình vào cuộc sống người dân tộc Nùng tại địa phương, mặc trang phục truyền thống, cùng bà con làm vườn, trồng lúa, cưỡi ngựa, chế biến các món ăn truyền thống như thịt gà, thịt lợn đen, xôi nếp nương, cá sông, rau rừng, bánh cuốn…

Chủ homestay là chị Hoàng Thị Lan, một người phụ nữ dân tộc Nùng sinh ra ngay tại làng Háng Thoang. Trước khi trở về quê hương mở homestay, chị Lan là phiên dịch viên. Chị tâm sự: càng đi nhiều nơi tôi càng nhận ra quê hương mình có những tiềm năng lớn về cảnh quan, văn hóa. Năm 2018, tôi quyết định rời thành phố, trở về quê để cùng bà con làm du lịch. Tôi mở homestay với mong muốn góp sức bảo vệ văn hóa truyền thống và giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Nhất là tạo điều kiện cho bà con giao thoa văn hóa, nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức về cách thức làm du lịch

Trên mảnh đất 4000m2 của gia đình và người thân, chị Lan cải tạo, xây dựng hai dãy nhà sàn truyền thống, một nhà đá cổ có thể đón 70 khách/ngày. Phía trước nhà là dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy qua, xung quanh là ruộng, vườn, núi đồi tạo nên vẻ đẹp hữu tình. Cơ sở homestay của chị Lan đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa.. Bên cạnh đó, chị cùng bà con địa phương kết hợp trồng lạc, ngô, gạo… hữu cơ và hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Chị Lan cũng phối hợp chính quyền xã, huyện tổ chức các buổi hướng dẫn, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, học ngoại ngữ để đưa du khách trải nghiệm leo núi, đi thuyền trên sông…

Khách nước ngoài giao lưu văn hóa với người dân bản tại Lan’s Homestay, làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Khách nước ngoài giao lưu văn hóa với người dân bản tại Lan’s Homestay, làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Để phát triển du lịch bền vững, Trùng Khánh còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức. Ông Nông Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Thời gian tới, huyện chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với những lợi thế của huyện và gần với các thị trường lớn, liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; tăng cường đầu tư trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sủ văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, các cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện; xây dựng cơ chế ưu đãi, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch.

Huyện Trùng Khánh phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thương mại dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượt khách quốc tế chiếm 20%; Tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch để phát huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững.

Phương Loan

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/trung-khanh-mien-co-tich-noi-bien-ai-phia-dong-bac-77818.html