Trùng Khánh: Phát huy thế mạnh kinh tế biên mậu và du lịch
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vừa qua, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sáp nhập huyện Trà Lĩnh và Trùng Khánh thành huyện Trùng Khánh mới. Những bước đi, định hướng phát triển kinh tế của Trùng Khánh trong thời gian tới nhận được sự quan tâm từ nhiều phía…
Như nhiều địa phương khác, thời gian này, huyện Trùng Khánh đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX. Không chỉ là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh lần thứ XX còn nhận được sự quan tâm của người dân, chính quyền các cấp...
Đồng chí Phạm Văn Cao – Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh chia sẻ: Hiện Trùng Khánh có diện tích trên 688 km2 với 21 đơn vị hành chính cấp xã. Những năm qua, trên địa bàn, kinh tế phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; phát triển dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, kinh tế biên mậu được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trước hết là mảng sản xuất nông lâm nghiệp, thời gian qua, địa phương đẩy mạnh phát triển cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa như: Cây dẻ có gần 300 héc-ta, trong đó diện tích cho khai thác khoảng 200 héc-ta, giá trị đạt trên 15 tỷ đồng/năm; cây cam, quýt diện tích 161 héc-ta, chanh leo 97 héc-ta, cây dâu tằm 34 héc-ta… Cùng với đó, phát triển mô hình trang trại, gia trại ở nhiều địa phương. Mở rộng thêm một số mô hình sản xuất có giá trị cao gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm như: cây lạc, cây kiệu, cây chanh leo… từ đó đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Sau khi sáp nhập hai địa phương, có thể nói, huyện Trùng Khánh mới nhìn thấy rõ 2 lĩnh vực thế mạnh giúp địa phương tạo đột phát trong phát triển kinh tế. Trước hết là du lịch, với khu du lịch thác Bản Giốc, hang động, hồ, thác nước, cùng bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc… là điều kiện tốt để Trùng Khánh đẩy mạnh phát triển du lịch. Với sự quan tâm đầu tư của địa phương, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… ngày càng tăng, bình quân đạt 313.700 lượt khách/năm.
Thế mạnh tiếp đến của Trùng Khánh là kinh tế biên mậu, trên địa bàn có cửa khẩu Trà Lĩnh và cửa khẩu Pò Peo, những năm qua được quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng. Đặc biệt, với cửa khẩu Trà Lĩnh được xác định là khu kinh tế trọng điểm và được đầu tư xây dựng lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trong những năm vừa qua. Sau khi sáp nhập, khu hành chính của huyện sẽ tập trung chính tại trung tâm huyện Trùng Khánh, khu vực thị trấn và cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ tập trung cho phát triển thương mại, kinh tế cửa khẩu...
“Đến thời điểm hiện tại, việc sáp nhập của Trùng Khánh đã cơ bản hoàn thành. Khó khăn lớn nhất là bố trí sắp xếp cán bộ các ban, ngành, phòng ban, ổn định tư tưởng và chăm lo nơi ở, sinh hoạt cho những cán bộ chuyển đến nơi làm, trụ sở mới… được lãnh đạo, thường vụ huyện quan tâm, bàn bạc, tạo điều kiện và chỉ đạo thường xuyên nên bộ máy đã đi vào guồng, hoạt động ổn định” – Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Cao chia sẻ.
Nói về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX của huyện sắp tới, Bí thư Phạm Văn Cao cho biết, địa phương đang tích cực triển khai và tiến hành đại hội tại các chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Đảng bộ huyện Trùng Khánh hiện có 53 chi bộ, đảng bộ trực thuộc, 28 chi bộ trực thuộc huyện ủy, 286 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 6.068 đảng viên... Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới của Đảng bộ huyện Trùng Khánh là xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; phát huy mạnh mẽ nội lực, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, quyết tâm tạo đột phá; phát huy tốt đa tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để xây dựng huyện Trùng Khánh phát triển nhanh và bền vững.