Trùng Khánh phát triển du lịch từ nguồn vốn vay ưu đãi

Không những đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vốn tín dụng chính sách xã hội còn tích cực đóng góp thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Trong đó có huyện Trùng Khánh đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trùng Khánh là địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, hồ Bản Viết, sông Quây Sơn…, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo. Những năm qua, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở. Chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; thu hút doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp. Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu như: hạt dẻ, gạo nếp Ong, nếp Pì Pất, tương mẹc cảng, vịt cỏ, thạch trắng mác púp, bánh khảo... Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực và bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện có 1 làng du lịch cộng đồng, 22 dịch vụ lưu trú homestay, 13 khách sạn, 19 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 923.339 lượt, vượt 84,6% kế hoạch.

Bám sát chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tích cực tham mưu Ban đại diện Hội đồng Quản trị chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác triển khai hiệu quả các chương trình cho vay, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua các mô hình dịch vụ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch; phát triển các dịch vụ tiện ích gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; thu hút nguồn lao động nông thôn vào làm việc tại dịch vụ du lịch. Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội toàn huyện đạt hơn 558 tỷ đồng. Doanh số cho vay từ đầu năm 2024 đến nay đạt trên 116,3 tỷ đồng với 1.543 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ cho vay 15 chương trình tín dụng đạt 556,4 tỷ đồng.

Nhiều hộ gia đình tại huyện Trùng Khánh xây dựng mô hình homestay tạo không gian tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức các sự kiện.

Nhiều hộ gia đình tại huyện Trùng Khánh xây dựng mô hình homestay tạo không gian tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức các sự kiện.

Nắm bắt nhanh xu hướng phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá nét văn hóa độc đáo của dân tộc, cơ sở Lan’s Homestay, xã Đàm Thủy hiện có 12 phòng lưu trú với đủ các loại hình dịch vụ. Trung bình cơ sở thu hút khoảng 300 lượt khách/tháng, trong đó, khách nước ngoài chiếm 90%. Vào những ngày lễ, dịp cuối tuần, homestay luôn kín phòng, chất lượng phục vụ đảm bảo, dịch vụ thân thiện. Chị Hoàng Thị Lan, chủ cơ sở Lan’s Homestay cho biết: Cùng với số tiền tích lũy của bản thân và nguồn vốn vay Chương trình giải quyết việc làm 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ sở đầu tư mở rộng một số dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho đội ngũ nhân viên; liên kết với các hộ dân sản xuất các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách. Ngoài ra, cơ sở liên kết tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm, khám phá nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc sắc của địa phương.

Để tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho người lao động, cơ sở Lan Rừng Homestay, xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy sớm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hơn 200 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm đầu tư dịch vụ du lịch kết nối, tổ chức các tour dẫn khách tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng; quan tâm cải tạo cảnh quan, chung tay bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ quà tặng; tổ chức các sự kiện… Chị Hoàng Thị Khánh, quản lý Lan Rừng Homestay cho biết: Đến nay, homestay phát triển với quy mô 9 phòng lưu trú, không gian thoáng mát, gần gũi với với thiên nhiên. Lượng khách ổn định, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Trừ chi phí, cơ sở đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm.

Để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng, huyện tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư cơ sở lưu trú với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú đa dạng. Đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, kêu gọi thu hút đầu tư du lịch đồng bộ; phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm giá trị văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường. Tiếp tục khai thác hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025 đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 20% lượt khách quốc tế, 80% lượt khách nội địa; đưa thương mại - dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế.

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trung-khanh-phat-trien-du-lich-tu-nguon-von-vay-uu-dai-3170859.html