Trùng Khánh tập trung thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh
Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh xây dựng và phát triển cây dẻ huyện Trùng Khánh với quy mô 1.000 ha, trong đó trồng mới 900 ha, gồm các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Phong Châu, Đàm Thủy, Ngọc Khê và thị trấn Trùng Khánh; cải tạo, trồng thay thế 100 ha dẻ hiện có; sử dụng 70% cây giống nhân bằng phương pháp ghép, 30% cây giống được nhân bằng hạt.
Huyện Trùng Khánh nổi tiếng với đặc sản hạt dẻ, một sản phẩm nông nghiệp đặc thù không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn gắn bó với đời sống văn hóa, lịch sử của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước áp lực của thị trường, biến đổi khí hậu và những hạn chế về kỹ thuật canh tác, việc phát triển bền vững cây dẻ đòi hỏi phải có sự đồng hành của khoa học công nghệ (KHCN). Giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, kỹ thuật ứng dụng KHCN đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, hiệu quả kinh tế cao cho sản phẩm hạt dẻ. Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến, huyện phấn đấu đến năm 2030 trồng mới 500 ha cây dẻ, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 trồng 300 ha, đến năm 2030 trồng thêm 200 ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây dẻ còn nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, những năm qua, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai cung ứng giống, phân bón đầy đủ, kịp thời, tập huấn cho các hộ dân tham gia vùng trồng về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng cây lâu năm có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các cây trồng có sản phẩm giá cả cao hơn, được nhiều hộ dân hưởng ứng tham gia. Từ đó, diện tích trồng cây dẻ hằng năm tăng lên, năm 2021 toàn huyện có 60 ha cây dẻ, đến năm 2024, mở rộng diện tích trồng dẻ trong vùng sản xuất tập trung tại các xã, tăng diện tích trồng lên trên 770 ha. Sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 160 tấn hạt/năm, chủ yếu do người dân tự bán tại các chợ phiên của huyện, giá bán trung bình từ 100 - 150 nghìn đồng/kg, tạo nguồn thu nhập đáng kể giúp giảm nghèo tại địa phương.
![Chị Hoàng Bích Loan, Giám đốc Hợp tác xã Bích Loan chăm sóc cây dẻ giống.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_619_51463289/f77848e578ab91f5c8ba.jpg)
Chị Hoàng Bích Loan, Giám đốc Hợp tác xã Bích Loan chăm sóc cây dẻ giống.
Chị Hoàng Bích Loan, Giám đốc Hợp tác xã Bích Loan, xã Lăng Hiếu cho biết: Nếu ươm giống bằng hạt thì gần 2 năm sau mới có thể đem trồng, hơn nữa cách ươm giống bằng hạt tỷ lệ mọc không cao, lại có nhược điểm cây ít sai quả hoặc tỷ lệ sai không đều, đòi hỏi phải chăm sóc tốt, mức đầu tư khá lớn mới cho thu hoạch. Nhận thấy kỹ thuật ghép giống vừa tốn ít thời gian sinh trưởng vừa cho cây bói quả nhiều hơn cây ươm hạt, tôi thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất giống cây ăn quả, trong đó ứng dụng thành công ghép giống cây dẻ với tỷ lệ mọc trên 90%. Theo đánh giá của người sản xuất, tuy giống dẻ ghép cho vòng đời ngắn hơn so với giống ươm, nhưng hạt to hơn dẻ thông thường, có vị bùi và ngon hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, hợp tác xã cung cấp giống cho người dân trên địa bàn huyện 13.000 cây dẻ ghép và 7.000 cây dẻ thực sinh (ươm từ hạt).
Trước đây, gia đình hội viên nông dân Nông Văn Chu, xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2020, gia đình anh Chu chuyển đổi một số diện tích trồng ngô năng suất thấp và đất đồi sang trồng cây dẻ. Trong quá trình trồng dẻ, anh Chu tham gia các lớp tập huấn ứng dụng KHCN vào sản xuất nên vườn dẻ được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại, cắt tỉa cành, tạo tán giúp cây mọc không quá cao để thuận tiện cho thu hoạch. Đến nay, gia đình anh có trên 2 ha cây dẻ, trong đó hơn 1 ha đã cho thu hoạch. Với giá bán từ 100 - 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 150 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định và vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, anh luôn chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên trong xóm phát triển kinh tế, cùng nhau nâng cao thu nhập.
Để sản phẩm hạt dẻ của huyện đáp ứng nguồn cung cấp cho thị trường, phục vụ khách du lịch thập phương ngày càng tốt hơn, huyện khuyến khích người dân quan tâm chăm sóc và mở rộng diện tích cây dẻ; tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo các vườn già cỗi, nhân ghép giống theo phương pháp mới để cây cho quả sớm, sai quả. Chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, bảo quản sản phẩm cho người dân để có sản phẩm chất lượng tốt nhất bán ra thị trường. Đây là cây trồng mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo sản phẩm đặc hữu gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Năm 2025, huyện tiếp tục rà soát diện tích đất phù hợp, tăng diện tích cây trồng đột phá, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất để tạo đột phá về năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất cây dẻ với quy mô lên tới 1.000 ha, phát triển vùng trồng dẻ theo hướng bền vững và hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung và huyện Trùng Khánh nói riêng.