Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những ý kiến đóng góp bước đầu là rất xác đáng, theo đó đề nghị đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo và chính thức trình Hội đồng trong phiên họp tới.

Chiều 12/02/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long; các Thành viên Hội đồng thẩm định; Lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị liên quan.

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã xác định mục tiêu phấn đấu của nước ta trong năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất là 8% và phấn đấu ở mức hai con số, trong những năm tiếp theo, phải đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, như vậy, đến năm 2030 mới có thể đạt được các mục tiêu mà đất nước đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nêu trên, tăng trưởng về năng lượng nói chung, đặc biệt là điện năng thì phải đạt hệ số từ 1,4 - 1,5 lần. Mặt khác, nước ta cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế là đạt trung hòa các-bon vào năm 2050. Theo đó, từ nay đến 2030, chúng ta phải tăng gấp 2,5 - 3 lần quy mô về điện năng, đến năm 2050 phải đạt quy mô gấp 5 - 7 lần tổng công suất toàn hệ thống hiện có.

Như vậy là vừa tăng rất nhanh về quy mô nhưng đồng thời cũng phải thay đổi rất mạnh về cơ cấu. Theo đó, phải giảm đến mức tối đa những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch và phải tăng tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo bao gồm: điện gió, điện mặt trời,… và phát triển các nguồn điện mới, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch bao gồm: điện khí,… đặc biệt là điện hạt nhân để đảm bảo nguồn điện nền, điện sạch và góp một phần vào cơ cấu các loại hình nguồn điện của nước ta cũng như đảm bảo trung hòa các-bon vào năm 2050, vì vậy rất cần phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII”, Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là rất cần thiết

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là rất cần thiết

Quy hoạch điện VIII mới được công bố vào năm 2023, tuy nhiên, năm 2025 vừa đúng vào chu kỳ điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, vừa cần thiết phải điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu về tăng trưởng kinh tế của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo phải phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo bao gồm cả điện gió, điện mặt trời; phát triển hợp lý các nguồn điện nền, đặc biệt là các nguồn năng lượng mới như khí tự nhiên, khí hóa lỏng và các nguồn năng lượng sạch, cụ thể là điện hạt nhân; đồng thời, phải đạt mục tiêu cân đối giữa các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải nhằm đạt 03 mục tiêu cơ bản: (i) đáp ứng được nhu cầu phụ tải trong nước theo vùng miền; (ii) đáp ứng nhu cầu mua bán điện trực tiếp; và (iii) đáp ứng nhu cầu xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong năm 2024, cùng với chỉ đạo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Quốc hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và chúng ta cũng đã hoàn thành việc sửa đổi Luật Điện lực. Cùng với đó, Chính phủ đã và đang khẩn trương hoàn tất các nghị định, quy định chi tiết để thực hiện Luật Điện lực 2024. Theo đó, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành liên quan đang gấp rút hoàn thiện các thông tư để hướng dẫn luật, hướng dẫn nghị định. Các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Điện lực 2024 sắp được công bố tới đây, cùng với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và từng bước đạt được mục tiêu trung hòa các-bon.

Thành viên Hội đồng Thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phát biểu tại cuộc họp

Thành viên Hội đồng Thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên trong Hội đồng Thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã có những ý kiến đóng góp để đơn vị tư vấn cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện và chính thức thảo luận tại một phiên họp gần nhất của Hội đồng thẩm định và kịp thời trình Chính phủ thông qua trước ngày 28/2/2025.

Nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Kết luận tại cuộc họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đồng thời thay mặt thường trực Hội đồng Thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn đến các thành viên Hội đồng Thẩm định, đặc biệt các thành viên trong ban phản biện của đề án đã đến dự và có những ý kiến phát biểu bước đầu rất xác đáng.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo và chính thức trình Hội đồng trong phiên họp tới.

Trong đó, về dự báo tăng trưởng, phải đặt ra 3 kịch bản: (i) kịch bản cơ sở; (ii) kịch bản cao; và (iii) kịch bản cực đoan theo đúng khái niệm trong lĩnh vực điện.

Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị theo biểu đồ tăng trưởng GDP những năm tới đây, phải điều chỉnh các kịch bản cơ sở từ 45-50%; kịch bản cao từ 60-65%; và kịch bản cực đoan từ 70-75% so với Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các phản biện cần phải thay đổi tư duy về phát triển điện cũng như tư duy về phát triển kinh tế.

Về nguồn, Bộ trưởng nhấn mạnh, thống nhất phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo nhưng vẫn phải tính toán rõ tiềm năng, lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.

Về thủy điện và thủy điện tích năng. Bộ trưởng cho biết, trên tinh thần khai thác triệt để tối đa nguồn này vì đây vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền, tuy nhiên cũng phải tính toán để không ảnh hưởng đến môi trường.

Về điện sinh khối bao gồm cả điện rác và điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý tiêu chí 15 MW/triệu dân như những nước phát triển. Theo đó, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt cần phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới, điện khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề sống còn, phải hạ quyết tâm, bởi nếu không đạt được mục tiêu vào 2030 - 2031 có điện hạt nhân, thì chúng ta sẽ rất thiếu điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp và điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và chính thức trình Hội đồng trong phiên họp tới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp và điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và chính thức trình Hội đồng trong phiên họp tới

Về truyền tải, Bộ trưởng nhấn mạnh, dứt khoát đề cập trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh.

"Nếu không có lưới điện thông minh thì không thể tải nổi, không thể huy động được năng lượng tái tạo, kể cả tập trung lẫn mặt trời áp mái, mua bán trực tiếp cho đến thực hiện mua bán qua EVN. Vì vậy, lưới điện thông minh phải được triển khai, áp dụng rộng rãi, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ lẫn ngầm dưới nước, dưới đáy đại dương." - Bộ trưởng đề nghị.

Về giải pháp, Bộ trưởng khẳng định, dứt khoát phải tiến tới thị trường điện cạnh tranh theo 3 cấp độ: (i) phát điện cạnh tranh; (ii) bán buôn điện cạnh tranh; và (iii) bán lẻ điện cạnh tranh; có giá điện theo hai thành phần cả giá mua và giá bán và xác định khung giá theo giờ, xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng.

"Phải khẩn trương tách bạch được giá truyền tải ra khỏi giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải. Có như vậy chúng ta mới có thể huy động xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền, từ đó chúng ta mới thực hiện được mua bán điện trực tiếp." - Bộ trưởng nêu, đồng thời đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương đề xuất khung giá điện, đặc biệt phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn cùng đơn vị chủ trì soạn thảo, cơ quan thường trực khẩn trương lấy đủ ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định cũng như các thành viên phản biện để tiếp tục hoàn thiện và trình lên Chính phủ trong những ngày tới đây.

Huyền My - Tiến Thành

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien--nghiem-tuc-tiep-thu--hoan-thien-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-133123.htm