Trung Quốc: 5 hay 10 mắt đều phải đối mặt thực tế Hong Kong
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cảnh báo các nước thuộc nhóm 'Ngũ Nhãn' về nguy cơ bị 'chọc mù mắt' nếu xâm hại chủ quyền Trung Quốc.
Trung Quốc hôm 19-11 đã bác bỏ cuộc công kích mới nhất của Mỹ và một số đồng minh nhằm vào chính sách đối với Hong Kong của Bắc Kinh, khẳng định họ “nên đối mặt thực tế” rằng thuộc địa cũ của Anh đã được trả lại cho Trung Quốc.
Theo đài Channel News Asia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra phát biểu trên nhằm đáp trả tuyên bố về Hong Kong của Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand - nhóm nước hình thành liên minh có tên gọi Ngũ Nhãn.
“Bất kể họ có 5 mắt hay 10 mắt, nếu họ dám xâm hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, họ nên đề phòng bị chọc mù mắt” - ông Triệu nói tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh.
Các ngoại trưởng của nhóm Ngũ Nhãn nói rằng một nghị quyết mới của chính phủ Trung Quốc dẫn đến việc bãi nhiệm bốn nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong có vẻ là “một phần của chiến dịch phối hợp nhằm làm im lặng mọi tiếng nói chỉ trích”.
Tuyên bố chung gọi nghị quyết trên là sự vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc cũng như cam kết của Bắc Kinh trao cho Hong Kong quyền tự chủ và tự do ngôn luận ở mức cao.
Hong Kong, thành phố có 7,5 triệu dân, được cam kết có quyền tự chủ về các vấn đề địa phương trong 50 năm sau khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997.
Ông Triệu cho biết Hong Kong là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc, và rằng các quan chức công quyền phải “trung thành với Tổ quốc”, nhấn mạnh đó là “đạo đức chính trị cơ bản ở mọi quốc gia trên thế giới”.
Bốn nghị sĩ bị bãi nhiệm trước đó đã bị cấm tham gia tái tranh cử do họ kêu gọi các chính phủ nước ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc và Hong Kong. Họ vẫn tại vị vì cuộc bầu cử bị hoãn một năm.
Anh hiện coi Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung ba lần, gồm cả khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong hồi tháng 6. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam và quan chức Trung Quốc đại lục được cho là có liên quan đến luật an ninh, đồng thời cảnh báo về các bước tiếp theo.
Ba cựu nghị sĩ ủng hộ dân chủ khác đã ra hầu tòa ở Hong Kong hôm 19-11, một ngày sau khi họ bị bắt vì gây rối cơ quan lập pháp trong cuộc tranh luận về dự luật quốc ca hồi đầu năm nay.
Ba cựu nghị sĩ đã nhận được sự hậu thuẫn của những người ủng hộ hô vang khẩu hiệu bên ngoài Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long.
Ông Eddie Chu, một trong ba cựu nghị sĩ, cho biết ông đang phải đối mặt với khả năng bị truy tố vì hành động cố gắng ngăn cản việc thông qua sắc lệnh về quốc ca. Luật Hong Kong hình sự hóa hành vi xúc phạm và lăng mạ quốc ca Trung Quốc.