Trung Quốc bác cáo buộc ủng hộ đảo chính ở Myanmar

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua bác bỏ gợi ý cho rằng nước này ủng hộ hoặc ngầm đồng tình với cuộc đảo chính quân sự ở láng giềng Myanmar.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ở Bắc Kinh năm 2019 ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ở Bắc Kinh năm 2019 ảnh: AP

“Những đồn đại liên quan là không đúng sự thật. Là quốc gia láng giềng hữu nghị của Myanmar, chúng tôi mong tất cả các bên ở Myanmar có thể giải quyết khác biệt một cách phù hợp, đồng thời duy trì ổn định chính trị và xã hội”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường ngày.

Cuộc đảo chính xảy ra chỉ 3 tuần sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Myanmar, trong đó có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo quân đội. Chuyến thăm được đánh giá là để bày tỏ ủng hộ đối với chiến thắng của đảng do bà Suu Kyi đứng đầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 và cũng để thúc đẩy các dự án mà Trung Quốc đầu tư vào quốc gia này. Nhưng một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể đã bí mật gật đầu với các tướng quân đội Myanmar.

Trước khi xảy ra cuộc đảo chính, quan hệ của Myanmar với Trung Quốc vốn đã phức tạp vì các dự án đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng Myanmar cũng như các chiến dịch của quân đội ở dọc biên giới chung giữa hai nước.

Trong những năm qua, bà Suu Kyi xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh sau khi bảo vệ quân đội trước những chỉ trích về chiến dịch nhằm vào cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Điều đó có thể càng khiến lãnh đạo quân đội Myanmar bất an, đặc biệt sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa qua.

“Lúc nào cũng có rủi ro quân đội sẽ nhảy vào và củng cố quyền lực. Sự bất an của họ càng tăng khi bà Suu Kyi củng cố quyền lực trong nước và làm sâu sắc quan hệ với các nước như Trung Quốc”, AP dẫn đánh giá của bà Champa Patel, giám đốc chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại viện nghiên cứu Chatham House ở London.

Nhưng dù cuộc đảo chính có thể khiến các lãnh đạo Myanmar phụ thuộc nhiều hơn vào ủng hộ của Trung Quốc với tư cách nhà cung cấp hầu hết các loại vũ khí và nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất, nhà nghiên cứu Zhao Gancheng tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng diễn biến vừa qua ở Myanmar là sự gián đoạn không mong muốn.

“Khi hai nước là láng giềng, tôi không thấy điều gì tốt cho Trung Quốc, khi tất cả những dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc ở đó cần môi trường ổn định. Trung Quốc quan ngại về diễn biến này”, ông Zhao nói.

Giới quan sát cho rằng ngay cả khi Trung Quốc không đóng vai trò nào trong chiến dịch lật đổ bà Suu Kyi, nước này vẫn có thể tạo được ảnh hưởng lớn hơn ở nước láng giềng. Điều đó càng dễ dàng khi Mỹ và các chính phủ phương Tây áp các biện pháp trừng phạt chính quyền quân sự.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-bac-cao-buoc-ung-ho-dao-chinh-o-myanmar-1788935.tpo