Trung Quốc bán tên lửa cho Hải quân Venezuela để đổi lấy thứ gì?
Một câu hỏi được đặt ra là: Venezuela làm thế nào để chi trả cho các tên lửa mua từ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của họ vẫn đang tiếp diễn?
Trung Quốc cung cấp tên lửa cho Venezuela?
Theo nhà phân tích Peter Suciu trên tạp chí National Interest, Hải quân Venezuela không phải là mối lo ngại hàng đầu đối với Lầu Năm Góc nhưng nếu thông tin mới đây là đúng thì Hải quân Venezuela sẽ được trang bị một số loại vũ khí rất mạnh, có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực.
Tháng trước, chính phủ Venezuela, dưới sự cầm quyền của Tổng thống Nicolás Maduro, đã công bố các đoạn video tuyên truyền cho thấy tàu chiến của nước này được trang bị tên lửa chống hạm C-802A do Trung Quốc sản xuất. Đây là tên lửa có thể tấn công tàu thuyền của đối phương từ cự ly trên 100 hải lý.
C-802A được cho là bản sao của tên lửa Harpoon do Mỹ chế tạo. Hải quân Venezuela lần đầu tiên thông báo về kế hoạch mua các tên lửa C-802A vào hôm 25/9 trong dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Bộ Chỉ huy Chiến lược của Venezuela.
Tổng thống Maduro cũng cho biết Venezuela đang có kế hoạch tự sản xuất vũ khí và tuyên bố thành lập một hệ thống khoa học và quân sự đặc biệt để phục mục đích này.
Hiện Venezuela đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế khiến họ không thể mua vũ khí do phương Tây sản xuất. Do đó, ngoài Nga, Venezuela dường như đã tìm tới Trung Quốc và Iran trong bối cảnh nước này đang muốn hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Moscow đang là nhà cung cấp chủ lực cho Venezuela các loại vũ khí và công nghệ quân sự, trong khi Bắc Kinh là một trong những quốc gia nhập khẩu lớn nhất dầu thô của Venezuela. Theo ông Suciu, có vẻ Trung Quốc đang giúp Venezuela hiện đại hóa lực lượng.
Caracas và Tehran cũng đã thiết lập mối quan hệ thân mật, trong đó có quan hệ hợp tác song phương thông qua các thỏa thuận thương mại. Iran còn là nhà cung cấp lớn các loại vũ khí- trong đó có nhiều loại tên lửa – cho Venezuela.
Tuy nhiên, Venezuela hiện đang nỗ lực để thiết lập ngành công nghiệp vũ khí nội địa của riêng mình.
"Chúng tôi có mọi thứ chúng tôi cần để tạo ra hệ thống vũ khí của riêng mình, trong khi vẫn duy trì hợp tác với Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran và toàn thế giới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp nhận từ họ những sự hỗ trợ về khoa học, công nghệ, một số yếu tố liên quan tới vũ khí, và tất nhiên là cả những sự trợ giúp mang tính chiến lược, nhưng chúng tôi cần tiến tới mục tiêu độc lập" – Ông Maduro phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Cảnh quay "gây lú"
Một phân đoạn đáng nói trong các video tuyên truyền được Venezuela công bố hồi tháng trước là cảnh bắn thử nghiệm tên lửa C-802A. Mặc dù cảnh quay này nằm trong số các video được chia sẻ trên tài khoản Twitter chính thức của ông Maduro nhưng đáng chú ý là nó không cho thấy rõ ràng bất cứ tàu chiến nào của Venezuela.
Thay vào đó, theo ông Suciu, dường như đây là cảnh phóng tên lửa từ khinh hạm HTMS Karaburi của Hải quân Thái Lan và được cắt từ một đoạn video đăng trên You Tube từ tháng 4/2019.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, điều này không hẳn có nghĩa Trung Quốc chưa cung cấp hệ thống tên lửa cho Venezuela.
Ngoài ra, đây cũng không phải là lần đầu tiên Venezuela và hải quân nước này công bố những hình ảnh/video sai lệch với thực tế. Một đoạn video tuyên truyền công bố hồi tháng trước đã cho thấy sự xuất hiện của tàu ngầm Type 209, thế nhưng trên thực tế con tàu đã không ra biển trong nhiều năm liền.
Ông Suciu cho rằng khả năng cao là Bắc Kinh có thể đã cung cấp tên lửa cho Venezuela nhưng hệ thống này có vẻ không kịp lắp đặt đúng dịp kỷ niệm 25/9 nên cảnh quay của Thái Lan đã được dùng để thay thế.
Chưa rõ đích xác tàu chiến nào của Venezuela sẽ được trang bị tên lửa C-802A nhưng theo vị chuyên gia, khả năng cao sẽ là các tàu tuần tra lớp Guaiquerí được đóng tại Tây Ban Nha.
Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là: Venezuela làm thế nào để chi trả cho các tên lửa mua từ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của họ vẫn đang tiếp diễn?
Theo ông Suciu, miễn là Bắc Kinh vẫn cần dầu thô – thứ mà Venezuela đang có rất nhiều – thì những khí tài quân sự như tên lửa C-802A vẫn sẽ tiếp tục được đưa tới quốc gia Nam Mỹ này.