Trung Quốc bất ngờ mở cửa lĩnh vực y tế, sản xuất cho nước ngoài sở hữu

Trung Quốc sẽ cho phép thành lập các bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài tại một số thành phố lớn, đồng thời cho phép các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ tế bào gốc và liệu pháp gen tại các khu thương mại tự do thí điểm. Đây là một phần trong nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại trở lại và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo thông tư liên ngành của Bộ Thương mại, Ủy ban Y tế Quốc gia và Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc vừa được ban hành ngày 8/9, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép điều hành bệnh viện tại các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến và tỉnh đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, thông tư cũng nêu rõ rằng các nhà đầu tư không được mua lại các bệnh viện công hoặc tham gia kinh doanh trong lĩnh vực y học cổ truyền Trung Quốc. Các yêu cầu và thủ tục chi tiết liên quan sẽ được công bố trong thời gian tới.

Ngành công nghệ sinh học tại Trung Quốc cũng sẽ được mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài vào các khu thương mại tự do lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh phía Nam như Quảng Đông và Hải Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vốn vào bệnh viện và cung cấp dịch vụ chẩn đoán gen và tế bào gốc của con người ở Trung Quốc.

Các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vốn vào bệnh viện và cung cấp dịch vụ chẩn đoán gen và tế bào gốc của con người ở Trung Quốc.

Quy định này có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép nghiên cứu và áp dụng công nghệ chẩn đoán gen và tế bào gốc của con người, cũng như cung cấp các dịch vụ điều trị liên quan. Họ cũng có thể nộp đơn đăng ký thị trường và xin giấy phép sản xuất hàng loạt, có hiệu lực trên toàn quốc.

Động thái này diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết tại hội nghị trung ương lần thứ ba sẽ mở cửa thị trường sâu rộng hơn nữa. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác quốc tế và xây dựng một hệ thống kinh tế mở cấp cao mới.

Phát biểu tại Hội chợ Đầu tư và Thương mại Quốc tế Trung Quốc ở Hạ Môn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc và là động lực thiết yếu cho quá trình hiện đại hóa đất nước.”

Việc mở cửa lĩnh vực y tế lần này cũng là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự suy giảm đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế trong nước đang gặp khó khăn.

Mọi hạn chế đối với việc tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc sẽ được gỡ bỏ từ ngày 1 tháng 11, theo "danh sách tiêu cực" mới nhất – một tài liệu xác định các lĩnh vực mà đầu tư nước ngoài và tư nhân không được tham gia.

Tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành một bộ hướng dẫn nhằm mục tiêu thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, số liệu từ chính phủ cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài từ tháng 1 đến tháng 7 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 539,5 tỷ nhân dân tệ (76,1 tỷ USD).

Theo số liệu do Phó Thủ tướng Hạ công bố tại Hạ Môn, tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có gần 1,18 triệu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đạt 28,4 nghìn tỷ nhân dân tệ.

"Chúng tôi chân thành chào đón các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm bắt cơ hội, xây dựng kế hoạch dài hạn tại Trung Quốc và tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn," ông Hà chia sẻ, đông thời nhấn mạnh tiềm năng thị trường và triển vọng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Các phòng thương mại nước ngoài thường xuyên bày tỏ quan ngại về những rào cản trong việc tiếp cận thị trường tại Trung Quốc, dù Bắc Kinh đã nhiều lần nỗ lực trấn an cộng đồng quốc tế về môi trường kinh doanh tại đây.

"Danh sách tiêu cực" do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - cùng với Bộ Thương mại công bố ngày 8/9, đã giảm số ngành bị cấm đầu tư nước ngoài từ 31 xuống còn 29. Danh sách này được cập nhật lần cuối vào năm 2021.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất trong bảy tháng đầu năm nay đạt 154,48 tỷ nhân dân tệ, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bản danh sách mới cũng loại bỏ các hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài trong các dịch vụ đám mây và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khác được cung cấp trong các khu vực thí điểm trong nước, đặc biệt là tại các khu vực trọng điểm như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hải Nam.

Các lĩnh vực này bao gồm các trung tâm dữ liệu internet, mạng phân phối nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ internet.

Thùy Linh (theo SCMP)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/trung-quoc-bat-ngo-mo-cua-linh-vuc-y-te-san-xuat-cho-nuoc-ngoai-so-huu-1102218.html