Trung Quốc bất thường tìm mọi cách giải cứu Mạnh Vãn Chu

Vụ con gái ông chủ Huawei Nhiệm Chính Phi, bà Mạnh Vãn Chu - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn bị bắt giữ tại Canada đã khiến cộng đồng quốc tế chấn động. Đồng thời, vụ việc này cũng khiến các giới hiểu rõ thêm về quan hệ phức tạp trong nội bộ gia tộc và phương pháp vận hành công ty mà còn bộc lộ mối quan hệ 'rất không bình thường' giữa chính phủ Trung Quốc và Huawei.

 Việc Trung Quốc tìm cách giải cứu bà Mạnh Vãn Chu đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quan hệ giữa chính quyền với Huawei và bất cập về ngoại giao.

Việc Trung Quốc tìm cách giải cứu bà Mạnh Vãn Chu đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quan hệ giữa chính quyền với Huawei và bất cập về ngoại giao.

Huawei là hãng chế tạo thiết bị điện tín lớn nhất thế giới, có giá trị thị trường lên tới 300 tỷ USD. Mặc dù Huawei luôn bác bỏ về mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc, nhưng ông Nhiệm Chính Phi xuất thân quân nhân, trong quá trình khởi nghiệp luôn được nhiều công ty quốc doanh ủng hộ. Trong một đất nước có thể chế như Trung Quốc, muốn kiến tạo được một công ty có quy mô lớn như thế, nếu không có chính quyền đứng sau nâng đỡ thì không một ai tin vào điều này.

Lại thêm việc Huawei không công khai niêm yết trên sàn chứng khoán nên có thể tránh được tình hình tài chính nội bộ của bên ngoài và có thể che giấu được mối quan hệ nội bộ giữa công ty với chính quyền. Tuy nhiên, lần này bất ngờ xảy ra sự kiện Mạnh Vãn Chu bị bắt, những phản ứng không bình thường của chính quyền và truyền thông chính thống Trung Quốc đã không chỉ bộc lộ mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ với Huawei, mà còn khiến họ lâm vào tình thế khó xử.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành liên tiếp triệu tập khẩn cấp Đại sứ Canada và Mỹ tới để phản kháng và yêu cầu thả bà Mạnh Vãn Chu.

Bắc Kinh vội vã ứng cứu, bộc lộ mối quan hệ không bình thường

Ngay sau khi thông tin Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ được loan báo hôm 6.12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tiếp mấy ngày liền kêu gọi Canada thả người. Đặc biệt trong hai ngày nghỉ làm việc Thứ Bảy và Chủ Nhật, bộ này vẫn khẩn cấp triệu tập các ông Đại sứ Canada và Mỹ tới bày tỏ bất bình, yêu cầu thả người, thể hiện chính phủ Trung Quốc rất coi trọng và căng thẳng về sự kiện này.

Kế đó, từ những tin tức trên truyền thông chính thống của Trung Quốc người ta có thể thấy được những bí mật riêng tư của Mạnh Vãn Chu bị phơi bày công khai. Trong bài bình luận của Tân Hoa xã hôm 8.12 viết: “Theo chúng tôi tìm hiểu được, bà Mạnh Vãn Chu có bệnh huyết áp cao và chứng mất ngủ, hồi tháng 5 năm nay cũng vừa phẫu thuật ở cổ”.

Mọi người đều biết, những thông tin về bệnh tình, sức khỏe và tình hình điều trị bệnh của một người là bí mật cá nhân cực kỳ riêng tư, không ai dễ dàng tiết lộ ra bên ngoài, càng huống hồ đó lại là bí mật sức khỏe của một người trong giới quyền quý như Mạnh Vãn Chu.

Nếu chính phủ Trung Quốc và Huawei không có mối quan hệ qua lại mật thiết và tin tưởng lẫn nhau cao độ thì cơ quan truyền thông chính thức như Tân Hoa xã liệu có được những thông tin như thế. Dù là Huawei chủ động tung thông tin cho truyền thông với ý đồ tạo ra hình tượng Mạnh Vãn Chu “sức khỏe không tốt” đi nữa; thử hỏi nếu Huawei và chính quyền không có quan hệ mật thiết thì liệu Tân Hoa xã có công khai những thông tin ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Huawei trên quốc tế như vậy không?

Hơn nữa, những tin về sản phẩm của Huawei bí mật thu thập dữ liệu của khách hàng chuyển về Trung Quốc đã không còn là điều bí mật; gần đây càng được Mỹ và nhiều quốc gia nối nhau chứng thực.

Tháng 1.2018, tòa nhà trụ sở Liên minh châu Âu bùng nổ sự kiện thông tin bị đánh cắp chuyển về Thượng Hải; sau đó đến lượt Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) điều tra cho thấy, công ty xây dựng mạng của tòa nhà này chính là Huawei.

Để đề phòng Trung Quốc thông qua Huawei thẩm thấu, lấy cắp dữ liệu, Mỹ đã ban hành lệnh cấm các cơ quan chính phủ mua, sử dụng sản phẩm của Huawei. Các doanh nghiệp viễn thông cũng tới tấp ngưng bán điện thoại và thiết bị của Huawei. Các nước Australia, New Zealand cũng tuyên bố cấm Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng thông tin di động 5G ở nước họ.

Ông Stephen Harper, người giữ chức Thủ tướng Canada từ 2006 đến 2015, hôm 7.12 đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này cấm sản phẩm của Huawei. Ông nói: “Khi tôi còn giữ chức, chúng ta ngày càng lo ngại Huawei và ZTE tham gia vào mạng lưới thông tin của các nước phương Tây; những công ty này được gắn liền với cơ quan tình báo của Trung Quốc”.

Tờ “Thời báo Hoàn cầu” nói hành động bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu của Canada "chỉ có ở các quốc gia dã man".

Chính vì vậy, không khó thấy rõ thực tế: Trung Quốc ra sức hỗ trợ Huawei trở thành hiện tượng một công ty tư nhân trỗi dậy, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thế giới và đứng vào hàng lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị mạng và dùng cách tiêu thụ xuyên quốc gia các sản phẩm của họ để thâm nhập các nước, lấy cắp bí mật chuyển về Trung Quốc phục vụ cho chiến lược toàn cầu của nước này.

Ngoại giao và truyền thông giúp sức nhưng để hở sườn, khiến chính phủ khó xử

Không chỉ như vậy, phản ứng của hệ thống ngoại giao và truyền thông cũng để lộ mối quan hệ không bình thường giữa chính phủ với Huawei. Điều khiến họ khó xử là, mặc dù chính phủ và truyền thông luôn bao che cho Huawei nhưng lại “gậy ông đập lưng ông”, gây thành trò cười.

Ví dụ, hôm 6.12, Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada ra tuyên bố phản đối Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu đã nói:”Trung Quốc bày tỏ kiên quyết phản đối và kịch liệt lên án hành vi xâm phạm nhân quyền này”. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” - ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo cũng phối hợp với chính quyền, đăng xã luận viết: “Canada chẳng phải là quốc gia luôn coi trọng pháp chế và nhân quyền sao? Tại sao họ lại có hành động chỉ có ở các quốc gia dã man như vậy?”. Điều này lại gây nên tranh cãi và giễu cợt, giống như Trung Quốc đã phát ngôn về chính phủ Thụy Điển khi xảy ra vụ bê bối khách du lịch ở Stockholm mấy tháng trước.

“Thời báo Hoàn cầu” còn lấy trường hợp Mạnh Vãn Chu để phê phán Canada không tôn trọng nhân quyền: “Cảnh sát Canada đã còng tay bà ấy (Mạnh Vãn Chu) trên đường dẫn giải từ sân bay về nơi giam giữ. Tối hôm đó theo trình tự cũng còng tay bà khi đưa tới bệnh viện và quay lại nơi giam giữ”. Tuy nhiên, phóng viên các báo có mặt tại hiện trường đều thấy, khi Mạnh Vãn Chu được đưa tới buổi điều trần xin bảo lãnh tại ngoại ở tòa án không hề bị còng tay. Nhưng giả dụ cảnh sát Canada có còng tay bà trong quá trình di chuyển thì cũng chỉ là “theo trình tự” để tránh nghi phạm quan trọng bỏ trốn. Đó cũng chỉ là hành vi tôn trọng pháp chế, làm theo pháp luật mà thôi.

Ngôn ngữ dọa dẫm thô bạo, thể hiện ngoại giao bá đạo, khinh miệt nước khác

Theo văn bản thông báo gửi báo chí ngày 8.12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã khẩn cấp triệu tập Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum tới “nghiêm khắc giao thiệp và kịch liệt phản đối việc phía Canada bắt giữ người phụ trách công ty Huawei”. Lạc Ngọc Thành nêu rõ: “Hành động của phía Canada bắt giữ công dân Trung Quốc khi chuyển máy bay ở Vancouver đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân Trung Quốc, bất chấp luật pháp, không hợp lẽ thường, không dung về tình”. Ông chỉ trích chính phủ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là “hành vi có tính chất cực kỳ xấu xa”, và “mạnh mẽ yêu cầu phía Canada thả tự do cho người bị bắt ngay lập tức, nếu không phía Canada sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm cho những hậu quả nghiêm trọng của vụ việc này”.

Việc Thứ trưởng Ngoại giao đích thân khẩn cấp triệu tập Đại sứ Canada cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề và sự quan tâm cao độ của Trung Quốc.

Sau đó Tân Hoa xã có bình luận oán trách: “Theo người lãnh đạo Canada thì họ đã biết trước hành động này, nhưng ông ta không thông báo cho Trung Quốc, mà bỏ mặc sự kiện xấu xa này xảy ra, dung túng hành vi đơn phương bá quyền của Mỹ, làm hại đến tình cảm của dân chúng Trung Quốc. Đó quả là không biết điều, đâu phải hành vi của quốc gia hữu hảo”.

Bình luận của Tân Hoa xã cũng lên giọng đe dọa khi viết: “Chúng ta khuyên phía Canada hãy chớ nên u mê không tỉnh ngộ, lập tức thả ngay người bị bắt, nếu không sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng mà họ gây ra”.

Ông Roland Paris, cựu cố vấn chính sách ngoại giao của thủ tướng Canada: hành động gây sức ép với chính phủ Canada của Trung Quốc là vô nghĩa.

Một ngày sau, 9.12, ông Lạc Ngọc Thành lại triệu tập khẩn cấp Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad tới để “nghiêm khắc giao thiệp và kịch liệt phản kháng” việc “Mỹ vô lý yêu cầu Canada bắt giữ” bà Mạnh Vãn Chu. The Paper của Trung Quốc cho biết, ông Thành nêu rõ: hành động của phía Mỹ đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân Trung Quốc, tính chất cực kỳ xấu xa. Trung Quốc kiên quyết phản đối, mạnh mẽ yêu cầu phía Mỹ chú trọng lập trường nghiêm khắc của Trung Quốc, lập tức có biện pháp sửa chữa cách làm sai lầm, hủy bỏ lệnh bắt giữ công dân Trung Quốc. Trung Quốc sẽ quan sát hành động của Mỹ để có phản ứng tiếp theo.

Tờ Epoch Times cho rằng, những từ ngữ với giọng điệu cực đoan, ngang ngược tự đại, khiêu khích đe dọa này không phải là ngôn ngữ mà quốc gia bình thường trao đổi ngoại giao, cũng cho thấy tư duy “ngoại giao bá đạo” “duy ngã độc tôn”, khinh miệt nước khác của Trung Quốc.

Cũng không nên quên tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cách đây không lâu đã có tin các quan chức Trung Quốc định xông vào phòng làm việc của Ngoại trưởng Papua New Guinea, yêu cầu sửa đổi một số từ ngữ trong dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị. Còn tại Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương hồi tháng 9 năm nay, quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng có thái độ vô lễ định cướp quyền phát biểu, cũng bị Tổng thống Nauru phê phán là “ngạo mạn vô lễ”, “định bắt nạt chúng tôi”.

Epoch Times cho rằng: kiểu ngoại giao bá đạo và tâm thái cường quyền của Trung Quốc lại một lần nữa bộc lộ rõ qua sự kiện Mạnh Vãn Chu bị bắt lần này.

Trước phản ứng gay gắt của Trung Quốc, Giáo sư Roland Paris ở Đại học Ottawa, cựu Cố vấn về chính sách ngoại giao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói, sự đe dọa của Bắc Kinh là vô ích bởi dưới thể chế như ở Canada, chính phủ không thể chỉ huy tòa án. Ông Roland Paris viết trên Twitter: “Có lẽ vì chính phủ Trung Quốc khống chế hệ thống tư pháp nước họ nên Bắc Kinh có lúc thấy khó hiểu hay khó tin là ở các quốc gia pháp trị tòa án là cơ quan độc lập. Việc họ gây sức ép với chính phủ Canada không có ý nghĩa gì. Quan tòa sẽ đưa ra phán quyết”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-bat-thuong-tim-moi-cach-giai-cuu-manh-van-chu-post95278.html