Trung Quốc bùng nổ các dịch vụ cai nghiện smartphone
Khó khăn từ bỏ thói quen dùng điện thoại di động đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mở các dịch vụ cai nghiện điện thoại ăn theo ở Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Douban Trung Quốc, một nhóm cộng đồng với tên gọi “Tránh xa màn hình” thành lập vào năm 2020 đã thu hút trên 30.000 thành viên tham gia với mong muốn thoát khỏi cơn nghiện điện thoại.
Tài khoản có tên “Bot9” đã chia sẻ một hình ảnh ghi dữ liệu cho thấy trung bình mỗi ngày anh dành 11 tiếng dùng điện thoại di động. “Đây thực sự là một căn bệnh. Tôi sẽ tìm cách giảm giờ dùng điện thoại từ ngày mai”, Bot9 viết.
Anh Liu Yang (36 tuổi), người sáng lập Shiguang Box chuyên bán “hộp cách ly điện thoại”, cho biết: “Thị trường này có nhiều triển vọng phát triển vì hàng loạt ứng dụng khiến người sử dụng khó bỏ điện thoại xuống”.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lo lắng về việc phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại di động, các hình thức kinh doanh ăn theo hỗ trợ người dùng “cai” điện thoại mọc lên như nấm.
Với một chiếc hộp Shiguang, người sử dụng chỉ cần mở hộp, cho điện thoại vào bên trong, đóng nắp và hẹn giờ mở khóa hộp. Chiếc hộp chỉ được mở sau khi hết giờ hẹn. Lúc này, mọi người có thể lấy điện thoại ra và sử dụng.
Theo ông chủ Liu, mỗi ngày, anh nhận được tới 800 đơn đặt hàng. Mỗi tháng trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao, Liu bán được tới 2.000 loại hộp khác nhau.
Phần lớn khách hàng của Liu là học sinh, sinh viên chuẩn bị cho các kỳ thi lớn như thi đại học, thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những khách hàng trong độ tuổi 30, 40 hay thậm chí lớn hơn.
“Một khách hàng đã cảm ơn tôi vì nhờ có chiếc hộp, cô ngủ được lâu hơn”, Liu trả lời báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Một số khách hàng còn đặt những chiếc hộp tự thiết kế in những câu nói khích lệ bên ngoài để giúp họ cai điện thoại.
Ngoài chiếc hộp cách ly, những người nghiện điện thoại còn áp dụng nhiều phương thức khác để hạn chế lượng thời gian sử dụng điện thoại. Một trong những chiến thuật là không dùng điện thoại thông minh.
Không nâng cấp hệ thống theo xu hướng hiện đại, Blackberry và một số mẫu điện thoại đời cũ đã biến nhược điểm này thành ưu điểm, thu hút thị trường người dùng mới.
Bi Andi (29 tuổi) đã mua một chiếc BlackBerry 9000 được sản xuất vào năm 2008 với giá chưa đầy 400 nhân dân tệ (1,5 triệu đồng) để thay thế chiếc iPhone 4S mua năm 2015 khi cô chuẩn bị cho kỳ thi cao học.
“Tôi thuê một phòng tự học hết 800 nhân dân tệ một tháng, bằng 3/4 thu nhập. Tôi không muốn mất thời gian chỉ chăm chăm vào điện thoại”, Bi chia sẻ.
Tuy nhiên, vì điện thoại thông minh được sử dụng rất rộng rãi ở Trung Quốc, nên hầu hết mọi người đều không thể từ bỏ chúng hoàn toàn.
“Cách truyền thống không có tác dụng giúp tôi cắt bỏ cơn nghiện điện thoại vì tôi cần sử dụng một số ứng dụng cho công việc và cuộc sống hàng ngày, ví dụ như ứng dụng giao đồ ăn và đặt xe. Chiến thuật bỏ hoàn toàn điện thoại thông minh phổ biến hơn trong giới học sinh, sinh viên”, Bi lý giải.