Trung Quốc cải thiện tình trạng 'học tiếng Anh để thi' như thế nào?

TRUNG QUỐC - Khảo sát điểm IELTS trung bình của học sinh Trung Quốc cho thấy đây là quốc gia duy nhất có kỹ năng Nói thấp hơn 3 kỹ năng còn lại. Kết quả này phản ánh mặt trái của nền giáo dục định hướng thi cử tại quốc gia tỷ dân.

Giáo dục định hướng thi cử (exam-oriented education) là một mô hình giáo dục bắt nguồn từ ảnh hưởng của tư tưởng “bằng cấp quyết định tất cả”, “điểm số đánh giá năng lực” hay "học để phục vụ kỳ thi". Mô hình này xuất hiện ở nhiều quốc gia Á Đông, đặc biệt sâu sắc ở Trung Quốc.

Giáo dục tiếng Anh tại Trung Quốc đang tập trung vào điểm số để phục vụ kỳ thi, thay vì các kỹ năng thực hành.

Giáo dục tiếng Anh tại Trung Quốc đang tập trung vào điểm số để phục vụ kỳ thi, thay vì các kỹ năng thực hành.

Học giả Tục Hiểu Vân trên Tạp chí Educational Theory and Practice định nghĩa “giáo dục định hướng thi cử là một phương thức đi chệch khỏi nhu cầu thực tế của sự phát triển cá nhân và xã hội. Đây là một phương thức truyền thống vi phạm các quy tắc giáo dục và giảng dạy để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh giáo dục đại học”.

Giáo dục định hướng thi cử nhấn mạnh một chiều vào điểm số, làm sai lệch mục đích và động lực học tập của học sinh, quá đề cao chiến thuật làm bài thi mà bỏ qua việc bồi dưỡng năng lực toàn diện cho người học.

Giáo viên chú trọng đến điểm số trong giảng dạy. Phụ huynh cũng đặt điểm số làm thước đo và đăng ký lớp học thêm cuối tuần cho con em mình vô tội vạ.

Giáo dục định hướng thi cử thể hiện rõ trong việc dạy và học tiếng Anh. Tầm quan trọng của từ vựng và ngữ pháp quan trọng hơn nhiều khả năng giao tiếp tiếng Anh. Dưới áp lực của nhu cầu đạt điểm cao để vào đại học, việc giảng dạy tiếng Anh có xu hướng tập trung nhiều hơn vào kết quả thi cử thay vì bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ đầu ra của học sinh.

Giáo dục định hướng thi cử đi ngược mục đích ban đầu của giáo dục tiếng Anh, đào tạo ra thế hệ học sinh đạt điểm cao nhưng khả năng thực tế kém, theo nhận định của nhóm học giả đại học Trung Quốc trên ấn phẩm Advances in Social Science, Education and Humanities Research.

Theo dữ liệu điểm IELTS của Hội đồng Anh năm 2019, thí sinh Trung Quốc đạt điểm trung bình 6,2 ở kỹ năng Đọc, 5,9 ở kỹ năng Nghe, 5,5 ở kỹ năng Viết và 5,4 ở kỹ năng Nói. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong cuộc khảo sát có điểm Nói thấp hơn 3 kỹ năng còn lại. Thông thường, kỹ năng Viết sẽ thấp nhất.

Chỉ số năng lực tiếng Anh EF năm 2023 cũng xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 82 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với điểm 464, thấp hơn điểm trung bình toàn cầu là 502 và được đánh giá là “thông thạo thấp”. Trong khu vực châu Á, Trung Quốc đứng thứ 14 trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả này phần nào phản ánh hạn chế của nền giáo dục định hướng thi cử và phần nào thấy rằng học sinh Trung Quốc thiếu năng lực giao tiếp tiếng Anh cần thiết.

Chặng đường gần nửa thế kỷ học tiếng Anh

Giáo dục tiếng Anh tại Trung Quốc đã đi một chặng đường dài trong gần 50 năm qua. Năm 1978, tiếng Anh chính thức trở thành một trong những môn thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia của Trung Quốc và ngày càng quan trọng kể từ đó.

Cuối những năm 1980, kỳ thi tiếng Anh đại học trình độ 4 và trình độ 6 đã được khởi xướng. Những năm 1990, một lượng lớn sinh viên Trung Quốc tham gia các bài kiểm tra quốc tế như Bài thi khảo thí theo tiêu chuẩn và xét tuyển của các trường đại học Mỹ (GRE), Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế (IELTS) cũng như Kỳ thi tiếng Anh như một ngoại ngữ (TOEFL), theo Nhân dân Nhật báo.

Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong chương trình giảng dạy quốc gia chuẩn của Trung Quốc. Nhiều học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ khi còn nhỏ, một số thậm chí học từ mẫu giáo.

Theo ước tính, có khoảng 400 triệu người Trung Quốc đang học tiếng Anh, lớn hơn toàn bộ dân số Mỹ. Năm 2018, số lượng người Trung Quốc dự thi TOEFL là 300.000, đứng đầu thế giới, theo trang China.org.

"Trung Quốc có thị trường giáo dục tiếng Anh lớn nhất thế giới", Zou Yimin, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, biên tập viên sáng lập của tờ báo tiếng Anh China Daily và là người đã tham gia vào giáo dục tiếng Anh sau khi nghỉ hưu, cho biết.

Trong những năm 2000, thương hiệu giáo dục ngoại ngữ tư nhân Tân Phương Đông (New Oriental) đã trở thành một gã khổng lồ trong ngành. Điều này cho thấy sự phổ biến ngày càng tăng của tiếng Anh và thị trường giáo dục tiếng Anh khổng lồ tại Trung Quốc.

Cần làm rõ mục đích dạy học tiếng Anh

Với dân số hơn 1,4 tỷ người và khoảng 200 triệu học sinh - sinh viên, Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về một nền giáo dục chất lượng cao và toàn diện, đặc biệt là trong việc học ngôn ngữ thứ hai.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục định hướng thi cử đã ăn sâu vào xã hội và được chấp nhận rộng rãi. Điều này khiến việc chuyển sang giáo dục ngôn ngữ ứng dụng và giao tiếp trở nên thách thức, theo nhận định của nhiều nhà quan sát.

Để giải quyết những thách thức do hệ thống giáo dục định hướng thi cử của Trung Quốc đặt ra, các chuyên gia đang đề xuất một số cải cách.

Đầu tiên, làm rõ mục đích giảng dạy tiếng Anh và thể hiện mục đích đó trong chương trình giảng dạy. Mục tiêu chính của giáo dục tiếng Anh là trang bị cho học sinh thông thạo các kỹ năng giao tiếp, bao gồm cả Nói và Viết.

Chương trình giảng dạy nên nhấn mạnh vào ứng dụng thực tế hơn là học thuộc lòng sách giáo khoa. Giáo viên nên phát triển nội dung giảng dạy mới khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế.

Thứ hai, cần chuyển từ đánh giá chỉ dựa trên điểm số sang đánh giá toàn diện hơn. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đến đánh giá cân bằng và bao quát hơn về các kỹ năng của học sinh.

Thứ ba, tiến hành cải cách các kỳ thi tiếng Anh và giảm sự phụ thuộc vào điểm thi. Các kỳ thi quan trọng như thi đại học nên được tái cấu trúc để nhấn mạnh vào khả năng giao tiếp thay vì học thuộc.

Ngoài ra, việc giảm sự phụ thuộc vào điểm thi trong tuyển sinh đại học sẽ giúp giảm sự tập trung một chiều vào các kỳ thi và thúc đẩy trải nghiệm giáo dục toàn diện hơn.

Thứ tư, tối ưu hóa phương pháp giảng dạy và hỗ trợ giáo viên. Giáo viên tiếng Anh nên tập trung vào việc giúp học sinh tìm ra phương pháp học hiệu quả, tăng cường giao tiếp trong lớp học và chuyển mục tiêu giảng dạy từ việc chuẩn bị cho kỳ thi sang việc thành thạo các kỹ năng để ứng dụng thực tế.

Việc tăng thu nhập cho giáo viên và giảm các chi phí giáo vụ khác sẽ khuyến khích họ áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, ưu tiên tương tác và giao tiếp.

Thứ năm, cải thiện chất lượng giáo viên và phát triển chuyên môn. Giáo viên đóng vai trò quan trọng tới mức độ quan tâm và thành công của học sinh trong việc học tiếng Anh. Một hệ thống toàn diện để phát triển chuyên môn cho người dạy là điều cần thiết để tăng số lượng giáo viên có năng lực.

Giáo viên nên liên tục nâng cao trình độ, cung cấp nội dung hấp dẫn và tránh các phong cách giảng dạy “cô nói - trò nghe” để tối đa hóa hiệu quả việc học của học sinh và đảm bảo tiếng Anh được dạy như một công cụ giao tiếp thực tế.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-cai-thien-tinh-trang-hoc-tieng-anh-de-thi-diem-ielts-nhu-the-nao-2313353.html