Trung Quốc cam kết đẩy mạnh điều chỉnh chính sách trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm
Hôm thứ Hai (24/7), các nhà chức trách hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và báo hiệu nhiều bước kích thích hơn.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn kỳ vọng trong quý hai do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy quá trình phục hồi hậu Covid.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã dẫn lời Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế, tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, củng cố niềm tin và ngăn ngừa rủi ro.
“Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, chủ yếu phát sinh từ nhu cầu trong nước không đủ, khó khăn trong hoạt động của một số doanh nghiệp, rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn trong các lĩnh vực then chốt, cũng như môi trường bên ngoài khắc nghiệt và phức tạp”, Tân Hoa xã dẫn lời Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc sẽ thực hiện các điều chỉnh vĩ mô "một cách chính xác và mạnh mẽ" và tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ, khi chính phủ kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% vào năm 2023, nhưng vẫn có những rủi ro về việc mục tiêu hàng năm bị bỏ lỡ trong năm thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách khó có thể đưa ra bất kỳ biện pháp kích thích mạnh mẽ nào do lo ngại về rủi ro nợ ngày càng tăng.
Các nhà phân tích của Capital Economics cho biết, kết quả của cuộc họp của các nhà chức trách Trung Quốc cho thấy rằng các hỗ trợ chính sách tiếp theo sẽ được triển khai trong những tháng tới.
"Tuy nhiên, việc không có bất kỳ thông báo quan trọng nào về các chi tiết cụ thể của chính sách cho thấy sự thiếu khẩn cấp hoặc các nhà hoạch định chính sách đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng", các nhà phân tích của Capital Economics cho biết.
Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết vào đầu tháng này rằng ngân hàng trung ương sẽ sử dụng các công cụ chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc để vượt qua những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt.
Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc sẽ tích cực mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy thu nhập của người dân để kích hoạt tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đẩy nhanh phát hành trái phiếu địa phương đặc biệt để thúc đẩy đầu tư. Chính phủ sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với ô tô, đồ điện tử và các sản phẩm gia dụng, đồng thời thúc đẩy du lịch.
Trung Quốc sẽ điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách bất động sản một cách kịp thời, nhằm đáp ứng "những thay đổi đáng kể" trong mối quan hệ cung và cầu trên thị trường bất động sản.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Đây là một tín hiệu thú vị vì sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản được cho là thách thức chính mà nền kinh tế phải đối mặt hiện nay. Có vẻ như chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách trong lĩnh vực này để ổn định nền kinh tế”.
Ngoài ra, các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế mua nhà ở một số thành phố.
Tân Hoa Xã cho biết, trong bối cảnh gánh nặng trả nợ địa phương ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ giải quyết hiệu quả các rủi ro nợ của chính quyền địa phương và xây dựng một loạt kế hoạch để giải quyết các vấn đề nợ địa phương. Ngoài ra, cũng sẽ cải thiện môi trường phát triển cho các công ty tư nhân và ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài.
Tuần trước, Trung Quốc đã đưa ra các hướng dẫn để cải thiện khu vực tư nhân và cam kết sẽ làm cho khu vực kinh tế này “lớn hơn, tốt hơn và mạnh hơn”.