Trung Quốc cam kết không để đồng Nhân dân tệ trượt giá quá sâu

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cam kết sẽ sử dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn sự mất giá của đồng Nhân dân tệ, khi đồng tiền này trượt xuống còn 7,35 đổi một đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2007 và một chỉ số chứng khoán quan trọng ở Hồng Kông đang tiến gần đến thị trường giá xuống.

Trung Quốc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng điều đó làm tăng thêm áp lực lên đồng Nhân dân tệ đang suy yếu của họ. Ảnh: YING TANG/ZUMA PRESS

Trung Quốc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng điều đó làm tăng thêm áp lực lên đồng Nhân dân tệ đang suy yếu của họ. Ảnh: YING TANG/ZUMA PRESS

PBOC đang tìm cách hạn chế tổn thất của đồng Nhân dân tệ

Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ quý II/2023 được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố ngày 17/8, PBOC cho biết sẽ “đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô”, trong khi tái khẳng định lập trường chính sách của mình.

PBOC sẽ kiên quyết ngăn chặn việc “điều chỉnh quá mức” đối với đồng Nhân dân tệ, điều mà ngân hàng trung ương cho rằng vẫn chưa đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ bản. PBOC có kinh nghiệm và các công cụ chính sách phong phú để bảo vệ thị trường ngoại hối ổn định.

Đồng Nhân dân tệ đã mất giá khoảng 2,4% so với đồng Đô la kể từ tháng này và 6% kể từ đầu năm. Đồng tiền này trong nước được giao dịch ở mức 7,3145 USD vào cuối ngày 17/8, trong khi đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài giao dịch lần cuối đạt 7,3400 USD.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây đã thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để củng cố đồng nội tệ bằng cách thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Trong tuần này, chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng quốc doanh tăng cường can thiệp vào thị trường tiền tệ và đang nghiên cứu các cách khác để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ.

PBOC nhắc lại họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ có mục tiêu và mạnh mẽ, đồng thời sử dụng các công cụ khác nhau để đảm bảo thanh khoản duy trì ở mức hợp lý; cho biết sẽ tối ưu hóa các chính sách tài sản khi thích hợp.

Raymond Yeung - Kinh tế trưởng của Greater China tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., cho biết, các bình luận cho thấy có thể chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng nhiều hơn sau đợt cắt giảm lãi suất bất ngờ trong tuần này.

“Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều hành động lãi suất hơn hoặc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc” - ông nói. Cũng có thể có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn cho ngành bất động sản, Yeung cho biết thêm.

Ngân hàng trung ương nhấn mạnh những thách thức đối với nền kinh tế, bao gồm triển vọng thu nhập thấp của các hộ gia đình, niềm tin đầu tư tư nhân không đủ và áp lực ngày càng tăng đối với tài chính của chính quyền địa phương.

PBOC tuyên bố sẽ làm cho tăng trưởng tín dụng ổn định và bền vững hơn, đồng thời điều chỉnh chính sách tài sản khi thích hợp. Nhắc lại những bình luận gần đây từ cục thống kê, PBOC cho biết Trung Quốc không rơi vào tình trạng giảm phát và giá tiêu dùng có thể sẽ tăng trở lại bắt đầu từ tháng 8.

Lãi suất thấp có thể vực dậy nền kinh tế, nhưng phải trả giá

Vào đầu tuần này, ngày 15/8, PBOC đã cắt giảm một số lãi suất, cùng ngày, quốc gia này công bố một loạt dữ liệu tháng 7 với “bức tranh ảm đạm” về nền kinh tế Trung Quốc. Việc hạ lãi suất được thiết lập nhằm thúc đẩy nền kinh tế, nhưng cũng đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ.

Đồng Nhân dân tệ đã giao dịch ở mức khoảng 7,34 USD trong giờ giao dịch châu Á vào sáng ngày 16/8, một ngày sau khi PBOC hạ lãi suất, tiến gần hơn đến mức thấp kỷ lục 7,38 USD vào tháng 10 năm ngoái. Tuy đồng tiền này đã phục hồi vào cuối ngày, nhưng các chiến lược gia tiền tệ cho biết áp lực bán vẫn còn.

Trước áp lực từ sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ, ngay trong ngày 16/8, PBOC đã ấn định giá trị hàng ngày cho đồng Nhân dân tệ trong nước ở mức 7,1986 USD, cho phép giao dịch trong phạm vi hẹp tại thị trường nội địa và được kiểm soát chặt chẽ.

Ngày 17/8, PBOC đã bổ sung 163 tỷ Nhân dân tệ (22 tỷ USD) tiền mặt ròng thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược, sau khi bơm gần 300 tỷ Nhân dân tệ vào thứ Tư, mức lớn nhất kể từ tháng 2. Trong tuần này, các nhà chức trách đã yêu cầu một số quỹ đầu tư tránh bán ròng cổ phiếu.

Michelle Lam - nhà kinh tế học Trung Quốc tại Socíeté Générale cho biết: "Áp lực lên đồng Nhân dân tệ Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài nếu lĩnh vực bất động sản không ổn định, điều này sẽ đè nặng lên nền kinh tế và sự ổn định thị trường tài chính".

Thị trường nhà ở của Trung Quốc đang suy thoái kéo dài nhiều năm, làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào một nền kinh tế nơi giá bất động sản liên tục tăng cao và là nguồn tài sản chính. Dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán nhà hiện đang giảm và giá đã giảm.

Xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang bị thu hẹp và giá tiêu dùng gần đây đã trượt xuống mức giảm phát. Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đều tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong tháng 7 so với tháng trước.

Ngân hàng trung ương chính thức cam kết sử dụng chính sách tiền tệ để duy trì giá trị tiền tệ ổn định "và do đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", nhưng hiện tại công cụ chính sách chính là lãi suất - chỉ có thể thúc đẩy một mặt của phương trình đó.

Kin Tai Cheung - chiến lược gia ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho cho biết: "Tình hình đang trở nên khó khăn". Ông cho biết đồng Nhân dân tệ suy yếu hạn chế khả năng của ngân hàng trung ương trong việc cắt giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế.

c ngân hàng nhà nước bán Đô la để “cứu” đồng Nhân dân tệ

Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài, giao dịch tự do hơn đồng tiền trong nước, đã mất giá 5,4% so với đồng Đô la Mỹ trong năm nay. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, cắt giảm lãi suất không đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và cần có một gói kích thích tài khóa lớn.

"Chúng tôi cũng rất cần các biện pháp để hỗ trợ nhu cầu tài sản và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ của các nhà phát triển bất động sản. Nếu không có đủ để ổn định nền kinh tế, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn" - Michelle Lam của Socíeté Générale nói.

 Chứng khoán Hồng Kông ở gần mức thị trường giá xuống khi lo ngại về khủng hoảng bất động sản có thể lan sang nền kinh tế. Ảnh: Shutterstock

Chứng khoán Hồng Kông ở gần mức thị trường giá xuống khi lo ngại về khủng hoảng bất động sản có thể lan sang nền kinh tế. Ảnh: Shutterstock

Việc cắt giảm lãi suất trong tuần này diễn ra sau một động thái tương tự vào tháng 6, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ lãi suất cho các khoản vay theo cơ sở cho vay trung hạn một năm của mình. Điều đó khuyến khích các ngân hàng thương mại của Trung Quốc giảm lãi suất cho vay.

Một số nguồn tin cho biết, các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã bận rộn bán đô la Mỹ để mua Nhân dân tệ ở cả thị trường ngoại hối giao ngay trong và ngoài nước trong tuần này. Các chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng nhà nước cũng được nhìn thấy bán đô la trong giờ giao dịch ở London và New York trong tuần này. Việc bán đô la như vậy có thể hạn chế sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài và ngăn không cho khoảng cách giá trở nên quá xa so với đồng Nhân dân tệ trong nước./.

Hoàng Lê (theo Bloomberg/The Wall Street Journal)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trung-quoc-cam-ket-khong-de-dong-nhan-dan-te-truot-gia-qua-sau-134202.html