Trung Quốc chào đón hai Thủ tướng từ châu Âu: Hợp tác trong khác biệt

Chuyến thăm Trung Quốc mới đây của hai Thủ tướng từ hai quốc gia châu Âu là Tây Ban Nha và Na Uy minh chứng rõ nét cho điều này.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre. (Nguồn: Global Times)

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre. (Nguồn: Global Times)

Ngày 8-11/9, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công du Trung Quốc. Gần như cùng lúc, ngày 9-12/9, người đứng đầu chính phủ Na Uy Jonas Gahr Støre cũng có chuyến thăm cường quốc châu Á. Đâu là lý do cho câu chuyện “không hẹn mà gặp” này?

Bất chấp một số căng thẳng, Trung Quốc vẫn có vai trò then chốt với châu Âu. Nền kinh tế thứ hai thế giới là đối tác thương mại hàng đầu của Tây Ban Nha ngoài Liên minh châu Âu (EU); ngược lại, Madrid là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Bắc Kinh trong EU. Với Na Uy, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba, sau EU và Mỹ.

Không khó hiểu khi duy trì hợp tác với Bắc Kinh tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cả Madrid lẫn Oslo. Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai của ông Pedro Sanchez trong 18 tháng qua. Còn Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đến Bắc Kinh đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1954-2024). Hợp tác kinh tế, thương mại và phát triển xanh là nội dung trọng tâm, xuyên suốt các cuộc thảo luận, dù là giữa hai nhà lãnh đạo này với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường hay Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ngày 9/9. (Nguồn: SCMP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ngày 9/9. (Nguồn: SCMP)

Hạ nhiệt căng thẳng

Gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 9/9 tại Điếu Ngư Đài, Thủ tướng Pedro Sanchez mong muốn xây dựng quan hệ “gần gũi, sâu sắc và cân bằng” với cường quốc châu Á. Ông cảm ơn nước chủ nhà vì đã nhất trí miễn thị thực cho công dân Tây Ban Nha, dù Madrid vẫn chưa làm điều tương tự với công dân Trung Quốc. Hai bên tuyên bố thúc đẩy thương mại tự do, giao lưu văn hóa và du lịch. Ngày 10/9, vị khách châu Âu dự lễ khánh thành Viện Cervantes, trung tâm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha tại Thượng Hải.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng Tây Ban Nha “tiếp tục duy trì môi trường kinh doanh công bằng, an toàn và không phân biệt cho các công ty Trung Quốc đầu tư và làm ăn trên địa bàn”.

Đáp lại, ông Pedro Sanchez cho biết nước này “ủng hộ nguyên tắc thương mại tự do, thị trường mở cửa và không ủng hộ chiến tranh thương mại”. Tuyên bố phản ánh nỗ lực cải thiện một số khía cạnh hợp tác thương mại, cụ thể hơn là xe điện và thịt lợn. Đầu năm nay, với tư cách thành viên EU, Madrid thể hiện sự ủng hộ với việc áp mức thuế 36,7% đối với xe điện nhập khẩu Trung Quốc. Trong một động thái trả đũa, Bắc Kinh mở cuộc điều tra việc nhập khẩu thịt lợn EU, vốn có gần 50% đến từ Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh đó, việc Tây Ban Nha ủng hộ tập đoàn xe điện Chery (Trung Quốc) mở nhà máy sản xuất tại Barcelona góp phần hạ nhiệt căng thẳng hiện nay. Ngày 10/9 tại Thượng Hải, ông Sanchez gặp gỡ đại diện của SAIC Motor, một trong những nhà phát triển xe điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thuế quan mới của EU. Ông chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ với công ty Envision, vốn đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin cho xe điện tại Tây Ban Nha.

Đề cập xung đột tại Ukraine và Dải Gaza, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định: “Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế hiện nay, chúng ta cần phối hợp để giải quyết khác biệt thông qua đối thoại”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/9. (Nguồn: THX)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/9. (Nguồn: THX)

Nỗ lực kết nối

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre chắc hẳn cũng nhất trí với điều này, đặc biệt khi nhìn vào những hoạt động và tuyên bố của nhà lãnh đạo châu Âu tại Bắc Kinh vài ngày qua. Trước thềm chuyến thăm, ông khẳng định mình “rất chờ đợi chuyến đi tới Trung Quốc”.

Tương tự người đồng cấp Tây Ban Nha, nội dung các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Jonas Gahr Støre với lãnh đạo nước chủ nhà xoay quanh hợp tác kinh tế và thương mại. Điều này phản ánh rõ nét khi tháp tùng ông tới Bắc Kinh là đại diện hàng loạt doanh nghiệp, đoàn thể lớn của Na Uy như DNV, Equinor, Höegh Autoliners, Kongsberg Maritime, Nordlaks, Hiệp hội Chủ tàu Na Uy, Orkla, Yara International... Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Giao thương với Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, quá trình tạo ra giá trị và an sinh xã hội của Na Uy”.

Thống kê cho thấy, hiện có 160 doanh nghiệp Na Uy hoạt động tại Trung Quốc. Đặc biệt, hợp tác song phương thể hiện rõ nét trong lĩnh vực hàng hải, thủy hải sản và năng lượng xanh. Có tới gần một nửa số tàu của Na Uy (55/124) đang được đóng tại Trung Quốc. Ngoài ra, cường quốc châu Á cũng là thị trường đặc biệt quan trọng với thủy hải sản của đất nước Bắc Âu.

Thủ tướng Jonas Gahr Støre và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cập nhiều nội dung liên quan tới biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nhà lãnh đạo Na Uy khẳng định những gì Bắc Kinh đang làm “có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của thế giới hiện nay”. Hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung về thiết lập Đối thoại về Chuyển đổi xanh. Trung Quốc cũng nhất trí miễn thị thực trong 15 ngày đối với công dân của Na Uy, qua đó tạo điều kiện cho đại diện doanh nghiệp, học sinh của đất nước Bắc Âu tới thăm, học tập, du lịch và tìm hiểu môi trường đầu tư tại cường quốc châu Á.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng giữa Trung Quốc và Na Uy không tồn tại những bất đồng. Đã có một số lo ngại ở Oslo về các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Kirkenes, cảng biển chiến lược ở Na Uy. Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Jonas Gahr Støre đã thẳng thắn trao đổi các vấn đề “nóng” như nhân quyền hay xung đột tại Ukraine. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Na Uy quan ngại rằng hợp tác chặt chẽ giữa nước chủ nhà và Nga đang ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Trong xung đột tại Dải Gaza, hai bên có nhiều điểm tương đồng hơn: Bắc Kinh ủng hộ giải pháp hai nhà nước và quyền tự quyết của người Palestine, trong khi Oslo vừa chính thức công nhận Nhà nước Palestine cuối tháng Năm vừa qua.

Xét cho cùng, mối quan hệ của Tây Ban Nha, Na Uy với Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển dù còn đó những thận trọng, như ông Jonas Gahr Støre khẳng định: “Việc duy trì quan hệ tích cực với các quốc gia có hệ giá trị và mối quan tâm khác với chúng ta là có thể, thậm chí cần thiết, song chúng ta cũng cần thận trọng để bảo vệ lợi ích của mình”.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-chao-don-hai-thu-tuong-tu-chau-au-hop-tac-trong-khac-biet-285975.html