Trung Quốc chế ngự 'biển chết' bằng lưới điện năng lượng tái tạo cao áp

Sau 15 năm xây dựng, Trung Quốc đã hoàn tất lưới điện siêu cao áp lớn nhất bao quanh lưu vực Tarim ở Tân Cương, biến nơi đây thành trung tâm truyền tải năng lượng tái tạo, mở ra kỷ nguyên kết nối điện toàn khu vực.

Một đoạn của dự án truyền tải và chuyển đổi 750kV đi qua sa mạc Taklamakan ở lưu vực Tarim thuộc khu vực Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Một đoạn của dự án truyền tải và chuyển đổi 750kV đi qua sa mạc Taklamakan ở lưu vực Tarim thuộc khu vực Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Giai đoạn cuối của siêu dự án 15 năm bao quanh lưu vực Tarim sắp trở thành một phần quan trọng của lưới điện khu vực.

Các đội thi công Trung Quốc vừa hoàn tất việc bao quanh lưu vực Tarim – một trong những nơi khắc nghiệt nhất Trái đất – bằng một “vòng tròn năng lượng” siêu cao áp.

Dự án kéo dài 15 năm này đã biến lưu vực nội địa rộng lớn, nơi có sa mạc lớn nhất Trung Quốc, thành một trung tâm truyền tải năng lượng tái tạo khổng lồ.

Theo đài truyền hình trung ương CCTV, dự án truyền tải và biến áp dài 4.197 km tại khu vực tự trị Tân Cương, nơi được gọi là “biển chết”, đã hoàn tất vào hôm 13/7.

Phần cuối cùng của vòng lưới điện 750 kilovolt – hiện là vòng lưới điện lớn nhất Trung Quốc – được xây dựng ở rìa phía nam sa mạc Taklamakan và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 11, đánh dấu một cột mốc hạ tầng quan trọng cho khu vực nam Tân Cương.

Hạ tầng này bao gồm gần 10.000 tháp truyền tải cùng với 9 trạm biến áp, nơi sẽ thu gom điện từ các nguồn năng lượng gió, mặt trời, nhiệt điện và thủy điện, biến đổi điện áp trước khi truyền đi phục vụ tiêu dùng, theo Tân Hoa Xã.

Mạng lưới điện mở rộng bao phủ diện tích 1,06 triệu km² và 5 địa khu của Tân Cương. Tân Hoa Xã cho biết phần lớn công trình được xây dọc theo sa mạc Taklamakan, nơi chiếm khoảng 60% diện tích toàn lưu vực Tarim.

Sa mạc Taklamakan được mệnh danh là “biển chết” do các đụn cát luôn thay đổi và bao phủ phần lớn bề mặt, khiến việc di chuyển và xây dựng tại đây trở nên vô cùng khó khăn.

“Trong quá trình thi công tại sa mạc, các phương tiện xây dựng cỡ lớn không thể tiến sâu vì không có đường, lại dễ mắc kẹt trong bẫy cát”, ông Lý Tuấn, quản lý dự án của Chi nhánh Xây dựng Tân Cương thuộc Tập đoàn Lưới điện Nhà nước, chia sẻ với CCTV. “Chiến lược của chúng tôi là xây dựng đường dọc theo toàn tuyến để giải quyết vấn đề vận chuyển vật liệu”.

 Trạm biến áp 750kV Ruoqiang, một phần của dự án năng lượng lưu vực Tarim ở Tân Cương. Ảnh: Xinhua.

Trạm biến áp 750kV Ruoqiang, một phần của dự án năng lượng lưu vực Tarim ở Tân Cương. Ảnh: Xinhua.

Các tuyến đường được xây bằng cách đào cát, sau đó trải lớp vải thấm để tăng độ ổn định của nền đất.

Vòng lưới điện này đã vượt qua nhiều địa hình khắc nghiệt và đa dạng, bao gồm rừng dương sa mạc, vùng đất ngập Taitema, dãy núi Côn Lôn ở phía nam lưu vực và dãy Thiên Sơn ở phía bắc.

Để hoàn thành việc xây dựng tại những vùng núi cao, dốc đứng, công nhân đã lắp đặt các hệ thống cáp treo để vận chuyển gần 3.000 tấn vật liệu lên xây tháp truyền tải, theo Tân Hoa Xã.

Tại các khu vực sa mạc, lưới cỏ cũng được trồng dọc tuyến tháp đã hoàn thiện nhằm giảm tốc độ dịch chuyển của các đụn cát.

Kỹ thuật này cũng được áp dụng trong các dự án chắn cát khác ở Trung Quốc, bao gồm vành đai xanh dài 3.050 km quanh sa mạc Taklamakan, cũng như các vành đai chống cát ở khu tự trị Nội Mông.

Năng lượng tái tạo – gồm mặt trời, gió, nhiệt điện và thủy điện – hiện chiếm hơn một nửa tổng công suất lắp đặt của Tân Cương.

Trước khi lưới điện mới được xây dựng, lưu vực Tarim chỉ dựa vào lưới điện 220kV với khoảng cách truyền tải tối đa 300 km và công suất truyền tải khoảng 300.000 kW.

Hạ tầng mới sẽ giúp tăng gấp đôi khoảng cách truyền tải và nâng công suất lên 3 triệu kW, cho phép kết nối với các lưới điện khu vực khác để truyền tải điện năng đường dài, theo CCTV.

Việc xây dựng các tuyến truyền tải cấp hai cũng đã được triển khai, và chúng sẽ tiếp tục đưa năng lượng đến tỉnh Thanh Hải giáp Tân Cương ở phía tây bắc, và xa hơn về phía nam đến tỉnh Tứ Xuyên, theo Tân Hoa Xã.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-che-ngu-bien-chet-bang-luoi-dien-nang-luong-tai-tao-cao-ap-post187556.html