Phát hiện khu định cư bị lãng quên làm sáng tỏ lịch sử Kitô giáo tại Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, một nhóm nhà khảo cổ học đã khai quật được tàn tích của khu định cư thời Byzantine lâu nay bị lãng quên mang tên Tharais, mở ra những hiểu biết quan trọng mới về lịch sử Kitô giáo ở Trung Đông. Phát hiện này do Phó Giáo sư khảo cổ Musallam R. Al-Rawahneh thuộc Đại học Mu'tah (Jordan) dẫn đầu, đã được công bố trên tạp chí Gephyra.

Khai quật tàn tích khu định cư thời Byzantine bị lãng quên mang tên Tharais. Ảnh: arkeonews.net

Khai quật tàn tích khu định cư thời Byzantine bị lãng quên mang tên Tharais. Ảnh: arkeonews.net

Phát hiện của ông Al-Rawahneh được định hướng bởi bản đồ Madaba – một bức tranh khảm cổ đại từ lâu đã thu hút sự chú ý của giới sử học. Dựa vào bản đồ này, ông xác định vị trí Tharais gần làng El-ʿIrāq của Jordan, trong khu vực được biết đến là Ain Al-Qala’a. Dù khu định cư này đã bị rơi vào quên lãng hàng thế kỷ, Al-Rawahneh nhận định nơi đây từng có vị trí chiến lược trên các tuyến thương mại cổ nối đến khu vực Đông Nam Biển Chết.

Trong quá trình khai quật, nhóm khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như mảnh gốm, công cụ bằng đá, mảnh thủy tinh và cả hóa thạch. Đáng chú ý hơn cả là những tàn tích kiến trúc đáng kể, trong đó nổi bật là một nhà thờ thời Byzantine. Al-Rawahneh đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà thờ Kitô giáo này cùng với một hệ thống ép dầu ô liu cổ, xem đó là hai phát hiện tiêu biểu nhất.

Nhà thờ được mô tả có kiến trúc kiểu basilica (vương cung thánh đường), với những mảnh nền khảm mosaic đặc trưng của các địa điểm Kitô giáo thời Byzantine. Phó Giáo sư Al-Rawahneh cho biết thiết kế của nhà thờ “phản ánh mỹ thuật Byzantine, với phần lối vào nổi bật và có thể còn sót lại các chi tiết trang trí.” Một phần khung cửa chính và mặt tiền của nhà thờ cũng đã được phát lộ.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều dòng chữ khắc cổ, được cho là liên quan đến các nghi thức tang lễ thời xưa. Dù cần thêm phân tích, ông Al-Rawahneh nhận định các dòng chữ này “có thể chứa hình ảnh và biểu tượng Kitô giáo”, hứa hẹn hé lộ thêm nhiều khía cạnh về tập tục tôn giáo cổ đại.

Việc Tharais bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ VII được Al-Rawahneh lý giải là do nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm thay đổi tuyến thương mại, động đất và biến đổi môi trường. Thời kỳ này cũng chứng kiến sự chuyển giao quyền kiểm soát khu vực từ Đế chế Byzantine sang sự cai trị của người Hồi giáo.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ khảo sát thêm các khu vực lân cận và tiến hành phân tích chi tiết hơn về hiện vật khai quật được. Ông Al-Rawahneh bày tỏ hy vọng rằng các nghiên cứu tiếp theo sẽ “làm sâu sắc thêm hiểu biết về Tharais và vai trò của nó trong bối cảnh khảo cổ học Byzantine tại Jordan”.

Đế chế Byzantine, hay còn gọi là Đế chế La Mã phương Đông, tồn tại từ năm 330 đến thế kỷ XV, bắt đầu khi Hoàng đế Constantine Đại đế dời đô La Mã đến thành Byzantium (sau đổi tên thành Constantinople). Cho đến nay, thời kỳ này vẫn liên tục mang đến nhiều phát hiện khảo cổ thú vị trải dài khắp Tiểu Á và Trung Đông. Gần đây, một bức tranh khảm 1.600 năm tuổi từ một tu viện Kitô giáo thời Byzantine đã được trưng bày tại Israel, và một khu mộ Byzantine đã được phát hiện tại Syria khi một nhà thầu đang dọn dẹp đống đổ nát.

Thanh Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phat-hien-khu-dinh-cu-bi-lang-quen-lam-sang-to-lich-su-kito-giao-tai-trung-dong-20250714224651366.htm