Trung Quốc chỉ rõ mục đích của Mỹ ở Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Mỹ không quan tâm đến hòa bình ở Ukraine, mà thay vào đó đang làm mọi thứ có thể để cuộc xung đột ở nước này kéo dài càng lâu càng tốt.
Theo đài RT ngày 29/4, ông Triệu Lập Kiên nhận định: “Trong khi cộng đồng quốc tế đang kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch, Mỹ vẫn tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa và thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu cho đến người Ukraine cuối cùng”. Bình luận này nhắc đến việc Mỹ viện trợ tài chính và chuyển vũ khí từ đến Ukraine.
Ông nói: “Mục tiêu thực tế của họ không phải là đạt được hòa bình, mà là đảm bảo rằng xung đột sẽ kéo dài. Như người Mỹ đã tự nói điều đó, họ đang muốn làm suy yếu nước Nga. Về việc liệu Mỹ mang lại hòa bình hay chiến tranh, an ninh hay hỗn loạn, tôi cho rằng tất cả chúng ta đều biết câu trả lời”.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thừa nhận rằng thông qua giúp đỡ Ukraine, Mỹ muốn thấy “Nga suy yếu đến mức không thể làm những điều mà họ đã làm khi đưa quân vào Ukraine”.
Ngày 28/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm 33 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Theo đề nghị mà ông Biden đã ký và gửi lên Quốc hội Mỹ, hơn 20 tỷ USD trong gói hỗ trợ này sẽ dành để hỗ trợ vũ khí, đạn dược và những hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine, 8,5 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho Kiev và 3 tỷ USD dành cho các hoạt động nhân đạo. Ngoài ra, Nhà Trắng cho biết đề xuất của Tổng thống Biden cũng sẽ cho phép giới chức Mỹ tịch thu thêm nhiều tài sản của các nhà tài phiệt Nga để có thể hỗ trợ tiền cho Ukraine và xử phạt những đối tượng né tránh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Đây là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập và trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine, cũng như giúp Ukraine phục hồi sau xung đột.
Trong khi bác bỏ cử lực lượng của mình hoặc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, như máy bay không người lái, hệ thống pháo hạng nặng Howitzer, tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin.
Cùng ngày, các nhà lập pháp Mỹ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch cho mượn-cho thuê để hỗ trợ Ukraine. Đạo luật này có tên “Đạo luật Cho mượn-Cho Thuế Quốc phòng Dân chủ Ukraine”. Nếu được Tổng thống Joe Biden chấp thuận, Mỹ sẽ dễ dàng gửi vũ khí tới Ukraine hơn. Tuy nhiên, theo nhận định, Ukraine sẽ phải trả tiền cho những lần giao vũ khí đó. Nga đã cảnh báo rằng động thái này có thể khiến Ukraine rơi vào hố nợ, ảnh hưởng đến quốc gia này trong nhiều thế hệ.
Các sự kiện ở Ukraine càng khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng. Bất chấp mọi nỗ lực, chính quyền của ông Biden đã không thể gây áp lực buộc Trung Quốc lên án Nga và tham gia trừng phạt quốc tế chống lại Nga.
Bắc Kinh đã kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nhưng đổ lỗi cho việc bùng phát xung đột là do Mỹ và nỗ lực mở rộng của NATO sát biên giới Nga. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/3, ông Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc giữ quan điểm độc lập đối với khủng hoảng Ukraine. Ông Triệu Lập Kiên khẳng định riêng trong vấn đề Ukraine, Trung Quốc luôn hành xử khách quan, đưa ra các đánh giá độc lập dựa trên bản chất của vấn đề. Ông nhìn nhận việc Mỹ gây sức ép sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi quan điểm.
Liên quan việc các nước gửi vũ khí cho Ukraine, ngày 28/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc này gây nguy hiểm cho an ninh toàn châu Âu, kích động bất ổn tại khu vực này. Tuyên bố của ông Peskov nhằm phản ứng với phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Anh Liz Truss, trong đó kêu gọi các đồng minh tăng cường sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine.