Trung Quốc chính thức sử dụng tàu khảo sát địa chất đảo tổng hợp đầu tiên
Tàu khảo sát địa chất đảo (rạn san hô) tổng hợp đầu tiên của Trung Quốc mang tên 'Địa chất Hải dương 26' chính thức được đưa vào hoạt động tại Hải Nam vào ngày 24/5. Tàu sẽ thực hiện nghiên cứu khảo sát địa chất biển, làm rõ tình hình vị trí, diện tích của các đảo, rạn san hô...
Tàu khảo sát địa chất trên biển này của Trung Quốc có tổng công suất máy chính 2.426 KW, lượng giãn nước 1.713 tấn, tổng chiều dài thân tàu 63,5 mét, độ mớm nước 4,6 mét, thủy thủ đoàn gồm 34 người, có thể tự hoạt động trong 35 ngày và chạy liên tục 3.500 hải lý.
Tàu còn được trang bị 32 bộ thiết bị công nghệ khảo sát địa chất biển tiên tiến như hệ thống khoan thăm dò, hệ thống khảo sát địa vật lý, hệ thống hỗ trợ tác nghiệp biển,..., phục vụ nghiên cứu, khảo sát tổng hợp các nguồn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên của đảo (rạn san hô), năng lượng biển và kiểm tra, giám sát các công trình trên biển.
Theo truyền thông Trung Quốc, tàu khảo sát “Địa chất Hải dương 26” được bàn giao cho Trung tâm khảo sát địa chất hải dương Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, bổ sung sức mạnh cho các thiết bị khảo sát địa chất biển toàn diện của Trung Quốc, hỗ trợ cho việc sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và đảo, xây dựng công trình và phát triển kinh tế biển.
Bước tiếp theo, tàu khảo sát này sẽ thực hiện nghiên cứu khảo sát địa chất biển, tập trung vào các đảo (rạn san hô), tìm hiểu hiện trạng và những thay đổi vị trí, diện tích.
Được biết, tàu khảo sát “Địa chất Hải dương 26” được hạ thủy vào tháng 12/2023 và hoàn thành thử nghiệm toàn diện vào tháng 4/2024. Đây là tàu khảo sát khoa học đa chức năng loại mới đầu tiên của Trung Quốc, thuộc Cục Khảo sát địa chất, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc.