Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu thám hiểm tiểu hành tinh Thiên Vấn-2
Hôm qua (20/2), tàu thăm dò tiểu hành tinh Thiên Vấn-2 (Tianwen-2) của Trung Quốc đã được đưa đến Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương để chuẩn bị phóng trong nửa đầu năm nay.
Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), sứ mệnh Thiên Vấn-2 sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trong một lần phóng, gồm bay ngang qua tiểu hành tinh 2016 HO3, thu thập mẫu vật, mang về Trái Đất và thám hiểm bay ngang qua sao chổi 311P ở vành đai chính.
Cơ sở phóng hiện đang trong tình trạng tốt, công tác chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra trước khi phóng đang được tiến hành theo đúng lịch trình. Việc phóng tàu đã được lên kế hoạch vào nửa đầu năm nay.

Ảnh minh họa: Space News
Tiểu hành tinh 2016 HO3, được gọi là “bán vệ tinh của Trái Đất”, có quĩ đạo quanh Mặt Trời và cũng chuyển động quanh Trái Đất. CNSA cho biết, tiểu hành tinh này giữ các thông tin nguyên thủy của hệ Mặt Trời từ thuở sơ khai, khiến nó như “hóa thạch sống” để nghiên cứu thành phần vật chất, quá trình hình thành và lịch sử tiến hóa của hệ Mặt Trời thời kỳ đầu, có giá trị khoa học to lớn.
Sao chổi 311P ở vành đai chính là một thiên thể nhỏ nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Nó sở hữu các đặc điểm của cả sao chổi và tiểu hành tinh thông thường.
CNSA cho biết, việc nghiên cứu sao chổi 311P sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được thành phần vật chất, cấu trúc và cơ chế tiến hóa của các thiên thể nhỏ, lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu các thiên thể nhỏ trong hệ Mặt Trời.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Thiên Vấn-2 là nhiệm vụ thám hiểm tiểu hành tinh đầu tiên của nước này, rất khác so với các nhiệm vụ thám hiểm trước đây và có ít kinh nghiệm để khai thác trên phạm vi quốc tế. Do đó, sứ mệnh này phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thông tin trước đó cho hay, sứ mệnh Thiên Vấn-2 sẽ được phóng vào khoảng tháng 5/2025 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B. Đây được đánh giá là một trong những nhiệm vụ vũ trụ đáng mong đợi của thế giới trong năm 2025.