Trung Quốc có biến được miền Tây nghèo khó nước này thành nơi trù phú?
Bất chấp hai thập kỷ được đầu tư và ưu tiên, khu vực miền Tây của Trung Quốc vẫn nghèo khó và lạc hậu so với các tỉnh miền Đông duyên hải.
Khu vực miền Tây của Trung Quốc đang phải vật vã với tình trạng dân số giảm, công việc thu hẹp, và nợ nần chồng chất.
Năm 2001, thành phố Định Tây ở Tây Bắc Trung Quốc được chính quyền trung ương nước này cho phép xây một công viên kỹ thuật nông nghiệp có tầm vóc quốc gia, trong đó khoảng 667 hecta sẽ được dành để trồng trọt vụ mùa ở nơi có khí hậu khô cằn không thích hợp cho nông nghiệp.
Giới chức Trung Quốc hy vọng dự án đầy tham vọng này sẽ thu hẹp khoảng cách kinh tế với các thành phố phía Đông có diện tích tương tự như là Phủ Điền ở tỉnh duyên hải Phúc Kiến.
Nhưng 19 năm sau, dự án chẳng mang lại lợi nhuận nào cả. Thay vào đó, dự án này lại trở thành một tượng đài nữa cho thất bại của Trung Quốc trong việc thu hẹp khoảng cách lớn giữa khu vực miền đông trù phú và khu vực miền tây còn tương đối chưa được phát triển.
Định Tây vào đầu thế kỷ 21 có dân số còn lớn hơn cả Phủ Điển nhưng giờ dân số của Định Tây đang teo tóp lại. Thu nhập bình quân đầu người của Định Tây vào năm 2019 chỉ bằng một nửa mức trung bình toàn quốc, còn khoảng cách thu nhập giữa công dân thành thị ở 2 thành phố nói trên tăng từ chưa đến 2.000 nhân dân tệ vào năm 2002 lên mức 13.295 nhân dân tệ (tương đương 1.879 USD) vào năm 2019.
Hai thập kỷ sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch thứ nhất phát triển miền Tây, khu vực rộng lớn này của Trung Quốc (chiếm hơn 70% diện tích đất của Trung Quốc và gần 1/3 dân số nước này) vẫn nghèo hơn khu vực duyên hải phía đông.
Khi vấp phải cuộc chiến thương mại với Mỹ và môi trường quốc tế ngày càng , Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa lại đưa việc phát triển này lên bàn nghị sự.
Vào tháng 5/2020, chính phủ Trung Quốc công bố một bản kế hoạch hướng đông mới nhằm phát triển khu vực vùng sâu vùng xa ở miền tây – khu vực này trải rộng từ Nội Mông ở Tây Bắc tới tỉnh Quảng Tây ở phía nam.
Dự án này rất tham vọng về quy mô. Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ đối mặt với những thách thức về cấu trúc và kinh tế tương tự như trong lần nỗ lực thứ nhất để phát triển vùng này.
Những điều không ổn trong chiến lược của Trung Quốc
Li Qilin, nhà kinh tế trưởng của Yuehai Securities nhận định về chiến lược phát triển trước đây: “Chiến lược phát triển cũ chủ yếu dùng mệnh lệnh hành chính làm đòn bẩy kinh tế… Hai công cụ chính của chiến lược đó, bao gồm trợ cấp tài chính và chính sách ưu đãi cho các vùng lạc hậu, đã làm biến dạng cả các khuyến khích của chính quyền địa phương và gây ra bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực”.
Trong 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã thu hút các nhà đầu tư vào các tỉnh ở sâu trong nội địa, cung cấp hỗ trợ tài chính hào phóng và hạn mức đất đai cho việc xây dựng, tiếp theo sự phát triển nhanh chóng của các vùng duyên hải trong thập niên 1980 và thập niên 1990.
Kể từ năm 2000, trọng tâm của chiến lược phát triển hướng Đông này là cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường sinh thái, và cố đưa một số vùng nghèo thoát khỏi đói nghèo.
Nhưng dòng chảy đầu tư vào khu vực này không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện phát triển công nghiệp tại địa phương, khiến một số tỉnh miền Tây của Trung Quốc chịu nợ nần nặng nề cùng tình trạng ô nhiễm.
Ngoài ra, theo các dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, đóng góp của 12 tỉnh miền Tây vào tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Trung Quốc tăng lên rất ít trong 20 năm qua, lên mức chỉ hơn 20% chút xíu. Trong khi đó, khu vực duyên hải phía đông đóng góp trên 50%.
Khoảng cách GDP tính theo đầu người đã tăng từ 7.000 nhân dân tệ vào năm 2000 lên mức 40.000 nhân dân tệ vào năm 2018. Bất bình đẳng giữa bản thân các tỉnh miền Tây cũng không được thu hẹp đáng kể.
Nghiên cứu cho thấy, mô hình phát triển thứ nhất tạo ra nhiều vấn đề hơn là ích lợi.
Theo một nghiên cứu năm 2009 của Lô Trung Nguyên, một thành viên trong 2 thập kỷ của Quốc vụ viện Trung Quốc, thì “việc không xác định được hoàn cảnh địa lý, các điều kiện đặc thù… đã làm nảy sinh một chuỗi vấn đề như là sắp xếp công nghiệp bất hợp lý, thúc đẩy đầu tư mù quáng, và cạnh tranh không lành mạnh”.
Từ năm 2003 đến 2016, dữ liệu chính phủ cho thấy hạn ngạch đất đai dành cho xây dựng ở miền tây Trung Quốc tăng từ dưới 20% tổng mức toàn quốc lên khoảng 35%, trong khi mức tương ứng của miền ven biển phía Đông giảm từ 65% xuống còn 34%.
Theo đó, mức đầu tư cơ sở hạ tầng ở các tỉnh phía Tây tăng từ 21% lên 26% trong khoảng thời gian 2003-2016, và mức đầu tư ở các tỉnh phía Đông giảm từ hơn 52% xuống còn 42%.
Nhưng mức tăng nhanh chóng trong đầu tư phía Tây mang lại những kết quả nhỏ bé – đóng góp tổng thể của vùng này cho GDP chỉ tăng có 4% so với cùng thời kỳ.
Các chính sách ưu đãi khác cho khu vực này bao gồm thuế suất doanh nghiệp 15% (thấp hơn một thuế suất 33% ở các khu vực khác vào đầu thập niên 2000).
Việc chính quyền trung ương đầu tư ngân sách ồ ạt đã thu hẹp khác biệt trong doanh thu thuế của chính quyền ở miền Tây và bờ Đông.
Vào năm 2005, tiền nộp ngân sách bình quân đầu người ở miền Tây là bằng 2/3 mức của miền đông, so với chỉ 1/3 trước lúc trợ cấp, theo ông Lô.
Tuy nhiên các chính sách này kết hợp lại vẫn không giúp được kinh tế của các tỉnh nằm sâu trong nội địa như kỳ vọng. Thay vào đó, các ưu đãi này còn khiến các tỉnh miền Tây vung tiền quá mức cho hoạt động xây dựng, đến mức mà mỗi huyện ở đây đều có một hoặc hai khu công nghiệp.
Hiệu quả sử dụng đất kém, xây dựng tràn lan, nợ tăng, ô nhiễm tăng
Một báo cáo của Bộ Tài nguyên Trung Quốc vào năm 2019 cho thấy các khu công nghiệp ở miền Tây Trung Quốc có mức hiệu quả thấp trong sử dụng đất cho phát triển công nghiệp. Lợi nhuận thu được từ đất công nghiệp ở miền Tây còn thấp hơn một nửa mức độ của vùng duyên hải phía Đông.
Lu Ming, một giáo sư kinh tế tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết: “Phân bổ đất đai, theo đó là đầu tư ồ ạt, đã khiến các chính quyền địa phương ở miền Tây tích tụ nợ nần vượt quá mức họ có thể thanh toàn bằng nguồn thu của ngân sách”.
Các nhà kinh tế cho biết, một số tỉnh miền Tây Trung Quốc đã chấp nhận một số ngành thâm dụng năng lượng và gây ô nhiễm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, áp dụng các quy định môi trường lỏng lẻo hơn so với khu vực ven biển. Điều này dẫn tới tình trạng ô nhiễm khu vực phía Tây của sông Dương Tử (Trường Giang) – nguồn nước uống chính của Trung Quốc và làm tăng mức độ phát thải khí độc.
Nghiên cứu của nhóm Huang Xiulian tại Đại học Địa chất Hà Bắc (Trung Quốc) cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2005-2015, phát thải khí sulphur dioxide công nghiệp giảm 11% ở miền đông Trung Quốc nhưng lại tăng 4,5% ở miền tây.
Việc gia tăng chuyển tiền từ chính quyền trung ương đã khiến giới chức địa phương ỷ vào đó để tăng cường vay.
Một số tỉnh miền Tây, bao gồm Quế Châu và Quảng Tây, nằm trong số các địa phương nợ nần nặng nề nhất của Trung Quốc. Tổng mức nợ của các tỉnh này cao gấp 1,5 lần mức thu của họ trong năm 2019, theo tính toán của Li thuộc Yuehai Securities.
Bắc Kinh trong các năm gần đây đã thúc đẩy triết lý phát triển theo hướng tăng trưởng “không phải là cân bằng mà là tích tụ”, theo đó họ phân bổ thêm nguồn lực cho các thành phố lớn hoặc cụm thành phố.
Còn với chiến lược mới, giới kinh tế nhận thấy các tỉnh nghèo và giàu không khác biệt quá nhiều về GDP bình quân đầu người.
Kế hoạch phát triển miền Tây mới của Trung Quốc nhấn mạnh nhiều hơn tới tương tác giữa các cụm thành phố khác nhau giữa “Khu vực Vùng Vịnh mở rộng” ở phía nam và khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc ở phía bắc.
Lu cho biết, trong chương trình phát triển mới đối với vùng phía Tây, cần chú trọng đặc thù địa phương tác động lên lợi thế so sánh địa phương. Theo ông, những nơi xa biển, xa thành phố lớn, và cơ sở hạ tầng giao thông thì không nên chạy theo việc phát triển công nghiệp./.