Trung Quốc có bước đi 'lịch sử' để ổn định thị trường bất động sản đang bị khủng hoảng
Ngày 17/5, Trung Quốc đã công bố những bước đi quan trọng nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản đang bị khủng hoảng, bao gồm cho phép chính quyền địa phương mua lại một số căn hộ, nới lỏng quy định về thế chấp và cam kết hoàn thành các dự án nhà ở chưa hoàn thiện. Đây được coi là những biện pháp 'lịch sử' trong bối cảnh bất động sản nước này đang gặp khó khăn.
Các nhà đầu tư hy vọng các biện pháp này đánh dấu sự khởi đầu của sự can thiệp quyết liệt hơn của chính phủ nhằm bù đắp cho nhu cầu suy yếu đối với cả căn hộ mới và căn hộ cũ, làm chậm quá trình giảm giá và giảm lượng nhà tồn kho ngày càng tăng.
Công bố biện pháp mới
Các nhà phân tích từ lâu đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc can thiệp bằng cách mua sắm để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, vốn từng chiếm tới 1/5 GDP và hiện đang là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thị trường bất động sản bắt đầu suy thoái mạnh vào năm 2021, khiến nhiều nhà phát triển phá sản và để lại nhiều công trường xây dựng dang dở, làm mất niềm tin của người dân vào bất động sản.
Theo các biện pháp mới, chính quyền địa phương có thể hướng dẫn các công ty nhà nước mua lại một số căn hộ với giá "hợp lý". Những căn hộ này sẽ được sử dụng làm nhà ở giá rẻ, nhưng chưa có thời gian cụ thể hay mục tiêu mua rõ ràng. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết chính quyền địa phương, đang vướng khoản nợ khoảng 9 nghìn tỷ USD, cũng có thể mua lại đất từ các nhà phát triển và cam kết hoàn thành các dự án nhà ở bị đình trệ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một cơ sở cho vay lại trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (41,53 tỷ USD) để hỗ trợ nhà ở giá rẻ và giảm lãi suất thế chấp cũng như yêu cầu trả trước.
Chỉ số Bất động sản CSI 300 của Trung Quốc đã tăng gần 9% sau thông báo này. Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, nhận định: "Đây là một hướng đi tích cực và đáng khích lệ khi các chính phủ đang vào cuộc để mua hàng tồn kho nhà ở. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là ai sẽ tài trợ cho việc mua bán và họ sẽ tài trợ bao nhiêu."
Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ANZ, cho rằng các biện pháp mới này cho thấy sự cần thiết phải giải quyết khẩn cấp sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Ông cũng nhấn mạnh rằng các chính quyền địa phương cần có đủ khả năng tài chính để thực hiện các nhiệm vụ do trung ương đề ra.
Khả năng tác động lớn đến thị trường
Goldman Sachs ước tính lượng tồn kho nhà ở có thể bán được là 13,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,87 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2023, và cần khoảng 5 nghìn tỷ nhân dân tệ đầu tư để hoàn thành các công trình chưa hoàn thiện. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy có 395 triệu mét vuông (4,25 tỷ feet vuông) nhà ở mới được rao bán trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một giám đốc điều hành cấp cao của một nhà phát triển bất động sản tại Thượng Hải cho rằng các chính sách giải phóng hàng tồn kho này khá mạnh mẽ và sẽ khiến các nhà đầu tư tin rằng chính phủ đang "thanh toán hóa đơn", chuyển rủi ro từ tài sản sang ngân hàng và chính quyền địa phương.
Kể từ khi thị trường bất động sản suy thoái vào năm 2021, Trung Quốc đã cố gắng hạ lãi suất và nới lỏng các hạn chế mua nhà, nhưng các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để tạo nền tảng vững chắc cho lĩnh vực bất động sản. Việc khuyến khích người dân thay thế căn hộ cũ bằng căn hộ mới cũng không đạt hiệu quả do nhu cầu mua nhà cũ vẫn yếu.
Trong bối cảnh này, nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc vẫn còn là một câu hỏi lớn, đặc biệt khi quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số và tỷ lệ sở hữu nhà ở đã đạt tới 96%.
Những biện pháp mới của Trung Quốc có thể là bước đầu tiên trong một loạt các hành động nhằm ổn định thị trường bất động sản, nhưng hiệu quả thực sự của chúng sẽ phụ thuộc vào cách thức và quy mô thực hiện.
Thành An (theo Reuters)