Trung Quốc có động thái cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng
Cơ quan y tế hàng đầu Trung Quốc cho biết, công nghệ đông lạnh trứng khó có thể tiếp cận được đối với phụ nữ độc thân, do rủi ro y tế và các vấn đề đạo đức. Nhiều cư dân mạng cho rằng lệnh cấm này đã tước đi quyền sinh con của phụ nữ lớn tuổi, mặc dù điều này có tác động ngăn chặn phụ nữ bán trứng.
Gần đây, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố các rủi ro y tế và các vấn đề đạo đức đằng sau lệnh cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng. Theo đó, lập trường của Ủy ban đã vấp phải sự phản đối từ nhiều cư dân mạng Trung Quốc, những người cho rằng lệnh cấm này là phân biệt đối xử và tước đi quyền sinh con sau này của một số phụ nữ.
Ở Trung Quốc, công nghệ hỗ trợ sinh sản phần lớn được sử dụng để giúp đỡ những phụ nữ đã kết hôn có vấn đề về khả năng sinh sản. Các quy định y tế từ chối phụ nữ độc thân tiếp cận với các phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và đông lạnh trứng do các bệnh viện và cơ quan Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, đàn ông độc thân được quyền đông lạnh tinh trùng hợp pháp để sử về sau.
Công nghệ đông lạnh trứng và những tác động của nó
Trong một tuyên bố trên trang web vào tháng trước, Ủy ban y tế cho biết, công nghệ đông lạnh trứng sẽ không thể tiếp cận đối với những phụ nữ độc thân, vì việc lấy trứng gây rủi ro về mặt y tế và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ. Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập đến các vấn đề đạo đức, làm nổi bật nguy cơ liên quan đến hoạt động thương mại, lợi dụng phụ nữ bán trứng. Điều này cũng dễ dàng dẫn đến mang thai hộ, một hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Ủy ban này cho biết đang xem xét đưa ra quy định cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng và thụ tinh nhân tạo (IVF) có hiệu lực pháp luật. Theo tuyên bố của Ủy ban này, vấn đề phụ nữ muốn đông lạnh trứng chỉ đơn giản là để trì hoãn việc sinh con. Đây cũng là chủ đề gây tranh luận gay gắt trên toàn thế giới và trong giới học thuật.
"Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thành công của công nghệ sinh sản giảm xuống khi tuổi của phụ nữ tăng lên", Ủy ban này cho biết. "Ở Mỹ và châu Âu, các chuyên gia cũng đã nói rõ ràng rằng công nghệ đông lạnh trứng được thương mại hóa mang lại hy vọng sai lầm cho phụ nữ, những người trì hoãn việc sinh con, muốn có con ở độ tuổi cao hơn."
Tuyên bố củng cố quan điểm mà Ủy ban này đưa ra sau một đề xuất gần đây của cố vấn chính sách và luật sư Peng Jing tại hội nghị chính trị hàng năm của Trung Quốc nhằm thay đổi các quy định cho phép phụ nữ chưa kết hôn tiếp cận với công nghệ để "đảm bảo quyền bình đẳng của họ".
Chính sách trên đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu chính phủ và truyền thông Trung Quốc cũng như trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Theo đó, nhiều cư dân mạng bày tỏ lo ngại rằng các quy định này là một nỗ lực nhằm thúc giục phụ nữ trẻ kết hôn và sinh con sớm.
"Rõ ràng là họ chỉ muốn phụ nữ có con sớm", một người dùng mạng xã hội chi sẻ.
Sinh con – chủ đề luôn được quan tâm ở Trung Quốc
Khả năng sinh sản của phụ nữ đã là một chủ đề được tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Đất nước này đã phải vật lộn với tỷ lệ sinh giảm kể từ năm 1990. Và vào năm 2019, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 60 năm, một phần là do chính sách một con mới bị bãi bỏ vào cuối năm 2015.
Trong những năm gần đây, các nhà chức trách đã khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, nhưng nhiều phụ nữ Trung Quốc đang dần ngó lơ thiên chức làm mẹ vì những lý do bao gồm khó khăn trong việc tìm bạn đời phù hợp, chi phí nuôi con cao và các vấn đề về tài chính khi sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Do đó, xu hướng này đã thúc đẩy ngày càng nhiều phụ nữ tìm cách đông lạnh trứng.
Một bác sĩ sản phụ khoa nổi tiếng trên mạng đến từ Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, người sử dụng tên "Bác sĩ Chen" nói rằng, chính sách này được áp dụng phần lớn để ngăn chặn việc mang thai và bán trứng ở phụ nữ.
Dong Xiaoying, một luật sư ở Quảng Châu và là người sáng lập Mạng lưới những người ủng hộ cho một mạng lưới gia đình đa dạng, cho biết, phụ nữ nên có khả năng tự đánh giá rủi ro của việc đông lạnh trứng thay vì để Ủy ban đưa ra quyết định.
"Đối với những phụ nữ độc thân giàu có, họ có thể làm điều này ở Mỹ hoặc châu Âu. Dù có hạn chế hay không, nhu cầu vẫn tồn tại", luật sư Dong nói khi nhắc đến những phụ nữ Trung Quốc giàu có đi du lịch nước ngoài để đông lạnh trứng.
Kiện tụng do không được chấp nhận đông lạnh trứng
Vào năm 2019, cô Theresa Xu, một người phụ nữ độc thân đã đệ đơn kiện lên Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh vì đã từ chối đông lạnh trứng của cô để bảo vệ khả năng sinh sản cho đến khi cô tìm được bạn đời phù hợp. Nói về điều này, Xu khẳng định việc bệnh viện từ chối đông lạnh trứng vào năm 2018, khi cô 30 tuổi là phân biệt đối xử với phụ nữ độc thân.
Xu cho biết, cô muốn chính phủ cởi mở thảo luận thêm, xem xét đến việc các công nghệ hỗ trợ sinh sản đang được sử dụng trên phạm vi quốc tế ngày càng tăng, cũng như có nhiều điều luật được đưa ra để quản lý. Cô còn lấy ví dụ ở các quốc gia khác.
"Nếu có ngân sách tốt hơn và có nhiều nghiên cứu khoa học hơn, tôi nghĩ rằng các vấn đề công nghệ có thể được cải thiện. Vấn đề đạo đức cũng là chủ đề thường xuyên được thảo luận trên mạng xã hội", Xu nói.
Cô nói thêm rằng, quyết định này của chính phủ là vì lo ngại thương mại hóa là không thiết thực. Bởi ngay cả hiện tại, bất chấp chính sách hiện hành, phụ nữ vẫn bán trứng bất hợp pháp. Chưa kể mang thai hộ đã trở thành là một phần trong cuộc sống ở Trung Quốc bất chấp các lệnh cấm về hành vi này.
Vụ án được xét xử vào cuối năm 2019, đến nay vẫn chưa đưa ra phán quyết.
Nguồn: SCMP