Trung Quốc có thể trả giá đắt vì chiến lược 'zero Covid'
Tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể Omicron là thách thức lớn cho chiến lược 'zero Covid' của Trung Quốc mà cho đến gần đây được xem là thành công nếu chỉ nhìn vào số ca nhiễm và tử vong ít ỏi ở nước này. Tuy nhiên, cách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đến mức cực đoan đang khiến nhiều người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là ngành dịch vụ, ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải trả giá khi họ bị hạn chế đi lại, kinh doanh.
Chiến lược ‘zero Covid’ đẩy chuỗi cung ứng nhập khẩu Hong Kong đến bờ vực sụp đổ
Số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc về zero sau 1 tháng xét nghiệm, phong tỏa
Các gói thực phẩm được phân phát cho cư dân ở một khu chung cư tại TP. Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, nơi bị đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào cuối tháng 12. Ảnh: Reuters
Người dân khốn đốn vì bị phong tỏa
Biến thể Omicron lan rộng khắp Trung Quốc trong những ngày gần đây, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, trung tâm tài chính Thượng Hải, trung tâm công nghiệp và xuất khẩu Quảng Đông và cả các thành phố cảng lớn như Đại Liên và Thiên Tân, buộc giới chức trách phải áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở những nơi đó. Tỉnh Hà Nam và TP. Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây là những nơi đang bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người.
Hôm 17-1, Trung Quốc ghi nhận 223 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ tháng 3-2020. TP. Tây An bị đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ ngày 22-12 do xuất hiện các ca lây nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng. Chính quyền Tây An đã hành động dứt khoát và nhanh chóng khi số ca nhiễm trên đà tăng.
Tuy nhiên, giới chức trách chưa chuẩn bị về nhiều mặt bao gồm thực phẩm, chăm sóc y tế và các nhu cầu thiết yếu khác cho 13 triệu cư dân của thành phố, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong những ngày đầu phong tỏa. Đó là cuộc khủng hoảng chưa từng thấy kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên phong tỏa Vũ Hán vào tháng 1-2020. Hàng chục ngàn người dân Tây An bị đưa đến các khu cách ly tập trung. Nhiều người dân đói khát do không nhận được thực phẩm kịp thời từ chính quyền.
Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra. Chẳng hạn, hồi đầu tháng này, các nhân viên của một bệnh viện ở thành phố Tây An đã từ chối tiếp nhận một người đàn ông bị đau tim vì ông ấy đến từ một quận bị xếp vào mức rủi ro trung bình. Sau khi chờ đợi 8 tiếng đồng hồ, ông mới được cho nhập viện nhưng đã quá muộn. Bác sĩ nói với người nhà rằng ông ấy đáng ra được cứu sống nếu nhập viện trong vòng 2 tiếng sau khi lên cơn đau tim.
Một trường hợp khác, một phụ nữ mang thai 8 tháng đã bị sẩy thai sau khi bị từ chối nhập viện chỉ vì giấy xét nghiệm Covid-19 của cô mới hết hạn vài tiếng.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, giới chức trách đã phải sa thải và đình chỉ một số nhân viên của các bệnh viện liên quan.
Một clip ghi lại cảnh hai dân phòng đánh một thanh niên vì phát hiện anh này đi ra ngoài mua bánh bao giữa lúc toàn thành phố đang phong tỏa. Người thanh niên đã giải thích rằng nhà anh không còn gì để ăn, nhưng hai dân phòng nói rằng họ không quan tâm đến điều đó. Hai dân phòng đã bị tạm giam sau khi clip được tung lên mạng.
Với tình trạng bệnh nhân chết vì các bệnh không phải Covid, người dân đói khát, lệnh phong tỏa ở Tây An cho thấy nỗi khổ của người dân khi giới chức trách theo đuổi chiến lược quét sạch ca nhiễm Covid.
Thành công ban đầu của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch thông qua các chính sách độc đoán, sắt đá đã khích lệ tinh thần chống dịch quyết liệt của các quan chức. Nhiều quan chức hiện nay tin rằng họ phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo không thêm ca nhiễm. Đối với họ việc kiểm soát dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, cuộc sống và phẩm giá của người dân bị đặt ở phía sau.
Có nhiều lý do khiến bộ máy công quyền hành động cứng nhắc trong nỗ lực kiểm soát dịch. Năm ngoái, một bác sĩ ở tỉnh An Huy bị kết án 15 tháng tù vì không tuân thủ các biện pháp phòng dịch sau khi tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân bị sốt. Gần đây, hai quan chức ở Tây An cũng bị sa thải vì chống dịch “thiếu quyết liệt”. Hồi đầu tháng 1, phó giám đốc của một cơ quan chính quyền ở Bắc Kinh bị cách chức vì chỉ trích các biện pháp phong tỏa là “vô nhân đạo” và “độc ác” trong một bài viết trên mạng xã hội.
Hôm 16-1, các quan chức cho biết họ bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn đối với những khu vực rủi ro thấp và cho phép người dân rời khỏi nhà trong khung giờ nhất định để mua nhu yếu phẩm.
Omicron khiến kinh tế Trung Quốc trả giá đắt
Chiến lược “zero Covid” cho đến nay vẫn có tác dụng: Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ít hơn rất nhiều so với các nước khác và Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng vào năm 2020, rồi tiếp tục tăng trưởng 8,1% trong năm 2021.
Tuy nhiên, biến thể Omicron có thể làm bộc lộ một số sai sót nghiêm trọng trong chiến lược đó. Biến thể này dễ lây lan hơn những biến thể khác nên rất khó để ngăn chặn. Và khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với virus, các nhà kinh tế cho rằng chiến lược không khoan nhượng với Covid-19 có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải trả giá đắt trong năm nay.
Ngân hàng Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 từ 4,8% xuống 4,3%, dựa trên những tiến triển mới nhất của dịch bệnh Covid tại nước này, đặc biệt là khi giới trách có thể phải áp đặt mức độ hạn chế đi lại và phong tỏa cao hơn trước đây (do đó chi phí kinh tế cũng cao hơn) để kiểm soát đà lây lan của biến thể Omicron.
Ngân hàng Morgan Stanley cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng Omicron có thể khiến chiến lược “zero-Covid” gây ra nhiều thiệt hại hơn là những lợi ích nó mang lại. Tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đạt 4,9% trong quí đầu tiên của năm 2022, nhưng cũng có thể chậm lại về mức 4,2% “nếu Omicron lan sang các khu vực khác và dẫn đến nhiều lệnh phong tỏa trên toàn thành phố”.
Họ cho rằng “sự gián đoạn sâu hơn đối với các dịch vụ” là rủi ro hàng đầu đối với Trung Quốc, nếu nước này mở rộng các biện pháp ngăn chặn Covid-19 sang nhiều thành phố khác.
Biến thể Omicron có thể giáng một đòn mạnh vào các nhà máy và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, làm trầm trọng thêm mối đe dọa kinh tế.
Đợt bùng phát của biến thể Delta mới đây cũng đã buộc trung tâm công nghiệp Tây An phải đóng cửa vào hồi đầu năm nay, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của các nhà sản xuất chip toàn cầu như Samsung (Hàn Quốc) và Micron (Mỹ).
Hiện nay, các ca nhiễm Omicron đã xuất hiện ở các thành phố cảng lớn của Trung Quốc. Gần đây, tình trạng tắc nghẽn tàu container tại các cảng Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn khi nhiều thành phố thực hiện các quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt hoặc tăng cường các chiến dịch xét nghiệm hàng loạt trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 31-1.
Chưa thể từ bỏ chiến lược quét sạch Covid
Trung Quốc có khả năng sẽ chưa từ bỏ cách tiếp cận “zero-Covid” trong một thời gian nữa. Lý do là vaccine Covid-19 của nước này, do hãng công nghệ Sinovac sản xuất, không chống lại biến thể Omicron hiệu quả bằng các vaccine khác của phương Tây. “Phần lớn người dân Trung Quốc không có kháng thể chống lại Omicron,” các lãnh đạo tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group viết trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng này. “Việc đóng cửa biên giới đất nước trong hai năm khiến việc mở cửa trở lại càng trở nên rủi ro hơn”, báo cáo nhận định.
Bắc Kinh lo ngại rằng bất kỳ sự nới lỏng nào trong việc kiểm soát Covid-19 cũng có thể dẫn đến cơn bùng nổ số ca nhiễm, đe dọa hệ thống y tế do hiệu quả tương đối thấp của các vaccine do Trung Quốc sản xuất và một bộ phận người dân ở vùng nông thôn vẫn chưa được tiêm chủng.
Khoảng 86% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng các loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất, do hãng dược Sinopharm và hãng công nghệ sinh học Sinovac phát triển, sử dụng virus bất hoạt được cho là ngăn chặn ít hiệu quả đối với biến thể Omicron so với các vaccine công nghệ mRNA của phương Tây.
Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong và Đại học Trung văn Hương Cảng công bố hồi cuối tháng 12 cho thấy rằng ba mũi vaccine của Sinovac vẫn chưa tạo ra đủ hàm lượng kháng thể để chống lại Omicron.
Cùng với những lo ngại về sức khỏe của người dân, một số sự kiện quan trọng sắp tới có thể sẽ thuyết phục Bắc Kinh tiếp tục hành động mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh.
Trung Quốc đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022 vào tháng 2 tới, khiến nhiệm vụ ngăn chặn Omicron trở nên quan trọng trong thời gian tới. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng được cho là sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 vào nửa cuối năm nay, càng khiến Bắc Kinh phải tập trung ổn định tình hình kinh tế xã hội trong thời gian này.
Tuy nhiên, chi phí kinh tế của nỗ lực khống chế một biến thể lây lan cực nhanh như Omicron có thể rất lớn. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Nomura nhận định doanh số bán lẻ và các dịch vụ khác ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng lớn nếu có nhiều đợt phong tỏa được triển khai. Họ cho biết thêm rằng lợi ích của chiến lược “zero-Covid” có thể sẽ giảm đi và chi phí sẽ tăng lên. Họ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 2,9% trong quí đầu tiên và 4,3% cho cả năm 2022.
Trong khi đó, các lãnh đạo của Eurasia Group, bao gồm Chủ tịch Ian Bremmer, coi sự thất bại của chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc là rủi ro địa chính trị toàn cầu hàng đầu trong năm 2022. Họ cảnh báo sự sụp đổ của chiến lược này có thể dẫn đến các đợt bùng phát dịch lớn hơn, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn và gián đoạn kinh tế lớn hơn.
Họ viết trong một báo cáo trong tháng này: “Đó là diễn biến ngược lại so với những gì Chủ tịch Tập Cận Bình mong đợi khi ông sắp bước vào nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ông ấy không thể làm gì khác được. Thành công ban đầu của chiến lược “zero Covid” và dấu ấn cá nhân của ông Tập với chiến lược này khiến Trung Quốc không thể thay đổi phương hướng chống dịch”.
Theo WSJ, New York Times, Bloomberg
Chánh Tài