Trung Quốc: Đại lễ thương mại điện tử 618 ghi nhận doanh số lần đầu tiên sụt giảm

Lễ hội thương mại điện tử 618 của Trung Quốc chứng kiến doanh số bán hàng lần đầu tiên sụt giảm sau 8 năm, báo hiệu sự phục hồi tiêu dùng ở thị trường tỷ dân vẫn còn khá chậm.

Lễ hội mua sắm 618 là sự kiện thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc xét về doanh thu hàng năm, sau lễ hội mua sắm "Ngày độc thân" vào tháng 11. Ảnh: Reuters

Lễ hội mua sắm 618 là sự kiện thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc xét về doanh thu hàng năm, sau lễ hội mua sắm "Ngày độc thân" vào tháng 11. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của nhà cung cấp dữ liệu bán lẻ Syntun, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của các công ty hoặc doanh số bán hàng trong lễ hội mua sắm giữa năm 618 đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 742,8 tỷ nhân dân tệ (102,3 tỷ USD). Đây cũng là lần đầu tiên doanh số bán hàng sụt giảm kể từ khi Syntun bắt đầu theo dõi sự kiện mua sắm này vào năm 2016, đại diện công ty nói với đài CNBC.

Lễ hội thương mại điện tử 618 được đặt tên theo ngày thành lập 18 tháng 6 của "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, mặc dù các công ty khác như Tmall của tập đoàn Alibaba và Pinduoduo của PDD Holdings cũng tham gia và đưa ra các ưu đãi và giảm giá lớn. Đơn cử, một số mẫu iPhone đã được bán với giá giảm lên tới 20% trên JD.com và Tmall.

Lễ hội mua sắm 618 là sự kiện thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc xét về doanh thu hàng năm sau lễ hội mua sắm "Ngày độc thân" vào tháng 11 - cả hai đều được coi là "nhiệt kế" đo lường sức chi tiêu của các hộ gia đình tại thị trường tỷ dân.

Theo phân tích của Syntun, doanh số bán hàng vẫn suy giảm, bất luận có đến 20 nền tảng bán hàng trực tuyến đã kéo dài thời gian bán hàng trong lễ hội 618. Đơn cử, Tmall đã bắt đầu bán hàng dịp lễ hội 618 sớm nhất là vào ngày 20/5, sớm hơn 10 ngày so với lịch bắt đầu thông thường là ngày 31/5.

Doanh số bán hàng sụt giảm phản ánh niềm tin của người tiêu dùng suy giảm đối với thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Thời Covid-19, doanh số bán hàng tại lễ hội mua sắm 618 vẫn tăng trưởng, bất luận những tác động của đại dịch và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Thực chất, đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện tốt cho các nhà bán lẻ trực tuyến và những người có ảnh hưởng (KOL) phát trực tiếp (livestream) bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Syntun, chỉ riêng các nền tảng truyền thông xã hội với tính năng phát trực tiếp đã tạo ra tổng giá trị hàng hóa giao dịch lên tới 206,8 tỷ nhân dân tệ (28,4 tỷ USD) trong lễ hội mua sắm 618 năm nay, tăng từ mức 184,4 tỷ nhân dân tệ (25,4 tỷ USD) vào năm 2023, trong đó Douyin của ByteDance đạt giá trị hàng hóa giao dịch cao nhất qua kênh phát trực tiếp.

Một số nền tảng thương mại điện tử truyền thống ở Trung Quốc vẫn báo cáo kết quả tích cực trong dịp lễ mua sắm 618 năm nay, bất chấp tổng GMV giảm.

JD.com cho biết doanh thu và số lượng đơn hàng của họ đã đạt đỉnh mới trong lễ hội 618 năm nay, mặc dù công ty này không công bố số liệu bán hàng.

Trong khi đó, Tmall, công ty đứng đầu về doanh số bán hàng trong báo cáo của Syntun, cho biết tính đến ngày 18/6 , 365 thương hiệu trên nền tảng này đã vượt qua mốc giá trị hàng hóa giao dịch 100 triệu nhân dân tệ (13,8 triệu USD), trong khi hơn 36.000 thương hiệu đã tăng gấp đôi giá trị GMV của họ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược. Doanh số bán lẻ tháng 5 của nước này đã vượt kỳ vọng khi tăng 3,7% so với một năm trước, cao hơn mức tăng 3% theo kết quả thăm dò của Reuters. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 5 đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6% được dự báo, còn đầu tư tài sản cố định tăng 4%, thấp hơn mức tăng 4,2% được các nhà kinh tế dự báo.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-dai-le-thuong-mai-dien-tu-618-ghi-nhan-doanh-so-lan-dau-tien-sut-giam-d218211.html