Trung Quốc đang ở 'ngã ba đường' với các gói kích thích kinh tế, thị trường lên 'tàu lượn siêu tốc'

Thời gian qua, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích kinh tế quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế. Deutsche Bank nhận định, đây có thể là biện pháp kích thích kinh tế 'lớn nhất trong lịch sử' theo nghĩa danh nghĩa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích kinh tế quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế. (Nguồn: Bloomberg)

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích kinh tế quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế. (Nguồn: Bloomberg)

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã phải vật lộn với những vấn đề khó khăn của nền kinh tế như: Giá tiêu dùng đã tiến gần đến mức giảm phát, tình trạng cung vượt cầu về nhà ở và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt. Áp lực gia tăng đã buộc chính phủ Trung Quốc phải vào cuộc.

Chính phủ đã đưa ra kế hoạch phát hành các lô trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm nay.

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, Trung Quốc cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ tín dụng. Một trong những quyết định quan trọng là giảm lãi suất ngắn và trung hạn, điều này sẽ giúp giảm chi phí vay mượn cho các doanh nghiệp và cá nhân.

Ngoài ra, việc giảm 25% tiền đặt cọc cho khách hàng mua nhà thứ hai cũng là một nỗ lực đáng kể để kích thích nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản, một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc.

Động thái này mang tính lịch sử, vì đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, Bắc Kinh đã quyết định bơm vốn vào các ngân hàng lớn. Hành động này không chỉ nhằm đảm bảo rằng các ngân hàng có đủ khả năng tài chính để cung cấp tín dụng mà còn giúp tăng cường niềm tin trong thị trường tài chính.

Ngoài ra, 800 tỷ Nhân dân tệ dự kiến cũng sẽ chảy vào thị trường vốn của Trung Quốc.

Một chuyến "tàu lượn siêu tốc" của thị trường

Ban đầu, phản ứng của thị trường với những biện pháp kích thích của Trung Quốc là hoàn toàn tích cực.

Vào tuần cuối cùng của tháng 9, thị trường chứng khoán ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong (Trung Quốc) đã chứng kiến mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 16 năm .

Đến ngày 8/10, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, doanh thu trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đạt mức chưa từng có là 3,43 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã tổ chức một cuộc họp báo trong đó các quan chức dự kiến sẽ tiết lộ các chính sách cụ thể để bổ sung cho các biện pháp kích thích được công bố vào tháng trước.

Tuy nhiên, các chính sách được kỳ vọng đã không được đưa ra. Thay vào đó, các quan chức NDRC chủ yếu tóm tắt các thông báo của tháng 9 và bình luận về tình hình kinh tế nói chung.

Đến ngày 9/10, chỉ số tổng hợp Thâm Quyến đã giảm 8,2%, đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/1997.

Ông Richard Hunter, người đứng đầu thị trường của nền tảng giao dịch Interactive Investor, mô tả sự sụt giảm của thị trường chứng khoán là sự phản ánh của "sự thất vọng của nhà đầu tư".

Hiện tại, thị trường vẫn không chắc chắn về hướng đi trong tương lai của các chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Vào tháng 7, chính quyền Trung Quốc khẳng định trong thông cáo Phiên họp toàn thể lần thứ ba rằng, đất nước "phải tiếp tục cam kết" đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5%. So với hiệu suất kinh tế của đất nước những năm qua, đây là một mục tiêu khiêm tốn.

Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc thường xuyên sử dụng các biện pháp kích thích quy mô lớn để phục hồi nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái.

Đơn cử như để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Điều này đã giúp Bắc Kinh đứng vững trong cuộc khủng hoảng và được coi là yếu tố ổn định chính của nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng gói kích thích đó cũng tích lũy hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ tiền nợ thông qua tài trợ của chính quyền địa phương và đẩy nhanh sự gia tăng của các hoạt động tài chính không được kiểm soát.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã chi mạnh tay để kích thích nền kinh tế vào năm 2015, sau sự biến động của thị trường chứng khoán. Tiếp theo đó là những gói kích thích kinh tế sau đại dịch.

Hiện tại, thị trường vẫn không chắc chắn về hướng đi trong tương lai của các chính sách kinh tế của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Hiện tại, thị trường vẫn không chắc chắn về hướng đi trong tương lai của các chính sách kinh tế của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Sẽ có 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ tung ra thị trường?

Các số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây suy yếu nhanh hơn so với dự báo, làm gia tăng tính cấp bách buộc các nhà hoạch định chính sách triển khai thêm biện pháp hỗ trợ.

Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi của biện pháp hỗ trợ tiếp theo và thị trường đang chờ đợi vấn đề này.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư kỳ vọng, đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ triển khai khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ cho các biện pháp kích thích tài chính mới.

Trong khi đó, theo Caixin Global, nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc có thể phát hành tới 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong ba năm tới. Khoản tiền này được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế và giải quyết nợ ngoài sổ sách của các chính quyền địa phương.

Số tiền 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ nói trên nằm trong khoảng kỳ vọng của thị trường.

Ông Liu Shijin, cựu thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc đã kêu gọi một gói kích thích kinh tế trị giá hơn 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 1/10 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của đất nước.

Ông cho rằng, quy mô gói kích thích này là phù hợp với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Tuy nhiên, các biện pháp này có thể khiến lãi suất tăng cao hơn. Điều này sẽ gây áp lực nặng nề lên thị trường bất động sản - một trong những lĩnh vực mà chính phủ đang cố gắng cứu trợ.

Giới chuyên gia nhận thấy, Trung Quốc đang ở "ngã ba đường", với nhiều lựa chọn phức tạp về kinh tế.

Chính quyền Bắc Kinh cần tìm ra giải pháp để không chỉ kích thích tăng trưởng mà còn phải đối phó với các thách thức dài hạn như giảm phát và khủng hoảng bất động sản. Thị trường vẫn kỳ vọng một động thái mạnh mẽ từ Trung Quốc, nhưng bất kỳ quyết định nào cũng sẽ có những hệ quả đáng kể đối với cả nền kinh tế trong nước và toàn cầu.

(theo The Conversation, Reuters)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-dang-o-nga-ba-duong-voi-cac-goi-kich-thich-kinh-te-thi-truong-len-tau-luon-sieu-toc-290359.html