Chuỗi cửa hàng thực phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á

Các chuỗi cửa hàng thực phẩm và đồ uống giá cả phải chăng của Trung Quốc như Mixue, Cotti Coffev và Hadilao đang củng cố vị thế của mình tại Đông Nam Á, thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi.

Đối với học sinh trung học ở Việt Nam, Mixue là điểm tụ tập phổ biến sau giờ học. "Tôi đến đây mọi lúc vì giá rẻ", một nữ sinh ở Hà Nội cho biết.

Theo lời một nhân viên bán hàng, cửa hàng bán trung bình 500 ly đồ uống mỗi ngày và hơn 1.000 ly vào những ngày đông khách. Mặt hàng bán chạy nhất là trà chanh lô hội có giá 17.000 đồng. Đồ uống tại đây thường rẻ hơn từ 30 - 50% so với chuỗi cửa hàng địa phương lớn là ToCoToCo.

Mixue thu hút giới trẻ với dải sản phẩm đa dạng, giá cạnh tranh.

Mixue thu hút giới trẻ với dải sản phẩm đa dạng, giá cạnh tranh.

Mixue vào Việt Nam năm 2018, bắt đầu từ các thành phố lớn có nhiều sinh viên như Hà Nội và TP HCM. Sử dụng phương pháp nhượng quyền, đến năm 2023, công ty đã mở hơn 1.000 cửa hàng trên cả nước.

Rộng ra khu vực Đông Nam Á, Mixue mở cửa hàng đầu tiên tại Indonesia vào năm 2020 và kể từ đó đến nay đã phát triển lên hơn 2.400 địa điểm. Chuỗi cửa hàng này cũng có hơn 150 cửa hàng tại Malaysia và đang mở rộng tại Thái Lan và Philippines. Tổng các cửa hàng trên toàn thế giới đã lên tới 36.000.

Bí quyết để có mức giá thấp là sản xuất hàng loạt nguyên liệu thô tại Trung Quốc. Một nhân viên của hãng ở Thái Lan cho biết các nguyên liệu như trà và kem được sản xuất bởi một công ty con của Trung Quốc.

Các chuỗi khác cũng đang có những động thái tương tự. Cotti Coffee, chuỗi quán cà phê Trung Quốc đã vào Thái Lan vào tháng 12/2023. Một ly cà phê cỡ thông thường có giá 45 baht (1,35 USD), rẻ hơn mức giá 65 baht tại Cafe Amazon, chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan.

Cotti đã phát triển mạnh mẽ với khoảng 7.000 cửa hàng tại Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 2022 và là động lực thúc đẩy cạnh tranh về giá.

Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao cũng đang phát triển trong khu vực. Tính đến cuối tháng 12, chuỗi này đã có 70 cửa hàng ở Đông Nam Á. Các bữa ăn có giá khởi điểm khoảng 370 baht và khách hàng có thể tận hưởng các dịch vụ miễn phí đặc trưng trong khi chờ đợi, bao gồm đồ ăn nhẹ, kem và thậm chí là làm móng.

Yuji Kato thuộc Viện nghiên cứu Nomura Thái Lan cho biết: "Suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các chuỗi cửa hàng mở rộng sang Đông Nam Á".

Các thương hiệu thực phẩm và đồ uống Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm phát trong nước, buộc họ phải cắt giảm giá. Với thị trường dự kiến sẽ thu hẹp trong tương lai do tỷ lệ sinh giảm, các công ty đang ngày càng hướng đến thị trường Đông Nam Á đang phát triển.

Một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại rằng các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ có thể tác động tiêu cực đến ngành thực phẩm và đồ uống địa phương. Charoen Kaowsuksai, Chủ tịch Bộ phận Thực phẩm và Đồ uống của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết sự gia tăng nhanh chóng của các chuỗi thực phẩm và đồ uống giá rẻ của Trung Quốc sẽ giáng một đòn mạnh vào các nhà hàng địa phương.

Chuỗi cửa hàng ToCoToCo đã thua lỗ trong 3 năm liên tiếp. Bị áp đảo bởi sự cạnh tranh giá rẻ của Trung Quốc, công ty đã cố gắng thay đổi chiến lược kinh doanh và mở rộng mạng lưới cửa hàng lên khoảng 700 địa điểm.

Đỗ Kiều (theo Nikkei Asia)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/chuoi-cua-hang-thuc-pham-gia-re-cua-trung-quoc-tran-ngap-viet-nam-va-phan-con-lai-cua-dong-nam-a-1103081.html