Trung Quốc đang trên đường vượt Mỹ về ưu thế hạt nhân?

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng và những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cơ sở an ninh của Mỹ.

Theo Thời báo Âu-Á ngày 2/3, có những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về việc Trung Quốc sẽ vượt qua ưu thế của Mỹ, điều vốn được duy trì kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Mới đây, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược (STRATCOM) Mỹ Charles Richard đã cảnh báo tại Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ về lực lượng hạt nhân chiến lược mặt đất, trừ khi Mỹ đầu tư nhiều vào hiện đại hóa lực lượng tên lửa tầm xa mặt đất.

Phát biểu trước Tiểu ban Chiến lược thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 1/3, ông Richard nói: “Việc phát hiện ra ba trận địa tên lửa liên lục địa (ICBM) mới trong năm ngoái chứng tỏ tầm quan trọng của các lực lượng trên bộ đối với quân đội Trung Quốc. Nếu chúng ta không tiếp tục đầu tư vào bộ ba chiến lược, thì Trung Quốc sẽ sớm có một lực lượng hạt nhân hiện đại, ưu việt với khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn".

Tướng Richard nhớ lại rằng trước đó ông đã cảnh báo rằng các lực lượng vũ trang thông thường và hạt nhân của Trung Quốc đã đạt đến một cấp độ năng lực mới, một “đột phá” chiến lược đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.

“Vào tháng 9/2021, tôi đã chính thức thông báo về sự đột phá chiến lược của Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trung Quốc tiếp tục phát triển đáng kể các lực lượng chiến lược và hạt nhân với những ý định không rõ ràng về việc sử dụng chúng”, ông Richard nói.

Lo ngại này là cảnh báo về những khẳng định trước đây của các cấp cao hơn về sự phát triển quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm chấm dứt ưu thế trên không và hải quân của Mỹ.

Tại hội nghị của Hiệp hội Không quân vào tháng 9 năm ngoái, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown Jr nói rằng đến năm 2035, Trung Quốc sẽ làm lu mờ ưu thế trên không của Mỹ.

Hơn nữa, theo một báo cáo của Mỹ, Hải quân Trung Quốc đã và đang từng bước hiện đại hóa kể từ giữa những năm 1990 và hiện đã trở thành “một lực lượng quân sự mạnh” ở các vùng biển gần. Theo đánh giá đã được sửa đổi, Hải quân Trung Quốc có nhiều tàu nhất trên thế giới và việc liên tục tăng cường năng lực có thể gây nguy hiểm cho việc kiểm soát khu vực Tây Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.

Báo cáo khuyến nghị Quốc hội Mỹ nên đánh giá xem Hải quân Mỹ có được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với một quân đội Trung Quốc đã được hiện đại hóa hay không.

Tuy nhiên, việc thảo luận liên quan đến khả năng lực lượng hạt nhân chiến lược trên đất liền của Trung Quốc vượt qua ưu thế của Mỹ là rất quan trọng vì nó diễn ra trong bối cảnh Nga đã ra lệnh đặt các lực lượng chiến lược của họ vào vị trí sẵn sàng chiến đấu khi cuộc xung đột với Ukraine đang diễn ra.

Theo Tướng Richard, một minh họa khác về khả năng ngày càng tăng của Trung Quốc đó là việc nước này đã thử nghiệm một phương tiện bay siêu vượt âm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử nghiệm đầu tiên trên thế giới đối với một phương tiện lượn siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay vòng quanh địa cầu trước khi tấn công một mục tiêu. Theo các quan chức tình báo Mỹ giấu tên, vụ thử tên lửa siêu thanh còn đi kèm với việc phóng một tên lửa riêng biệt từ phương tiện tốc độ rất cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Chính sách Sasha Baker, Trung Quốc đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình nhanh hơn đáng kể so với dự kiến của các nhà phân tích Bộ Quốc phòng Mỹ và có vẻ sẽ có ít nhất 1.000 đầu đạn được triển khai vào năm 2030.

“Việc tăng tốc năng lực hạt nhân này có thể cho phép quân đội Trung Quốc triển khai hơn 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027. Dự kiến, Trung Quốc có ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030, vượt xa ước tính trước đó của Bộ Quốc phòng Mỹ", ông Baker lưu ý.

Theo ông Baker, các nhà hoạch định chính sách Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng sự phát triển liên tục của các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề quan trọng đối với thế trận hạt nhân của Mỹ.

Ông Baker cho biết Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng ít nhất 3 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn, sau đó sẽ có hàng trăm hầm chứa ICBM mới, nhấn mạnh rằng đây là sự thay đổi so với tư thế răn đe hạt nhân trước đây của Bắc Kinh. Hơn nữa, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã tuyên bố rằng việc xây dựng khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc không thể bị ràng buộc bởi Mỹ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương của Trung Quốc đã đặt ra nhu cầu tham vấn về cán cân quyền lực toàn cầu mà nhiều người ở Mỹ cho rằng có thể nghiêng về phía Trung Quốc vào năm 2035.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/trung-quoc-dang-tren-duong-vuot-my-ve-uu-the-hat-nhan-20220302172130868.htm