Trung Quốc đặt điều kiện tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ-Nga
Trung Quốc ngỏ ý sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí với Mỹ và Nga nếu Washington chấp thuận cắt giảm qui mô kho hạt nhân của nước này xuống bằng với Trung Quốc.
Theo đài Sputnik, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Fu Cong, ngày 8/7 trả lời phóng viên nói: “Mỹ vẫn chưa thông báo họ muốn gì nếu chúng tôi tham gia các cuộc đàm phán: rằng chúng tôi nên gia tăng kho vũ khí lên mức bằng Mỹ hoặc Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí xuống bằng của chúng tôi. Nếu Mỹ đồng ý cắt giảm kho vũ khí, chúng tôi sẽ tham gia đàm phán ngay hôm sau”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
Trung Quốc, một nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân. Nước này nhiều lần khước từ đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ, cho rằng sức mạnh hạt nhân khiêm tốn hơn của Trung Quốc chỉ mang tính phòng thủ và không đặt ra mối đe dọa nào.
Trên thực tế, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga hiện vượt trội so với của Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng lo ngại.
Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cũng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược.
START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần. Ngày 5/2/2021 văn kiện sẽ hết hiệu lực, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, theo trang military.com, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026.